Tiếp:
“E xin lỗi vì loãng thớt cụ rachfan nhưng mà cũng có điều cần đính chính là VN đã sản xuất đc dao lam nha cụ.
Còn nhập về đổi tên đổi nhãn thì em ko rõ, chỉ thấy hiệu dao của e xài nó xuất xứ từ VN.
Cụ cứ tiếp tục nhé.”
Cụ phát hiện rất đúng, sự tích nó là thế này: DORCO là công ty chuyên gia công đồ cắt gọt của Hàn Quốc, tương đối nổi tiếng về sản xuất dao cạo râu. Vì nhân công cơ khí ở Hàn quá đắt nên họ sang VN mở công ty 100% vốn Hàn ở KCN Phố Nối Hưng Yên, chuyên sản xuất dao bếp.
Tại sao lại có dao lam Dorco VN? Vì thuế NK đánh vào dao lam quá cao (20%) nên Dorco làm thủ thuật thế này: gia công con dao gần hết ở Hàn rồi mang sang VN trong trạng thái bán thành phẩm để né thuế, chỉ tách lưỡi và đóng gói ở VN. Dây chuyền chính vẫn nằm tại HQ. Đó là lý do tại sao "Made in VN" mà giá bán vẫn cao hơn dao Ai Cập nhập khẩu.
Bài này tôi kể tiếp cho các cụ 1 chút về thời gian học nghề ở TQ:
Xưởng tôi học nghề là một cái nhà kho từ thời bao cấp của TQ, nhìn bề ngoài rất xấu. Bên trong có sửa sang lại nhưng cũng chỉ sạch được phần sản xuất. Người TQ sống khá bẩn, kể cả dân trung lưu. Xưởng có hơn 20 công nhân phần lớn là nữ và tất cả nam nữ đều là trung niên, tôi vào là trẻ nhất, chỉ đáng tuổi con cháu.
Công nhân ở xưởng trình độ rất thấp, hình như không ai học quá cấp 2. Thậm chí không cần biết kẹo mình làm ra bán đi đâu, có mấy người từ lúc tôi vào đến lúc đi còn không thể phân biệt được Việt Nam và Vân Nam. Thấy tôi nói tiếng Tàu í ẹ thì rất thông cảm, bảo mày từ quê ra cứ học dần, vài tháng là nói được. Nói chung, không thể chuyện trò gì được với mấy người này ngoài ăn cơm uống nước và trai gái.
Thế mà mấy ông bà già trình độ cấp 2 trường làng ấy lại làm việc rất tốt. Tôi sẽ dành 1 bài riêng bàn về người Tàu và cách làm của Tàu, lần này chỉ kể sơ qua. Người ta khoẻ, nhanh nhẹn và khá tự giác, mặc dù lương không hề cao, chỉ 7-8 trăm tệ tháng. Phụ nữ Tàu làm việc không thua gì đàn ông, kể cả chạy máy. Cái này, nữ công nhân VN kém xa. Đi bất cứ công xưởng nào của Tàu cũng thấy nhiều nữ công nhân chạy máy, trong khi ở VN số này chỉ đếm đầu ngón tay. Tuy nhiên cái kém là phụ nữ Tàu xấu tệ hại.
Xưởng trưởng là một ông hơi già nhìn khá thư sinh tên là lão Triệu, sau tôi biết là vốn làm kỹ thuật ở một xưởng bánh kẹo quốc doanh được bà chủ câu ra. Ông này giấu nghề thê thảm. Tự đặt nguyên liệu không cho ai động vào, nguyên liệu về thì tự lột nhãn đánh số 1, 2, 3, công nhân cứ đúng theo bài pha 1 vào 2, pha 2 vào 3 mà ko biết chúng nó là gì.
Nếu không đọc tài liệu từ trước thì tôi cũng chỉ khóc thét. May có chút kiến thức, tôi cứ vừa làm theo mấy ông bà già, vừa suy nghĩ và so sánh. May hơn nữa là lão Triệu cũng mất cảnh giác với tôi, có vài chuyến hàng về lão sai tôi ra bóc nhãn (nghĩ là tôi không biết gì) để lão đánh số. Nhãn hàng của Tàu chủ yếu là tiếng Tàu nhưng vài nhãn cũng có 1 ít tiếng Anh. Có những nhãn toàn tiếng Tàu tôi phải cố nhớ, xong việc mới vẽ lại chữ theo trí nhớ, ko có smartphone khổ thế.
Chuyện ăn cắp công thức chỉ là 1 phần công việc, còn lại chủ yếu là lao động. Lão Triệu chủ ý không truyền nghề cho tôi nên 1 tháng ở xưởng tôi chủ yếu làm chân sai vặt. Tôi cũng có đối sách, không nề hà bất cứ việc gì và làm tốt nên chỉ sau mấy ngày là bắt đầu được mấy bà công nhân quý. Thế là tôi nhân dịp nhờ các bà dạy tiếng Tàu, vừa nhẩn nha hỏi về các công đoạn sản xuất. Cái này tiếng Tàu gọi là “kẻ nói vô tình, người nghe hữu ý”. Các bà rất vô tư kể cho tôi cái này là gì, cái kia làm thế nào. Tất nhiên là chỉ ở mức trình độ của các bà nhưng tôi có kiến thức của mình nên từ 1 suy ra hai ba. Dần dần tôi hiểu được nguyên lý và các công đoạn sản xuất cả kẹo cứng lẫn kẹo mềm.
Bà chủ Lương mới hơn 20 ngày đã nhắc tôi sắp hết hạn. Lúc ấy tôi mới vỡ ra nguyên lý sản xuất nên rất muốn ở lại thêm tháng nữa nhưng bà ta nhất quyết bắt tôi ra khỏi xưởng. Bây giờ nghĩ lại tôi đoán là lão Triệu bắt đầu nghi ngờ là tôi có học được gì đó. Trước khi đi tôi chào mấy bà công nhân, các bà tưởng tôi bị đuổi việc nên thương tôi lắm. Có bà còn bảo về nhà tao ở tạm tao chỉ cho mày chỗ khác làm.
Tất cả những quan sát và suy luận tôi đều ghi lại trong sổ tay, sau đó tổng kết lại và tự lên quy trình sản xuất. Lúc đầu, việc đặt nguyên liệu rất khó khăn, tôi phải liều sang TQ tự đi tìm, cũng vào cả chợ Kim Biên, mãi mới khớp được các mối nguyên liệu.
