Tư tưởng của cụ giống Tây! Thời điểm bây giờ thì vẫn đang cãi nhau chưa biết Tây hay Ta đúng.
Nhưng ở Ta, ngay SG gọi xe còn ko có, mà có xe đưa đến BV còn quá tải ko nhận đc bn thì mới sinh tranh luận. Chưa nói tỉnh lẻ!
Thực ra theo em hiểu thì có một số người có quan điểm thế này ạ: trong 100 người mắc Covid thì khoảng 80% là nhẹ, không triệu chứng => số này nếu gia đình có điều kiện thì nên được cách ly và điều trị tại nhà (tất nhiên vẫn cần y tế phường xã quan tâm cấp thuốc, và người nhà phải theo dõi chăm sóc kỹ để nếu trở nặng, SPO2 giảm thì phải đưa đi viện ngay), còn y bác sĩ trong các bệnh viện sẽ tập trung chăm sóc 20% còn lại ( và những người không đủ điều kiện tự cách ly điều trị tại nhà).
Sẽ thật lý tưởng nếu như 80% "tại nhà" đó đều có ý thức tốt để không đi lại khắp nơi và làm lây cho những người xung quanh. Tinh thần thoải mái, được ăn uống đầy đủ lại có người thân chăm sóc sẽ giúp số F0 "nhẹ" này mau chóng vượt qua. Hoặc lỡ có trở nặng thì bệnh viện vẫn còn chỗ, xe cứu thương vẫn sẵn sàng.
Họ cho rằng nếu gom hết F0 lẫn F1 đi cách ly tập trung, thì lực lượng y tế sẽ phải chăm sóc cho cả 20 người nặng, 80 người nhẹ, và thêm vài trăm người "có nguy cơ". Nếu vượt ngưỡng khả năng của địa phương thì có thể xảy ra tình trạng người "có nguy cơ" bị lây chéo rồi thành người bệnh, người bệnh thiếu ăn nên thành người nặng, người nặng thì không được chăm sóc kịp thời (do quá đông) nên khó thở không ai hay. Thấy quanh mình "mười phần chết bảy còn ba" cũng sẽ ảnh hưởng rất lớn tới tâm trạng người bệnh khiến họ càng suy sụp, thiếu ngủ, mất sức. Hoặc chỗ người không bệnh thì bị bắt đi tập trung => ức chế, còn chỗ khác người bệnh nặng lại không nhập viện được do bệnh viện hết chỗ, thiếu xe cứu thương...
Dồn hết nhân lực, vật tư y tế tập trung vào chữa Covid thì các bệnh khác cũng có thể bị xem nhẹ => sẽ có những người không nhiễm Covid nhưng lại vì Covid mà chết ( Ví dụ: bị đột quỵ nhưng không được cấp cứu kịp thời do các bệnh viện quá tải, bị ung thư nhưng phát hiện trễ do ngại đi khám bệnh trong mùa dịch, cần mổ gấp nhưng phải đợi kết quả test PCR nên bệnh diễn biến nặng hơn, cần chuyển viện từ tỉnh lên thành phố lớn nhưng không kịp do giãn cách, sợ dịch hoặc bệnh viện từ chối nên không tái khám được làm các bệnh mãn tính chuyển biến xấu...)
Còn quan điểm của "bên còn lại" thì phản đối việc cho F0 nhẹ và F1 cách ly tại nhà. Lý do là lấy gì bảo đảm được 80% kia là "nhẹ"? Nửa đêm trở nặng bất ngờ làm sao xử lý kịp? Máy thở, bình oxy đâu ra? Người nhà làm sao chăm sóc tốt được bằng y bác sĩ có bằng cấp chuyên môn, kinh nghiệm? Từ 80 F0 "nhẹ" nhưng đi lung tung không kiểm soát, rồi từ đó"đẻ" ra 800 hoặc 8000, thậm chí 80 ngàn ca F0 mới thì chẳng phải còn quá tải hơn sao? Trông chờ gì vào cái gọi là "ý thức tự giác" của những người cách ly tại nhà? Họ nhẹ, họ có điều kiện, nhưng lại làm liên lụy tới những người già yếu hoặc trẻ em, người có bệnh nền không tiêm vaccine được, người ở những tỉnh lẻ chưa được phân bố vaccine nhiều... thì sao?
