- Biển số
- OF-505577
- Ngày cấp bằng
- 19/4/17
- Số km
- 386
- Động cơ
- 188,189 Mã lực
Cảm ơn cụ chia sẻ.Một góc nhìn
Quang Vo
Hôm qua lúc 00:39 ·
Y học chứng cứ và y học chứng ...kiến
Y học chứng cứ, nói đơn giản là " nói có sách, mách có chứng", là căn bản của y học hiện đại. Nói như mấy ông thầy mình, theo thống kê abcdef hoặc theo nghiên cứu xyz vân vân..., nên làm thế này thế nọ. Dân mặc áo blu đội nón trắng đeo ống nghe, ai cũng rành mấy câu thần chú đó.
Chuyện là, cái sự Covid hồi năm đó, nước Mỹ nhà giàu đứng mũi chịu sào, hùng hồn ra đủ các loại hướng dẫn, chỉ giáo cho thiên hạ ... Bỗng té cái ạch, khốn khổ cả năm trời. Thì ra cái sự y học chứng cứ, trong một thời kỳ hỗn mang chưa có chứng cứ, dễ đưa người ta lọt hố đến vậy.
Đầu năm Covid thứ nhất, vì chứng cứ chưa rõ ràng, mà hàng đàn hàng lũ virus từ Wuhan nhởn nhơ đi tham quan nước Mỹ, chẳng ai theo dõi, cách ly, ngăn chận gì ráo. Cũng đầu năm Covid thứ nhất, vì không chứng cứ, Mỹ kiên quyết không 'tét' những đứa không nằm trong diện nên 'tét' - dù cái diện đó hơi bị ít. Bởi vậy, mấy anh F0 dẫn cô Vy đi tự do, không sợ ai 'tét', thật quá sướng ! Cũng năm covid thứ nhất, các bác tuyên bố chứng cứ cho thấy đeo mask không có hiệu quả, khẳng định là nhân dân không nên, không được, không cần đeo cái gì cả. Đùng một cái, chứng cứ nó quay 180•, mỏi miệng năn nỉ nhân dân Mỹ đeo mask thì đã trễ thêm tập nữa...
Trái với y học chứng cứ, là y học chứng... kiến, là y học kinh nghiệm, kiểu " .. Nhân một ca lâm sàng,..." nên thường không được đánh giá cao. Bởi vậy, khi Mỹ bảo đừng đeo mask thì dân Việt ta vẫn che mặt. Mỹ bảo không cần cách ly thì ta cứ xúc hết vào trại. Nói cho cùng, chẳng lý do gì, chỉ vì ta biết sợ, còn bọn Mỹ, chúng không biết sợ - kiểu điếc không sợ súng ấy.
Sợ là một bản năng giúp con người tồn tại. Vì sợ, ta có những phản ứng phù hợp nhằm bảo vệ mình. Nhưng sợ quá mức, thì thành ám ảnh, sợ bóng sợ gió, sợ không lý do, dẫn đến những hành động hơi khó giải thích.
1.Trong khi cả thế giới đang mở rộng việc lấy mẫu đơn giản và nhẹ nhàng cho người thử, bằng việc lấy mẫu ở mũi trước, mũi giữa hay thậm chí là nước bọt, Bộ y tế Việt Nam vẫn hướng dẫn lấy mẫu mũi sau hai bên, và còn thêm cả thành sau họng, sợ âm tính giả.
2.Vì quy trình lấy mẫu phức tạp, chúng cần được thực hiện bởi nhân viên y tế. Bởi vậy, có hình ảnh những nhân viên kiệt sức, những chiến dịch chi viện và những đám đông không nên có. Những chuyện đó đã không xảy ra nếu ta có thể cho tự lấy mẫu. Thật, tự mình đã ngoáy 3 lần. Hướng dẫn rõ ràng, dễ hiểu, mà không cần tiếp xúc ai.
Việc tự lấy mẫu giúp giảm rủi ro lây nhiễm, giúp giảm việc cho nhân viên, giúp tiết kiệm vật tư ... nhưng chưa bao giờ được đặt ra ở Việt Nam. Vì sao ? Sợ dân mình ngốc nghếch không biết ngoáy mũi ? Sợ dân mình gian dối, ngại dương tính nên làm qua loa ?
3.Cả thế giới chỉ khoác áo cách ly, rộng rãi, hở trên thoáng dưới nhưng ta vẫn khăng khăn áo bảo hộ bít bùng. Dù chẳng ai giải thích, mọi người đều nghĩ trong lòng, cứ vậy đi cho yên tâm. Dù nóng, dù ngộp, dù bí .. nhưng đỡ sợ con virus nó bò lên trên, hay chui xuống dưới .
4.Người ta cách ly 10 ngày hay 2 tuần, ta cách ly hẳn 3 tuần cho nó sang. Thả ra sớm, sợ là còn dương tính.
5.Người ta truy vết 1 lớp, có thì tính tiếp. Ta truy từ F0 qua F1, từ F2 qua F3, rãnh thì tìm ra F4 rồi còn sức thì ngắp nghé F5...Có 1 ca thì truy từ nhà ra phố, từ bên nội về bên ngoại. Nhốt lại, giăng dây, đóng bảng thông báo như tập đoàn tội phạm. Căn bản là thà nhốt lầm hơn bỏ sót.
6.Để theo dõi, truy vết, người ta có tiêu chuẩn phơi nhiễm : tiếp xúc hơn 15 phút trong khoảng cách gần dưới 2m và với đối tượng trong thời kỳ gây nhiễm. Tiêu chuẩn truy vết của chúng ta nhiều lúc chì là người có đến nơi này, người đi chuyến bay nọ ... Chỉ cần đi ngang qua là đủ lên danh sách.