Thời gian làm kẹo tôi có gặp bà chủ Lương 2 lần nữa ở cửa khẩu Hữu Nghị, bà ta biết tôi cạnh tranh nên đối xử rất lạnh nhạt. Có vẻ rằng chuyện cho tôi sang học nghề là một lần bốc đồng, bà ta cũng không ngờ là tôi làm được.
Bài học chính tôi rút ra từ chuyện này là “đừng coi thường bất cứ một ai”. Một thằng nhóc hiền lành vô hại rất có thể sẽ là đối thủ lớn nhất của anh trong tương lai, nên luôn phải cẩn thận. Nó học ở đâu khác kệ nó, ít nhất không tự dạy cho nó cách để nó cạnh tranh với mình.
Sản xuất bao giờ cũng có bí quyết, anh phải biết đâu là bí quyết và bảo vệ nó thật chặt. Điều đó có thể gây phiền toái và bận, nhưng còn hơn là biếu không bí quyết cho đối thủ.
“quiz nói:
Mấy món thế này em nghĩ cụ cứ tìm ai có chuyên môn là học sẽ tư vấn đầy đủ. Mấy vụ luyện thép thế này hồi đó em có nghe thầy em nói sơ qua tương tự”
Có một cái tôi phải nói cho các cụ là nếu các cụ nghĩ mang kiến thức ở trường ra là sản xuất được là các cụ nhầm to.
Hồi trước tôi cũng thần tượng các thầy bách khoa và các tiến sĩ viện lắm nhưng mấy lần có vấn đề, thuê các vị trả tiền trước hẳn hoi. Đầu tiên các vị chém ghê lắm nhưng dần dần chuồn hết, tôi mới rút ra kết luận rằng kiến thức sản xuất nó lớn hơn nhiều so với kiến thức giáo khoa. Nếu ai nghĩ có thế lấy kiến thức từ trường ra là đủ để sản xuất là sẽ thua to đấy.
Càng ngày tôi càng thấy, "tư duy làm toán chủ động" chính là bí quyết lớn nhất để thành công.
Hãy tự mình đặt ra các bài toán và tự giải chúng. Nếu chỉ làm được một vế thì anh sẽ không thành người kinh doanh được.
Nói thực tôi rất dị ứng với những câu hỏi đang có rất nhiều trên mạng: có 50 (100, 200...) triệu nên kinh doanh gì? Đến bài toán cơ bản nhất này còn không tự giải được thì còn nói gì đến kiếm tiền?
Việt nam có hơn 90 triệu dân, dù thu nhập còn chưa cao nhưng nhu cầu chung của bằng ấy con người đã ở mức tương đối lớn. Các cụ làm bất cứ phân khúc nào dù ngóc ngách đến mấy, với thị trường hơn 90 triệu dân, nếu làm tốt các cụ đều có khả năng kiếm tiền tốt.
Tôi biết một cụ chưa tốt nghiệp phổ thông, cụ ấy chỉ làm một ngạch nghe rất trời ơi là buôn lưỡi câu. Thế mà mỗi tháng kiếm 3-400 triệu ngon ơ.
Tất nhiên tôi cũng không bao giờ coi chuyện này là xấu, vì không biết thì hỏi có gì đâu. Nhưng vì những câu hỏi kiểu này cứ lặp đi lặp lại nên tôi thấy rất kỳ cục. Chỉ cần bỏ thời giờ tra cứu vài chục phút là thấy đầy trên mạng, và các lời khuyên cũng chỉ loanh quanh gửi tiết kiệm, mua chứng, mua đất, mở cà phê và bán hàng OL. Hỏi có bao nhiêu lần nữa thì cũng vậy thôi.
Theo kinh nghiệm của tôi, nếu là câu hỏi "tôi có 200 triệu, mở cà phê được không?" là một câu hỏi hợp lý, chứ còn câu hỏi "tôi có 200 triệu, nên kinh doanh gì để ra tiền?" là một câu hỏi dở hơi. Nếu anh không tự có nổi một ý tưởng nào thì tốt nhất đừng nên làm gì.
“Blue Danube nói:
Vâng, bác có lý... chắc do em luôn trung thành với chiết lý 'ba anh hàng da hơn một gia cát lượng'
Nếu làm ra tiền mà ba anh hàng da cũng được tiêu thì hỏi cũng được đấy, vấn đề là nếu có tiền thật thì chỉ mình anh Lượng xài, thế thì đừng mong ba anh hàng da nghĩ hộ cái gì.”
Xã hội ngày càng cạnh tranh nên muốn kiếm ra tiền các cụ phải "độc, tốt, mới". Một ý tưởng như thế đừng mong người ta tiết lộ cho ai kể cả anh em bạn bè, chứ đừng nói là người dưng trên mạng. Tôi đã từng biết những người suốt ngày bô bô tôi sẽ làm cái nọ, tôi sẽ làm cái kia, nhưng đến lúc làm thật thì im thin thít, giấu hết mọi người (trừ những người bị hỏi vay tiền).
“Thienbinh72 nói:
Cảm phục 2 cụ vì lòng nhiệt huyết, sự đam mê trong công việc, khao khát cháy bỏng 1 cuộc sống tốt đẹp cho mình và xã hội. Em chắc tầm tuổi cụ Quên, cũng mong muốn làm đc 1 cái gì cho mình, năm 98 em tập toẹ trồng nấm rơm, cũng 1000m2 lán trại, thu mua hàng tấn rơm. Em đã ko tự lượng đc sức mình, làm ko xuể (vì từ bé chưa phải lao động nặng, chân yếu tay mềm) lại ko có hướng đầu ra nên cũng thất bại. Chia sẻ cùng các cụ!”
Thực ra tôi khá ngạc nhiên với các thông tin của cụ. Nếu không có phương án đầu ra thì cụ đầu tư làm gì?
Kinh nghiệm của tôi khi lập dự án đầu tư là phải đi ngược, từ thị trường, bán hàng đến sản xuất và đầu vào. Lập dự án theo chiều xuôi là rất dở.
Tôi đang bận chống bão nên hen các cụ lùi bài lại 1 ít. Xưởng thì ko sao nhg sân bị úng, chắc mấy hôm nữa phải làm lại.
Tiếp tục câu chuyện đời tôi cho các cụ tham khảo.
Rời Trung của về Việt nam, lúc đó đã là tháng 6. Trong cùng một thời gian tôi phải làm hai việc lớn.
