Triều Tiên thành cường quốc tên lửa với SLBM, ICBM MIRV
Triều Tiên đang nỗ lực phát triển các tên lửa đạn đạo liên lục địa phóng từ tàu ngầm (SLBM) và ICBM đa đầu đạn (MIRV)
SLBM mới đạt tầm liên lục địa?
Về phần vũ khí, tại cuộc duyệt binh về cơ bản phô trương những mẫu mới đa dạng. Đáng chú ý là pháo tự hành 152 mm và năm loại hệ thống tên lửa phóng loạt: 122 mm, 240 mm, rõ ràng là khổng lồ với hai hàng 4 quả đạn, cũng như sáu hàng và 5 quả đạn.
Tiếp theo là đội hình các tên lửa chống hạm và tên lửa phòng không và ở giữa xuất hiện tên lửa mới nhất “Pukkykson-4”, trước đây, chưa bao giờ thấy nhắc đến ở bất cứ đâu.
Trên thân tên lửa viết chữ Triều Tiên “Pukkykson-4A”, còn theo giới thiệu của các bình luận viên trong chương trình phát sóng trên truyền hình thì đó là “tên lửa đạn đạo chiến lược phóng từ tàu ngầm”.
Giáo sư Kim Dong-yup nêu ý kiến, bề ngoài, nó trông giống “Pukkykson-3” (đường kính 1,5-1,6 m), đã phóng vào ngày 2 tháng 10 năm 2019, nhưng mẫu mới có kích thước lớn hơn đáng kể.
|
Hình ảnh được cho là của ICBM MIRV Hwasong-16 Triều Tiên |
Xét đến yếu tố gia đình “Pukkykson” sử dụng động cơ nhiên liệu rắn, việc tăng đường kính có nghĩa là cải tiến kỹ thuật về công nghệ nén nhiên liệu rắn và tương ứng là tăng tầm xa chuyến bay của tên lửa.
Ngoài ra, tính đến việc tăng đường kính, có thể giả thiết rằng tên lửa siêu khủng này được tạo ra dành cho loại tàu ngầm mới, to lớn hơn, hiện đang được phát triển.
Đương nhiên, cho đến nay chưa có vụ phóng hiện thực nào của “Pukkykson-4” nên không thể khẳng định đây là mẫu vũ khí chiến đấu đang trong quá trình phát triển hay chỉ thuần tuý là mô hình.
ICBM mới đang phát triển
Hơn nữa, việc tăng đường kính của tên lửa đẩy dùng nhiên liệu rắn có thể nói lên không chỉ về công việc của SLBM, mà còn về sự cải tiến mẫu “Pukkykson-2”, có chức năng dành cho các cuộc phóng từ mặt đất. Tức là có thể giả định rằng người ta đang tiến hành phát triển tên lửa phóng từ mặt đất với nhiên liệu rắn, để thay thế cho tên lửa đạn đạo dùng nhiên liệu lỏng “Hwasong-12” có cùng tầm bắn.
Tại cuộc duyệt binh đã cho thấy một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mới nhất, vận chuyển trên cỗ xe tải chuyên dụng cơ động hạng nặng 11 trục. Còn cần phải tiến hành phân tích so sánh chi tiết, nhưng xét theo hình ảnh trình diễn, thì thấy ICBM này có chiều dài khoảng 24-25 mét và đường kính cũng đã tăng lên.
“Theo cái nhìn của tôi, tính đến chi tiết tên lửa không được gọi tên trực tiếp là “Hwasong-16” mà trên thân chỉ ghi dãy mã hiệu, thì nhiều khả năng đây là một mô hình và quá trình sáng chế vẫn đang tiếp nối. Nhưng cũng rất có thể nó cũng thuộc dòng “Hoả Tinh” (Hwasong) và động cơ chính của nó dùng nhiên liệu lỏng.
Vị chuyên gia Hàn Quốc lưu ý, một số nhà phân tích tập trung vào thực tế ICBM mới được phô trương là tăng phạm vi bắn, nhưng điều quan trọng không phải là tầm bắn xa mà là gia tăng trọng lượng đầu đạn, khả năng điều khiển và độ ổn định, mức tin cậy khi hoạt động.