Chuyện đúng sai thì có lẽ phải nhiều năm sau nhìn lại mới có thể có kết luận chính xác. Còn hiện tại cãi nhau có lẽ cũng chẳng được gì khi mà ý kiến của mỗi người chưa chắc tác động được tới chính quyền địa phương mình, hoặc y tế nước mình. Nên có khi người muốn "mở" thì lại chật vật ở chỗ "đóng", người hô hào "đóng" thì lại thất vọng khi địa phương mình cứ "mở". Em nghĩ bản thân mỗi người hãy cố gắng linh động trong bất kỳ hoàn cảnh nào, để bảo vệ hết mức có thể cho bản thân và gia đình.
Như em, thứ duy nhất em có thể hiện tại là cố gắng thuyết phục mẹ em ở quê chịu đi tiêm vaccine ( và trộm vía nay đã tiêm được 1 mũi). Cha em trên 65, xã chưa có đợt tiêm, thì phải ở yên trong nhà không được đi đâu, càng miễn tiếp khách. Em bắt mẹ em đi làm về phải thay quần áo ngay rồi mới được tiếp xúc với cha. Em giãy lên với chị gái em đang làm dâu ngoài Huế vì hai tháng trước còn cho cháu em đi "học tư" tại nhà cô giáo, dù chị em một mực khẳng định là "không sao đâu chỉ có hai ba đứa học thôi, gần nhà lắm". Em cố thuyết phục bạn bè em đi tiêm vaccine ngay khi có cơ hội, bất kể loại nào, dù em vẫn nói với họ em biết vaccine Covid thực ra được nghiên cứu và sản xuất trong thời gian rất ngắn, chưa đủ để kết luận được gì về các tác dụng phụ lâu dài...
Còn bản thân em đang ở SG, TP đã chọn "sống chung với dịch", em đi làm lại, thì em phải quen với việc "F0 có thể quanh mình", phải tự biết là nếu lỡ chẳng may có nhiễm thì khả năng cao mình sẽ một mình một phòng, uống thuốc, hết bệnh lại tiếp tục đi làm. Lỡ bệnh mà có muốn vào viện cũng chưa chắc được. Và từ giờ đến tết, trừ khi thực sự khẩn cấp, nếu không em sẽ chẳng về quê, dù tỉnh em giờ đã có văn bản mới cho phép người tiêm hai mũi + xét nghiệm âm tính được cách ly tại nhà. Thậm chí nếu tình hình không ổn, hoặc cha em tới đó vẫn chưa được tiêm, thì có thể tết cũng sẽ không về, càng lo cho cha mẹ lại càng không thể về, vì nghề mình tiếp xúc nhiều, có kỹ tới đâu cũng khó tránh việc mang mầm bệnh. Tài xế công ty em chấp nhận đi chạy chở hàng, đồng nghĩa từ đầu tháng tới giờ chỉ nằm ngủ ở bãi xe, không về dù chỉ một lần, phần vì quy định, phần vì lo cho vợ con ở nhà. Nhiều bạn trẻ thấy SG hết giãn cách thì tung tăng đi sống ảo, không mang khẩu trang, không giữ khoảng cách... Còn với em, đồng nghiệp và khách hàng công ty em, hết giãn cách là cơ hội để lại tiếp tục đi làm kiếm tiền nuôi gia đình, giao thông thông thương là để vận chuyển hàng hóa, lương thực thuận lợi... Nhưng em biết mình không thể "ép" những người nơi khác phải chấp nhận với chuyện "F0 đầy đường" như nơi mình đang sống, không thể khuyên người ta "sống chung với lũ" khi nơi họ ở nước còn cạn queo...