Việc thứ nhất là dựng xưởng, mà việc đầu tiên của việc thứ nhất tất nhiên là tiền đâu. Tiền tôi tích trữ lúc ấy có khoảng 10 triệu, không đủ thuê xưởng chứ đừng nói mua máy móc nguyên liệu. Tôi phải tìm nguồn tiền đầu tư, và người đầu tiên tôi nghĩ đến là cậu hai con bà trẻ.
Tôi biết cha này hay ngồi cà phê ở mấy quán quanh Bờ Hồ nên lang thang đi tìm. Ngay ngày đầu tiên đã thấy hắn ở Nhân nhưng lúc đó đang chém với mấy thằng bạn nên mãi mấy hôm sau tôi mới bắt được hắn ngồi một mình. Tôi kiếm một bàn bên cạnh, gọi một cà phê xong làm ra vẻ "tình cờ nhìn thấy anh", đi lại bắt chuyện.
Đầu tiên tôi nghĩ khéo mà hỏng vì thằng cha lúc ấy nhìn rất bực bội, chửi thề liên tục. Tôi nghĩ cũng chẳng có gì để mất nên nói thẳng em vừa đi học nghề bên Tàu xong, đang tìm người hợp tác dựng xưởng làm kẹo. Không ngờ thằng cha hỏi luôn mày cần bao nhiêu. Tôi bảo chắc khoảng 200 triệu, hắn nghĩ một lúc rồi nói anh đầu tư cho mày 2 trăm nhưng phải làm cho anh cái dự kiến, báo cáo rõ ràng, cam kết chỉ được thắng không được thua.
Mịa, làm gì có đầu tư nào mà chắc thắng trăm phần trăm. Tôi chửi thầm trong đầu nhưng vẫn “cam kết” với hắn. Về sau tôi mới biết đại loại là lão anh hắn mang thằng em lên biên giới đánh hàng nhưng thằng em lời phời quá làm thằng anh cáu, về Hà Nội chửi em bất tài vô dụng trước mặt cả phố làm cậu hai nhà ta mất mặt, quyết chí đi cà phê tính kế kiếm tiền. Tôi gặp hắn đúng lúc ấy nên được ngay 200 triệu. Quá may!
Trong quá trình chuẩn bị, hoá ra cậu hai làm được khá nhiều việc. Đầu tiên hắn nhờ bạn chỉ tôi thuê được xưởng là một phần của 1 xưởng gỗ trong làng ở Yên Viên, mặc dù rất ồn nhg được cái là dùng ké được ngay điện 3 pha. Thứ hai là đứng tên đăng ký doanh nghiệp tư nhân. Lúc ấy tôi mới biết nếu một mình thì tôi không thể nào làm được vì không có hộ khẩu Hà nội.
Tôi nhớ hôm đăng ký doanh nghiệp xong, cậu hai sướng lắm, lôi tôi đi làm bữa bia bét nhè ra ý bây giờ tao cũng là ông chủ như ai. Tôi ngồi uống bia cứ thấy buồn cười vì cứ đăng ký doanh nghiệp xong là thành ông chủ thì ai chẳng làm ông chủ được. Đúng là hợp tác với những thằng sĩ diện cũng có cái hay như thế. Mình chỉ cần lựa tính bốc hắn lên 1 tí, cứ “nhờ anh” làm cái lọ cái chai là sai hắn được rất nhiều việc. Tất nhiên, phải tỉnh táo để biết cái gì bảo được cái gì không, chẳng hạn đừng bao giờ nhờ bốc hàng, còn lâu hắn mới làm.
Phần quan trọng nhất bây giờ là mua máy móc nguyên liệu. Việc này phải cảm ơn ông thợ máy ở xưởng kẹo bên Tàu. Đó là một ông già rất vui tính tốt bụng. Một hôm buổi trưa thấy ông cặm cụi sửa máy tôi lại gần bắt chuyện, bê vác cho ông một hồi thế là thầy trò quen nhau. Sau đó ông cho tôi một số điện thoại bảo đấy là người chuyên buôn bán sửa chữa máy.
Lần thứ hai tôi sang TQ, gọi điện theo số ông già cho bảo tao là học trò của Lâm sư phụ, muốn đến chỗ mày mua máy làm kẹo. Cha bên kia cười ha ha bảo mày đến Phật Sơn đi, tao đón. Tôi lại lần mò đi đến Phật Sơn nhưng không mua được máy chỗ tay Trần này vì máy hắn to quá, hắn dẫn tôi sang xưởng của thằng cháu bên cạnh. Cuối cùng tôi mua được một bộ máy mini tổng lại chỉ hơn 90 ngàn tệ (126 triệu đồng: 1 tệ = 1.400 đồng lúc đó)
Trong mấy ngày ở Phật Sơn tôi được tiếp đón hết sức trọng thị. Đến mức tôi phát ngại và bảo tay Trần cháu không cần phiền hà đến như thế nhưng chú này không nghe, bảo mày ở xa đến mua máy của tao là tao quý lắm, chỉ cần về sau nếu phát tài mua thêm máy thì nhớ quay lại.
Các cụ có thể thấy bản năng thương gia của người Tàu nó lớn thế nào. Bất biết Trần cháu này thật tâm đến đâu nhưng khi nghe nói thế, chắc chắn cáu cụ phải nghĩ đến hắn nếu muốn mua gì tiếp.
Các thứ trong một ngành nó link đến nhau, tôi vào xưởng sản xuất hỏi được chỗ mua máy, đi mua máy thì được chỉ sang chỗ bán nguyên liệu. Cứ thế lần mò bên Tàu hơn 2 tuần, tôi đã tập hợp được gần hết các mối cung cấp. Việc mang về VN thì đơn giản, các công ty xuất nhập khẩu ở Bằng Tường đầy nhóc. Tôi chỉ cần đặt hàng, trả tiền và chỉ định nhà xuất khẩu là có thể ngồi đón hàng tại Hữu Nghị.
Chắc có cụ sẽ hỏi: thế tôi lấy được gì ở Việt Nam? Chuyện này tôi sẽ kể sau.
Việc lớn thứ hai tôi phải làm cùng với việc dựng xưởng, đó là thoả thuận với bố mẹ về chuyện tôi bỏ đại học.