“Hwasong-15” đã phô trương tầm bắn tiềm năng là 13.000 km, làm cho toàn bộ lãnh thổ Hoa Kỳ nằm trọn trong pham vi hứng đòn tấn công của ICBM, vì vậy không có nguyên nhân cụ thể nào lý giải việc tăng phạm vi triệt hạ của tên lửa mới.
Triều Tiên đang chế tạo ICBM MIRV?
Theo ý kiến của ông Yang Uk, Giáo sư thỉnh giảng Cao học Quản trị Kinh doanh và Chiến lược Quốc phòng tại Đại học Hannam, tính đến trình độ hiện tại của công nghệ Triều Tiên trong lĩnh vực thu nhỏ và giảm trọng lượng đầu đạn hạt nhân, chuyên gia thấy vấn đề chế tạo tên lửa với nhiều đầu đạn (MIRV) là đáng chú ý.
|
Tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) Pukkykson-4 của Triều Tiên |
Trước đây, Triều Tiên đã từng khoa trương về thành tựu của mình, ví dụ như với tên lửa “Hwasong-13”. Tuy nhiên, việc trình diễn tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mới vào ngày 10 tháng 10, dù chưa sẵn sàng đến mức đưa vào hệ trang bị, nhưng chí ít cũng cho thấy hướng phát triển rõ rệt về loại ICBM mang cùng lúc một số đầu đạn – ông Yang Uk nói.
So với “Hwasong-15”, tên lửa mới dài hơn đến 4-5 mét, do đó, tính đến chi tiết tăng khối lượng thì động cơ giai đoạn hai cũng phải được tăng lên để nâng cao lực đẩy tương ứng. Đổi lại, việc tăng kích thước phần mũi tròn nơi bố trí đầu đạn nói lên rằng ở đó có thể chứa một hay mấy đầu đạn nặng hơn.
Mặt khác, bất kể thực tế tăng kích thước để chứa được nhiều đầu đạn là chi tiết có thể nhận thấy bằng mắt thường, nhưng bản thân phần đầu phân tách loại MRV dường như vẫn chưa sẵn sàng.
Điều đó bộc lộ cho thấy công việc đang được tiến hành và sẽ sớm hoàn thành, nhưng hiện thời còn chưa đến giai đoạn hoàn tất để ông Kim Jong-un thân chinh tới đứng bên chụp ảnh trước khi phóng thử. Đừng quên rằng kể từ lần trình diễn đầu tiên của loạt ICBM “Hwasong” cho đến khi chúng được triển khai trên thực tế thì đã trôi qua tới 8 năm.
“Đối với phiên bản mới của tên lửa “Pukkykson” (nghĩa là “Ngôi sao vùng Cực”), thì đây chẳng qua là nỗ lực âm thầm mong bắt kịp Hoa Kỳ, trong chừng mực nó được gọi tên giống như tên lửa đạn đạo đầu tiên phóng từ tàu ngầm của Mỹ là “Polaris”. Hiển nhiên có sự khác biệt trong các hệ thống, nhưng phải nói là vẻ ngoài của chúng khá giống nhau.
Trước đây “Pukkykson” được phóng lên đã phô trương tầm bay xa gấp đôi so với mẫu tên lửa “tiền bối” của nó, vì thế hẳn là bây giờ Triều Tiên cũng đang cố gắng đạt tới chỉ số của tên lửa kế tiếp “Polaris”, tức là tên lửa “Poseidon” - Giáo sư Yang Uk nói với Sputnik.
Hồi cuối năm ngoái, tại Hội nghị lần thứ V của BCH Trung ương đảng Lao động Triều Tiên khóa 7, Chủ tịch Kim Jong-un tuyên bố rằng “thế giới sẽ sớm được chứng kiến loại vũ khí chiến lược mới của CHDCND Triều Tiên”. Có vẻ như khi trình diễn các tên lửa “Pukkykson-4” và tên lửa đạn đạo xuyên đại châu ICBM trên cỗ chuyên xa hạng nặng 11 trục trong cuộc duyệt binh này, ông Kim muốn chứng tỏ đã hoàn thành lời hứa năm ngoái.
Triều Tiên đang nỗ lực phát triển các tên lửa đạn đạo liên lục địa phóng từ tàu ngầm (SLBM) và ICBM đa đầu đạn (MIRV).
baodatviet.vn