Giáo sư Thuyết đã đưa chúng ta từ choáng váng này sang hoang mang khác, trong sách giáo khoa lớp 1 môn Tiếng Việt mà ông là Tổng chủ biên. Tuy nhiên hôm nay khi trả lời trên báo Dân trí, thì ông cho một choáng váng mới, đó là ông khẳng định rằng trẻ lớp 1 thì không học được ca dao và tục ngữ Việt Nam, là vì các con không hiểu, vì khó tiếp thu.
"Sở dĩ sách không dạy ca dao tục ngữ vì học sinh độ tuổi lớp 1 khó tiếp thu nội dung của ca dao, tục ngữ. Do vậy, chúng tôi sẽ dạy ca dao tục ngữ ở lớp khác, khi học sinh có nhận thức phù hợp hơn.”, GS Thuyết khẳng định ( trích từ báo Dân trí, coi link cuối bài)
Xin có vài lời thưa với giáo sư. Theo tôi được biết chưa có bộ sách giáo khoa lớp 1 nào từ xưa tới nay ở xứ ta mà không có ca dao tục ngữ, tính từ Bộ Quốc văn giáo khoa thư của cụ Trần Trọng Kim chủ biên cho tới sách của VNCH và VNDCCH cũng như sau này. Vì vậy từ các bậc tiền bối đã học sách của cụ Trần Trọng Kim từ hồi 1927 cho tới nay, trong đó có cả giáo sư, cũng đều được học lớp 1 với ca dao tục ngữ. Trừ phi giáo sư nhảy cóc bỏ qua lớp 1 thế nào đó thì chúng tôi không được rõ.
Giáo sư có thể tìm lại từng bộ sách này sẽ thấy ca dao tục ngữ tràn ngập. Và ban đầu có thể rất ngắn gọn và đơn giản, cô đọng mà đi vào lòng người. Ví dụ như Con gà cục tác lá chanh, Con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi, Lá lành đùm lá rách, Chị ngã em nâng, Tập tầm dông tay không tay có, tập tầm vó tay có tay không...
Sau đó có nhiều bài đồng dao rất hay. Ví dụ bài Nu na nu nống cái trống nằm trong con ong nằm ngoài. Hay bài Con vỏi con voi cái vòi đi trước hai chân trước đi trước hai chân sau đi sau, còn cái đuôi thì đi sau rốt. Tôi xin kể nốt cái chuyện con voi...
Các bậc tiến bối là cha ông chúng tôi và cha ông giáo sư cho tới lớp hậu bối trước khi có sách Cánh Diều, đều được học ca dao, dân ca, đồng dao, tục ngữ từ lớp 1 cho tới hết cấp tiểu học. Nhiều phần sau đó vẫn dạy các bài ca này.
Và xét cho cùng, trong số chúng ta, có ai không được cha mẹ ông bà ru ngủ , dỗ dành, bồng bế bằng ca dao, dân ca, tục ngữ từ thưở nằm nôi. Khi chúng ta vừa ra đời, ông bà cha mẹ ta đã dạy ta bằng lời thơ dân tộc. Nào là Ví dầu cầu ván đóng đinh, cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi... Nào là Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn. Nào là Cánh cò bay lả bay la, bay từ cửa Phủ bay ra sân đình...
Nghĩa là mọi trẻ em Việt Nam từ cổ xưa tới nay, đều được học ca dao dân ca, trước cả khi học nói và học chữ. Mà nhiều câu mẹ hát bà ru là thuộc nằm lòng. Giờ nhắc lại còn rơi nước mắt.
Hay có nhẽ giáo sư đã quên hết tất cả. Hay giáo sư tự cho rằng mình là chân lý, mà bỏ qua truyền thống cội nguồn cha ông? Thành ra đúng là trong sách tiếng Việt lớp 1 của Bộ sách Cánh Diều, không hề có một câu ca dao, dân ca, tục ngữ hay đồng dao nào được bén mảng.Trong khi bộ sách này, lại đang được đa số trường học trên toàn quốc chọn học. Thay vào đó,
sách Cánh Diều dạy rất nhiều bài từ ngữ lổn nhổn, vô vị, cụt lủn, và chưa kể rất nhiều bài ngụ ngôn xuyên tạc từ bản gốc của các tác giả nước ngoài. Mà thành thật mà nói người lớn đọc các bản cắt xén này còn không hiểu, nói chi trẻ em?
Chúng tôi mong giáo sư có câu trả lời thỏa đáng. Bởi cách giáo sư lý giải trong mọi chuyện mà dân đang thắc mắc, đặc biệt thêm phần ca dao, dân ca, tục ngữ này là không ổn tí nào. Chúng tôi chỉ là người Việt Nam, cho con cháu học tiếng mẹ đẻ, và mong con cháu tiếp tục nhớ được câu ca, lời thơ dân gian từ ngàn đời của tổ tiên cha ông. Bởi chỉ có dạy dỗ các con cháu cẩn thận như vậy, chúng mới không trở nên lai căng và mất gốc, mất nết.
https://dantri.com.vn/.../gs-nguyen-minh-thuyet-se-dieu...
Nguyễn Thị Bích Hậu