Các cụ nhà tôi, như tôi đã kể, là hai trí thức bao cấp điển hình. Học rất nhiều, rất giỏi, nhưng vận dụng được rất ít, suốt đời chỉ biết đến nhà nước. Trong tâm trí các cụ, tôi học đại học ra là để đi dạy hay vào làm cho cơ quan nhà nước nào đó, nghe đến tư nhân là đã hãi chứ đừng nói đến bỏ học.
Việc này làm tôi đau đầu mấy hôm liền, ban ngày đi chạy việc, ban đêm nằm nghĩ đủ các kiểu “làm việc” với hai vị thân sinh. Từ thẽ thọt ngoan ngoãn đến bất cần đời tôi đều duyệt qua hết, cuối cùng tôi thấy tốt nhất là dùng cách mị dân. Muốn bỏ học đi làm, tôi phải chứng minh cho các cụ tôi đã làm được một cái gì đó.
Có một việc tôi phải làm khi chuẩn bị sản xuất là đặt bao gói, tôi mò vào tận Chợ Lớn đặt gói kẹo. Tôi chờ đến lúc gói kẹo đến nơi, mua một hộp Kopiko về bóc gói xịn ra, lấy gói của mình bao vào, cho vào túi ni long dán lại, thế là được một gói kẹo của mình. Mang gói kẹo, cọp tôi lên đường về nhà.
Lúc bấy giờ tôi đang rất thiếu thời gian nên về nhà buổi chiều, đến tối tôi thông báo luôn cho hai cụ. Tôi chìa copy giấy phép kinh doanh, ảnh chụp xưởng và gói kẹo tự làm ra, bảo đây là kẹo xưởng con làm, bây giờ con là giám đốc, giấy phép này chỉ là mượn tên thôi, con xin bố mẹ cho phép con đi theo chí hướng của con.
Buổi tối và cả đêm hôm đó cả nhà tôi rất nặng nề, tôi không kể lại vì không phải là chủ đề chính của thớt này. Thật sự trong chuyện này phải cảm ơn ngài Bill vì lúc ấy những người có học đều biết ít nhiều về chuyện Bill Gates bỏ học thành lập Microsoft. Cuối cùng bố mẹ tôi cũng đồng ý cho tôi thôi học (nói thế cho oai chứ tôi đã thôi từ lâu rồi) nhưng phải bảo lưu kết quả và chỉ được 1 năm, nếu sau 1 năm không ổn thì phải quay lại trường.
Tôi về trường nhờ thấy chủ nhiệm, mất khá tiền mới xin được cái giấy bảo lưu gửi về cho bố mẹ yên tâm, chứ thâm tâm tôi biết với tôi đại học thế là đủ.
Quay về Hà Nội, tôi tiếp tục việc mở xưởng. Tính đến lúc đó tôi đã làm được khá nhiều việc lớn: học nghề, gọi vốn, thuê nhà xưởng, mở doanh nghiệp, mua máy, mua nguyên liệu, còn hai việc nữa là thuê công nhân và chuẩn bị bao bì. Công nhân thì nhị công tử lĩnh trách nhiệm, thằng cha định về quê lấy mấy đứa cháu lên làm việc ở xưởng chú, vừa ra oai với mẹ vừa dằn mặt anh cả. Tôi nhẹ được một việc, tập trung vào chuyện bao bì.
Thuê in bao bì ở TQ rất đơn giản nhưng tôi muốn làm ở VN vì chẳng nhẽ cái giấy gói kẹo cũng phải nhập TQ. Nhưng đi tìm mới thấy công nghiệp bao bì ở VN lúc đó nó tệ hại vl. In trên giấy kém, in trên nhựa càng không ra gì. Tôi vào tận Sài Gòn, đầu tiên đến in Trần Phú bị đuổi ngay từ cổng, lại lần đến Chợ Lớn thì may quá, gặp được mấy bác ba Tàu, một phần cũng do chút vốn tiếng tàu tôi có từ lúc học nghề.
Vào xưởng in mấy ông ba tàu Chợ Lớn mới lại thấy một cái tài của người Hoa (đến bài riêng về người Hoa tôi sẽ bàn lại một lần nữa), xưởng rất thô sơ, máy móc rất đơn giản nhưng người ta làm ra được những sản phẩm không ngờ. Tóm lại, thật đáng buồn là mặc dù lăn lóc khắp cả nước nhưng cuối cùng tôi cũng phải mua tất cả từ người Tàu. Về sau tôi mua được một cái trong nước là đường phèn. Mặc dù rất đắt nhưng nó làm cho kẹo ngon hơn hẳn.
200 triệu của nhị công tử nghe thì to nhưng để lập xưởng vẫn là quá ít. Để cho tiết kiệm cái gì tôi cũng tự làm, từ đi dây đấu điện, xây trát đến khuân vá và trông xưởng. May là nhờ di truyền tư duy tự nhiên của bố mẹ, mày mò mãi tôi cũng tự suy ra được hết. Giữa tháng 9/1998 khi tập hợp đủ máy móc, nguyên liệu, bao bì, tôi bắt đầu sản xuất thử.
Gọi là sản xuất thử chẳng qua là thằng chưa biết bơi, xem người khác rồi nhảy xuống hồ tự bơi lấy. Cho đến lúc đấy tôi có học nghề nhưng thực ra chưa được thực tập sản xuất kẹo bao giờ. Những cái quan sát ở xưởng bên tàu và nói chuyện với thằng bán máy tôi ghi lại cẩn thận trong sổ tay, đến giờ lôi sổ tay ra đọc lại rồi nhớ xem lão xưởng trưởng làm thế nào, cố gắng làm lại theo trí nhớ của mình. Kết quả là những mẻ đầu tiên, cái tôi thu được chỉ là những đống hổ lốn đường bột màu lẫn lộn, không sao có thể gọi là kẹo được.
Lúc bấy giờ tôi mới nhận ra là tôi đã quá tự tin khi nghĩ rằng mình đã thó được hết bài của lão xưởng trưởng. Rõ ràng có những chiêu mà tôi không biết, không hiểu hoặc đã bỏ qua. Tôi làm đi làm lại hơn 2 tuần nhưng tiến triển đều không ra sao.
Dở nhất với tôi lúc ấy là hai thằng phụ việc lại là con cháu nhị công tử từ quê lên, có chuyện gì hai thằng mách hết với cậu, thế là thằng cha cuống cuồng lôi tôi ra tra hỏi. Nếu không ra được hàng là hắn mất cả tiền lẫn mặt mũi vì đã trót đi khoe là tao mở xưởng làm kẹo. Lúc lên cơn, thằng cha ăn nói cực kỳ phũ nhưng tôi phải cắn răng ngồi nghe vì mình ở thế yếu, cuối cùng tôi hứa với hắn cho tôi 1 tuần, không ra được hàng là tôi phải trả lại tiền cho hắn, lấy đâu ra không cần biết.