7.Chúng ta sợ những F đi lang thang, nên cách ly nhiều lớp nhiều nơi. F0 vào bệnh viện, F1 vào khu tập trung, F2 giăng dây như chuồng vịt ....Tiêu chuẩn cách ly của thế giới là bị phơi nhiễm. Tiêu chuẩn cách ly của chúng ta là tiếp xúc, tiếp xúc với người tiếp xúc ...thậm chí chỉ là có khả năng tiếp xúc. Bởi vậy, cách ly một khu phố, một toà nhà, một bệnh viện ...là chuyện thường ngày, mà không ai cảm thấy kỳ lạ. Bởi vậy, nhân viên đi làm trong tư thế sẵn sàng đi cách ly, khăn gói đầy đủ.
8.Chúng ta sợ người dân gian dối, sợ người dân vi phạm nên việc cách ly tại nhà chưa bao giờ là một giải pháp khả thi. Kể cả khi quy định mới với những điều kiện hà khắc, không nhiều người theo nổi. Bởi vậy mới có những câu đùa về lò ấp F1. Bởi vậy, mới có những hình ảnh em bé đi cách ly... mà chẳng nơi nào có.
9.Chúng ta test, test nữa, test hoài ... cho đến khi nó dương tính mới thôi. Và khi xác nhận rồi, chúng ta lại test, rồi lại test, và rồi lại test ... để đến lúc âm tính 2,3 lần thì mới yên tâm thả người bị nhiễm ra ngoài. CDC của Mỹ và WHO thì bảo rằng không cần test. Biết dương tính rồi thì tự cách ly. Hết 2 tuần, coi như âm tính, chẳng cần test. Vậy là ta cẩn thận hay ta đang lạm dụng test ? Sợ nó chưa hết lây lung tung thôi mà.
10.Dù không có bằng chứng nào,mà chỉ có các tài liệu của WHO phản đối việc phun xịt tràn lan các hợp chất có Chlorine, hình ảnh binh đội bít bùng xịt đường xịt phố, xịt cây xịt cỏ là một đặc trưng ...rất Việt Nam.
Tất cả những biện pháp, quy định trên đã đem lại thành công cho Việt Nam những ngày đầu dịch. So với sự sụp đổ của Mỹ, thật đáng ngạc nhiên, vì đó là sự thắng lợi của y học " chứng kiến" so với thành trì y học " chứng cứ". Tuy nhiên, thành công ở Việt Nam là duy nhất, và khó có thể lập lại ở một nơi nào khác ( Trung quốc ? Có lẽ vì sự tương đồng nhiều mặt) nhưng ta có thể tiếp tục duy trì sự thành công đó nữa không ? E là không .
Vấn đề ở chỗ chủ nghĩa kinh nghiệm chưa bao giờ là lời giải cho những vấn đề khoa học. Sự thất bại của Mỹ thực chất không hẳn là thất bại của y học chứng cứ mà do nguồn dữ kiện sai lầm hay thiếu thốn trong buổi ban đầu, lại còn bị uốn nắn bằng những mưu toan, quyền lực chính trị. Giờ đã là năm Covid thứ hai, cả thế giới chia sẽ một kho dữ liệu khổng lồ về dịch tể, bệnh học, chẩn đoán và điều trị. CDC và WHO đang dần trở lại với các hướng dẫn " đáng tin cậy" hơn. Những phác đồ và chiến lược được chia sẽ rộng rãi, đó là những bài học xương máu rút ra từ bao nhiêu cái chết và thương tật khắp nơi.
Trong bối cảnh đó, tiếp tục hành xử theo kinh nghiệm, theo ý chí chủ quan của mình là một sự phí phạm và tắc trách.
Mặt khác, những chiến lược và chiến thuật chống dịch đã từng thành công khi số ca dừng ở hàng 1 hay 2 chữ số vì những mặt trái của nó chưa rõ ràng. Người ta dễ dàng nhắm mắt làm ngơ. Vào lúc này, khi số ca đến hàng 3 chữ số, những bất cập của nó đang hiện ra ngày càng nhiều. Kinh tế kiệt quệ, y tế kiệt sức ... đã có nhiều người lên tiếng.
Là người đã trải qua cơn khủng hoảng ở Mỹ, tôi khâm phục cái cách Việt Nam vẫn đứng vững đến giờ phút này. Tuy nhiên, đã đến lúc phải thay đổi. Cần có một hội đồng khẩn cấp về dịch Covid, thuần túy là các chuyên gia trong các lĩnh vực, để đưa ra các khuyến cáo và các điều chỉnh kịp thời. Cũng cần những người không phải nhân viên y tế để phản biện về các tác động kinh tế xã hội cho các đề xuất đưa ra. Quan trọng nhất, các vị bí thư chủ tịch ủy viên ... xin tránh xa ra để hội đồng làm việc của mình. Thật, cứ xem Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid TPHCM thì biết, đủ cả từ chủ tịch, các phó chủ tịch, tuyên giáo, dân vận, có cả mặt trận tổ quốc .... Chỉ thiếu mỗi ông bác sĩ dịch tễ.
PS. Thế giới có vẻ lại rơi vào cuộc khủng hoảng về chứng cứ mới với biến chủng Delta. Những thông tin dịch tể tưởng chừng đã xác lập, đang thay đổi từng ngày. Những biện pháp nghiêm ngặt của Việt Nam, thật tình cờ, như là đang chuẩn bị cho con Delta này vậy. Không chừng ta đang đi trước thời đại, WHO và CDC sẽ qua Việt Nam học hỏi để thay đổi guideline
Hình ảnh các cháu nhỏ bé bỏng lết tha lếch thếch trong bộ đồ xanh lan truyền trên mạng thật là phản cảm, chả ra làm sao.