Đêm hôm ấy tôi không ngủ, ngồi bên cạnh cái máy tính với quyển sổ tay, cố nhớ lại lão xưởng trưởng và mấy ông bà công nhân làm thế nào. Cảm tưởng là tôi đã làm đúng hết mà sao vẫn không ra được kẹo, đúng hơn là viên kẹo hết sức xấu xí, không thể đóng gói đem bán được. Đến mấy thằng cháu cậu hai từ quê ra còn bảo “kẹo chó ăn” thì các cụ biết là thế nào rồi.
Bốn hay năm ngày gì đó trôi qua mà tôi vẫn không nghĩ ra được gì, có làm thử lại mấy lần nhưng kết quả vẫn ra kẹo chó ăn. Tuy nhiên tôi lại có cảm giác là tôi đã chạm vào một cái gì đó mà tôi chưa nhìn ra, vì những mẻ kẹo cuối cùng tuy vẫn chưa đủ tiêu chuẩn nhưng có khá hơn. Cảm giác tôi đã gần tìm ra bí quyết nhưng chưa đến nơi.
Cuối cùng bí quyết cũng đến và rất đơn giản, đó là tôi đã quá máy móc khi cố bắt chước xưởng bên Tàu. Máy móc của tôi khác, nguyên liệu cùng loại nhưng không phải y nguyên, nghĩa là những tính năng vật lý khác nhau, điều kiện nhiệt độ độ ẩm trong xưởng cũng khác. Muốn ra được kẹo tôi phải có một công thức và quy trình riêng, không thể copy người khác. Tôi sực nghĩ ra chuyện này khi ngồi gặm cơm tối, sau đó tôi về thử đi thử lại như điên suốt cả đêm. Hai ngày không ngủ, tôi làm 14-15 mẻ kẹo liên tục. Đến mẻ thứ 11 gì đó thì kẹo bắt đầu khá, cuối cùng mẻ thứ 15 thì đẹp hẳn. Lúc bấy giờ công thức và cách làm của tôi đã khác hẳn so với xưởng bên Tàu.
Tôi hỏi hai thằng công nhân, kẹo này đã đủ tiêu chuẩn người ăn chưa hay vẫn cho chó, hai thằng bảo thế là quá đẹp rồi. Tôi đuổi chúng nó ra khỏi xưởng bảo về báo cho cậu chúng mày rồi đóng của ngủ một trận, gần 20 tiếng sau mới dậy.
Nhớ lại cách thức sản xuất gần 2 chục năm trước, thấy đúng hồi ấy mình ấu trĩ hết mức. Mấy con máy không khác gì đồ chơi trẻ con, ông chủ là tôi thì cóc biết một tí gì về pháp luật kinh doanh nên mới bị lừa cho một vố đau tới giờ, chuyện này từ từ tôi sẽ kể.
Nhưng với hoàn cảnh năm 1998, đấy có lẽ vẫn là một cuộc cách mạng. Sau khi tìm ra bí quyết, tôi bỏ thêm gần 1 tuần để trau chuốt sản phẩm. Cuối tháng 10/1998, xưởng chúng tôi chính thức giao lô hàng đầu tiên. Không phải tôi đi giao hàng mà là nhị công tử, thằng cha lúc ấy oai như cóc, in các visit “Chủ tịch doanh nghiệp tư nhân” (doanh nghiệp tư nhân làm *** gì có chủ tịch!), được cái bán hàng rất hăng hái, cũng được việc. Nhờ có hắn mà hàng của tôi vào thị trường khá thuận tiện. Các cụ nào đã kinh doanh thì biết, một sản phẩm mới toanh lúc khai phá thị trường nó khổ như thế nào. May nhờ có nhị công tử và quen biết của bà trẻ mà hàng giao ra và thu tiền khá nhanh, tôi có vốn xoay vòng để sản xuất.
Nhắc đến vốn, lúc chính thức làm hàng là tôi đã cạn sạch số tiền đầu tư của nhị công tử vì bao nhiêu nguyên liệu đã làm kẹo chó ăn hết. Tôi phải nói khó với hắn rót tiền thêm, nhị công tử đồng ý nhưng đòi thêm cổ phần, tôi không chịu, cuối cùng thoả thuận là tiền hắn rót thêm coi như cho công ty vay lãi 7% tháng, chả khác hút máu người nhưng vì cần vốn tôi phải cắn răng đồng ý. May mà hàng bán được nên tôi thu vén hết mức, đến sát Tết thì trả hết cả vốn lẫn lãi cho hắn.
Tôi và nhị công tử phân công, tôi sản xuất, hắn bán hàng. Bình thường thì cà lơ phất phơ chứ bán hàng cho mình, thằng cha tương đối chăm chỉ, được cái nữa là hắn không gian lận lèm nhèm nên tôi tập trung vào sản xuất. Lúc ấy tôi gần như ăn ngủ với kẹo, vừa cải tiến nội dung vừa tút tát bao bì. Đến gần Tết thì kẹo của tôi đã khá ổn, trông gần như kẹo tây nhưng giá rẻ hơn kẹo Tàu, đảm bảo ăn ngon.
Càng gần tết đặt hàng càng nhiều, tôi nâng giá lên hơn 8% mà hàng cứ đi thun thút, làm không xuể. Tôi bị lao lực vì làm nhiều quá, đầu tiên 67 cân sau còn gầy như con ve nhưng không biết làm thế nào vì không dám buông cho công nhân, sợ lộ bài nên cứ phải làm tối ngày. Được cái tiền về rất khá, tôi trả hết nợ cho nhị công tử, mua thêm máy, cải tạo một ít mặt bằng và gửi về cho bố mẹ. Các cụ cũng dần dần yên tâm không thúc tôi đi học lại nữa.
Nhưng rồi nhị công tử phạm phải một sai lầm chiến lược, đó là công khai đối đầu với đại công tử. Thằng cha vẫn cú từ hôm bị anh chửi ăn hại trước mặt cả phố, đến lúc thấy mình có cơ là tìm cách chơi lại. Hắn mang kẹo bán hạ giá vào mấy mối ruột của lão anh để cho anh mình không bán được hàng nữa. Đầu tiên tôi không biết chuyện, sau một hôm bà trẻ gọi điện đến nhắn tôi lên gặp. Đến nơi bà bảo tôi ý là anh em làm ăn không giúp đỡ thì cũng nhường nhịn nhau, đừng có huynh đệ tương tàn. Tôi đồng ý ngay vì chính mình cũng chỉ muốn lập nghiệp kiếm tiền chứ ăn thua gì với ai, nhưng đến lúc nói với nhị công tử thì thằng cha không chịu, bảo anh bị lão ta mắng chửi hơn chục năm nhục lắm rồi, mày cứ để anh dạy cho lão một bài học.
Sai lầm của tôi là không kiên quyết ngay lúc ấy để anh em nhà này đối đầu nhau, cuối cùng tôi lại là thằng lãnh đủ. Bài sau tôi sẽ kể từ đầu đến đuôi cho các cụ.
“Kamikaze1281 nói:
Cụ rack thân mến , em có vài câu hỏi muốn hỏi cụ nhưng bận quá chưa thể comment được , bây giờ mới rỗi rãi hơn chút ngồi lại để viết ra:
+ Trong giai đoạn này khi máy móc , nguyên liệu , bao bì .... cụ vẫn phải nhập thì cụ làm giá rẻ và cạnh tranh với hàng Tàu như thế nào?
+ Cụ có gợi ý gì về việc cạnh tranh với người Tàu ở giai đoạn này không?
+ Khi cụ bắt tay với cậu 2 trong khi cụ không có vốn thì cụ tính cổ phần thế nào và như em thấy là cụ nắm quyền điều hành doanh nghiệp khi đó?”
Trả lời cụ từng câu một:
+ Tôi làm kẹo năm 1998, giai đoạn đó nếu làm được thì rất sướng: đô rẻ, tệ rẻ và hàng tiêu dùng, nếu so tương quan với hiện nay, giá lại khá cao. Kể cả hàng tiêu dùng Tàu giá cũng cao nên hàng tôi làm ra cạnh tranh thoải mái. Mặt khác tôi đã chuyển hướng ngay khi nắm được nghề, đó là sản xuất kẹo kiểu tây chứ không phải kiểu tàu nên còn bán được giá cao hơn nữa (tôi sẽ kể kỹ ở bài sau).
+ Về người Tàu và cạnh tranh với Tàu, tôi đã có ý định viết một bài riêng, thậm chí mở một thớt riêng. Cụ chịu khó đợi vậy.
+ Tôi và cậu hai chia cổ phần rất đơn giản thôi: tôi có kỹ thuật, hắn có tiền, tôi lo sản xuất, hắn lo bán hàng, lãi chia 50:50. Thực ra lúc bấy giờ tôi ở thế yếu hoàn toàn nên hắn có đòi 70:30 tôi cũng phải chịu, nhưng thằng cha cũng là loại tốt tính và trung thực nên chơi với nhau được đến cùng.
Tôi đang khá bận, hẹn các cụ trong tuần này sẽ có bài mới. Nhưng có một chuyện tôi thấy cần nói với các cụ.
Từ khi mở thớt này tôi đã nhận được một số inbox hỏi xin công nghệ, cách làm, v/v… Tôi cần nói rõ như sau: Nếu làm sản xuất thật thì các cụ sẽ thấy: không ai cho không ai công nghệ, thậm chí không bán. Bởi bất cứ công nghệ nào cũng từ mồ hôi và máu mà ra.
Nếu đọc thớt của tôi, các cụ sẽ thấy để có kẹo thành phẩm bán ra, tôi đã phải mạo hiểm vất vả thế nào. Đến các công ty sản xuất ở VN, có tới 90% là không cho khách vào xưởng. Xưởng của tôi cũng vậy.
Tôi chia sẻ chuyện lập nghiệp ở thớt này là quá cởi mở rồi, và chỉ dừng lại ở đây. Tôi sẽ không làm bất cứ việc gì hơn, nghĩa là không offline, không ảnh, không email và tất cả các thông tin cụ thể. Chỉ có một ngoại lệ là có cụ nào sẵn có một ý tưởng hỏi tôi thì tôi sẵn sàng tư vấn, cam kết không ăn cắp ý tưởng.
Vài dòng như vậy, mong các cụ thông cảm.
Nói lại ý tôi đã nhắc qua cách đây mấy hôm. Năm 1998, thiếu thốn đủ thứ nhưng bù lại, hàng hoá cũng thiếu và giá tương đối cao so với tiền nên tôi bán hàng rất sướng, hầu như cái gì làm ra cũng đút túi trên dưới 30%. Ấy là tôi và cậu hai còn không cho nợ, chứ nếu cho nợ còn lãi nữa. Mùa Tết 1998, trả được khoản vay cắt cổ 7% của cậu hai, tôi và hắn còn chia nhau được mỗi thằng gần 50 triệu.
Một ý khác tôi cũng muốn nhắc lại là ngay sau khi nắm được nghề, tôi tìm cách thoát ra khỏi kiểu kẹo Tàu và đi theo hướng kẹo Tây nên hàng bán khá dễ. Lúc ấy một ngày 24 tiếng tôi sống với kẹo, quan sát, suy nghĩ và thử nghiệm đủ cả. Cuối cùng hầu như loại kẹo nào tôi cũng mày mò làm được, kẹo cứng, mềm, dẻo, thậm chí cả kẹo giòn nhưng vì tay nghề thợ không đủ nên phải bỏ.
Tiềm kiếm được tôi chỉ dám đưa 1 phần cho bố mẹ, 1 phần gói lại nhét vào vali sách trong cái phòng xép của tôi ở nhà vì lo đưa nhiều quá bố mẹ sợ. Chính số tiền đó sau này đã cứu tôi.
Đấy các cụ ạ, làm sản xuất độc quyền nó sướng như vậy. Mỗi tháng tôi và cậu hai chia nhau hơn trăm triệu, tiền sạch hoàn toàn. Công việc nó cũng thay đổi con người, thằng cha lúc ấy rất chăm chỉ, biết giữ mồm miệng, chỉ có mỗi chuyện dàn hoà với lão anh là hắn cứ như điên, nói không được.
Tôi thì không biết gì, nhị công tử cũng gà mờ nghĩ anh em chiến nhau thì chỉ trong gia đình. Không ngờ đại công tử lại nghĩ khác.
Đầu tháng 6/1999, giữa giờ sáng, xưởng đang làm thì một lũ 7 thằng ập vào. Kiểm tra liên ngành, đủ cả QLTT, VSTP, thuế, CAKT. Thuế thì đỡ vì bà trẻ chạy cho nộp thuế khoán, còn QLTT, nhất là VSATTP thì tôi cóc có chứng nhận nào cả.
Đó là chết vì thiếu hiểu biết. Về bản chất tôi vẫn chỉ là thằng bé nhà quê ra, chỉ nghĩ đơn giản làm được hàng thì đem đi bán như chợ quê mà không hề nghĩ đến chuyện phải xin giấy phép con. Một phần tôi cũng ỷ lại rằng có gì thì nhị công tử và bà trẻ chạy được, vì anh em nhà bà có mấy người làm to. Thực ra nếu là kiểm tra bình thường thì cũng chạy được thật, nhưng ác cái đoàn này lại do chính đại công tử đứng sau, làm sao chạy được.
Tôi bị hành suốt mấy ngày. Đầu tiên sợ đến hoảng loạn, không ngờ nhị công tử lại khá cứng, hắn bảo tôi anh em mình có nghề, sợ cái *** gì. Cùng lắm đóng xưởng, nghỉ vài tháng xong sang Hà Tây lập xưởng mới, cùng lắm tốn thêm trăm, hai trăm. Tôi nghĩ cũng đúng nên bắt đầu cứng lại với chúng nó, bảo các ông không khuyến khích sản xuất thì thôi, còn hành hạ doanh nghiệp, cùng lắm tôi đóng xưởng về quê. Lúc ấy bọn nó bắt đầu hạ giọng, bảo chúng tôi chỉ kiểm tra, anh sai thì phạt, còn nếu xin đủ thủ tục thì cứ tiếp tục làm. Tôi bắt đầu có kinh nghiệm, vặc lại ngay: xưởng tôi mới mở mấy tháng, đã làm ra bao nhiêu mà các anh đòi phạt. Cứ lằng nhằng như thế thì đột nhiên bà trẻ gọi lên bàn chuyện.
Đến nhà bà trẻ nói một lúc thì tôi đoán ra vụ này là do đại công tử sách động. Mẹ kiếp, thề lúc ấy mà thằng cha ở đấy là tôi vác dao chém thật. Bao nhiêu công sức, mồ hôi nước mắt của tôi. Muốn chiến thì dùng hàng, dùng tiền mà chiến, đằng này đi gọi chính quyền, bẩn *** chịu được.
Nể bà trẻ, tôi để cho bà dàn xếp, mất 25 triệu và lời hứa anh em 2 lão không chiến nhau nữa. Cuối cùng thì xưởng tôi cũng được yên nhưng không ngờ tai nạn lớn còn ở đằng sau. Bài tới tôi sẽ kể chi tiết…
Những điều các cụ chia sẻ với tôi có thể khác nhau nhưng thực ra đều đúng cả, vì các cụ viết căn cứ vào cách nhìn và hoàn cảnh của mình, và cái đó thì không ai giống ai.
Có một điều mà tôi thấy đa số doanh nghiệp sản xuất dịch vụ VN rất yếu (nhưng có vẻ cụ quên nick và cụ coolpix đã làm được). Đó là tìm ra cho riêng mình một (hoặc một số) bí quyết để sản phẩm của mình có ưu thế trên thị trường. Đa số các doanh nghiệp VN hiện nay đều không có bí quyết hoặc không biết cách bảo vệ bí quyết để sau 1 thời gian bị người khác lấy mất, thế là sinh ra 1 dây các doanh nghiệp làm những cái giống nhau rồi cạnh tranh kéo nhau xuống hố.
Với cụ yellowtea, có vẻ doanh nghiệp của vợ chồng cụ đang có khó khăn. Nói như cụ coolpix có vẻ phũ nhưng theo tôi là đúng: khi người khác làm được mà mình không làm được thì vấn đề nằm ở mình chứ không phải ở thị trường. Tôi không rành về thức ăn gia súc nhưng có một cái có thể khuyên cụ: vợ chồng cụ đã biết đủ rộng và đủ sâu về lĩnh vực mình làm hay chưa? Các cụ có tỉnh táo đánh giá thật khách quan bản chất vấn đề của mình nằm ở đâu chưa?
Có một cách tôi thấy rất hiệu quả để làm sản xuất tốt, đó là "dùng cả thế giới phục vụ mình". Một trong những thành công lớn nhất của tôi là tôi từng làm việc được với một nhà máy thép ở Bulgaria, trong quá trình hợp tác, chúng tôi đã làm ra được một loại thép thay thế 1 loại thép Thuỵ Điển, giá chỉ bằng 2/3. Nhưng để làm được việc đó tôi đã phải tìm hiểu công nghệ luyện thép rất nhiều (trong khi mình chỉ là thằng gia công), lại lục lọi cả Nam Mỹ và Đông âu để tìm ra 1 thằng có máy móc phù hợp mà giá sản xuất rẻ. Tóm lại, cái tôi làm hoàn toàn vượt ra khỏi trình độ một thằng gia công kim loại thông thường. Đó chính là bí quyết của tôi: Biết 100 nhưng chỉ dùng thường xuyên 60 để kiếm tiền, 40 còn lại để dự trữ cho các trường hợp khó khăn.
Nếu cụ biết 100 mà phải dùng cả 100 để làm việc thường xuyên, thậm chí dùng cả 100 vẫn không đủ thì đó là nguy cơ. Cụ phải tìm mọi cách để bổ sung kiến thức, hiểu biết... để nó vượt lên mức độ 100 hiện thời. Kinh doanh là kiến thức, càng cạnh tranh, càng khó khăn càng phải cần kiến thức.
“Yellowtea nói:
Bọn em mới chuyển từ gia công ở nhà máy khác sang nhà máy riêng, đúng thời điểm giá nguyên liệu tăng nên mấy tháng vừa qua duy trì không lỗ đã là may rồi. Nói về biết đủ rộng và sâu thì bọn em không dám nói là đủ.
2 người bọn em có 2 quan điểm khác nhau và vì thế em không tham gia trực tiếp cùng sói, chỉ hỗ trợ từ xa. Vì bọn em mâu thuẫn từ quản lý nhân sự/tuyển nhân sự, quản lý sản xuất, chiến lược thị trường ... Nên em làm một mảng riêng của em.
Vấn đề khó khăn của cty bọn em không phải chỉ ở thị trường, mà là quản trị DN về tổng thể: chiến lược phát triển, nhân sự, phân khúc sản phẩm, etc. Đó là lý do mà em thấy bác H2MQ nói đúng. Vì đúng với nội tại của bọn em và một số DN trong ngành đang chết mà em biết.”
Chiến lược phát triển, nhân sự, phân khúc sản phẩm: tất cả đều là vấn đề tầm nhìn cộng thêm khả năng tự đánh giá. Ví dụ một doanh nghiệp có thể đặt ra một chiến lược chung rất lớn và rất đúng, nhưng nếu không có đủ lực (cả trí lực, tài lực và nhân lực) để thực hiện thì chiến lược dù có đúng cũng thành sai.
Nếu hai vợ chồng cụ có 2 chiến lược khác nhau thì tôi thấy cụ nên suy nghĩ, vì mặc dù hai cụ có thể có quan điểm khác nhau nhưng lực của gia đình chỉ là một. Hơn nữa các cụ tham gia trong 1 ngành sản xuất rất cổ điển nên ít có khả năng đột phá. Nếu từ cùng một căn bản mà sinh ra 2 quan điểm hoàn toàn khác nhau thì nên nhìn nhận lại.
Có một cách rất đúng và thống nhất để đánh giá cách làm nào là đúng, đó là dòng tiền. Xét theo ngắn hạn và trung hạn, cách làm nào đạt được dòng tiền tốt hơn, cách đó là đúng. Đừng ngây thơ theo đuổi những lợi nhuận trên giấy.
Tôi đã phải suy nghĩ khá nhiều trước khi tiếp tục vì bài sau sẽ là một chuyện tự vạch áo rất tồi tệ. Nhiều cụ đọc chắn chắn sẽ chửi tôi quá ngu. Đúng là hồi đó tôi đã mắc một lỗi lầm không thể tha thứ được, khiến cho sự nghiệp làm kẹo của tôi đang suôn sẻ tự nhiên phải chấm dứt một cách hết sức nhục nhã. Âu cũng là cái giá phải trả cho tuổi trẻ bốc đồng.
Số là, khi thu xếp xong mọi chuyện thì tôi và cậu hai quyết định nghỉ 2 tuần rồi bắt đầu lại. Tôi dùng 2 tuần sang Trung Quốc đi một lượt mấy nhà cung cấp, cũng mở mang thêm được nhiều. Một chuyện các cụ nên học ở người Tàu là họ rất chịu khó đổi mới, cạnh tranh với họ mà mình dậm chân tại chỗ là thua chắc.
2 tuần sau bắt đầu lại, cả tôi và cậu hai đều phấn chấn vì đơn hàng dồn lại khá nhiều, bọn tôi phải guồng ngay để có hàng giao đi. Mọi sự đang bình thường như vậy thì gần 1 tháng sau đó tôi có khách.
Lúc thằng cha đó đến thì tôi nhận ra ngay, là tay CSKT trong đoàn kiểm tra hồi trước. Thằng cha biết tôi phản cảm nên hẹn nói chuyện ở quán nước, hắn nói đến chỉ với tư cách cá nhân vì rất tôn trọng những “doanh nhân trẻ làm sản xuất” như tôi. À, đây là lần đầu tiên tôi được gọi là “doanh nhân”.
Tôi nhớ lại, đúng là đợt kiểm tra thì chỉ có bọn QLTT là bố láo nhất, còn thái độ của cha này tương đối đúng mực. Lần gặp lại hôm ấy thì thằng cha cũng vui vẻ dễ chịu, cuối cùng tôi tin vào thiện ý của hắn và đồng ý khi hắn bảo “có gì khó khăn cứ gọi anh, còn thỉnh thoảng anh em gặp nhau giao lưu”.
Mấy tuần sau, hắn giúp được tôi 1 lần khi xe hàng chở nguyên liệu của tôi bị giữ ở Bắc Giang. Cái xe ấy chở hàng cho nhiều chủ, bị liên ngành tóm về bãi, thằng cha giúp tôi lấy được hàng ra gần như đầu tiên nên sau vụ đó “anh em” thân thiết với nhau hẳn. Tôi đưa tiền hắn không nhận, chỉ đồng ý đánh chén 1 trận bét nhè. Lúc ngà ngà say, hắn khoác vai tôi bảo “anh coi chú như thằng em của anh”, và tôi đã tưởng thật.
Việc sản xuất của tôi thì tiến triển rất thuận lợi, chưa đến mùa cao điểm mà đã phải chạy hết công suất. Xưởng tôi chỉ là một xưởng rất nhỏ nên sản lượng so với thị trường không thấm vào đâu, cậu hai mấy lần giục tôi bung ra nhưng tôi không làm vì biết nếu bung ra là khó kiểm soát được chất lượng và rất dễ lộ bí quyết. Nói đến “lộ bí quyết” là cậu hai sợ ngay, mặc dù tiếc hùi hụi vì bán được mà không có đủ hàng.
Các cụ nhớ lại năm 1999-2000, chắc chưa quên đó là thời gian thấp điểm chưa từng có của nhà đất ở Hà Nội. Giá đất rẻ đến nỗi làm kẹo chỉ 1 năm mà tôi mua được hẳn 2 mảnh, 1 ở Gia Lâm, 1 ở An Dương. Đang thuận lợi như vậy thì tôi vấp phải đại nạn.
Chuyện bắt đầu thế này: một tối cuối tháng 11/1999, “anh kết nghĩa” hẹn tôi ra ngồi chơi. Tôi đến thì thấy 1 thằng cha nữa, hắn giới thiệu là bạn thân hắn làm thương mại. Tay bạn thân này đẹp trai và rất biết nói chuyện nên tôi quen hắn rất nhanh. Không nghi ngờ gì và đồng ý ngay khi hắn bảo muốn lấy hàng của tôi đem vào miền Trung tiêu thụ.
Thằng cha lấy tất cả các kẹo của tôi đi làm mẫu chào hàng, hơn 1 tuần sau hắn quay lại và đưa cho tôi 1 đơn hàng khủng: 1 tỉ rưỡi, đặt cọc 200 triệu, còn lại thanh toán ngay sau khi nhận hàng. Điều kiện là làm theo bao bì do hắn đưa cho.
Mấy bao bì này thực ra cũng không có gì, trừ một chi tiết là có dòng chữ “Made in Spain”. Tôi thắc mắc thì hắn bảo để cho dễ bán và bảo yên tâm, không sao đâu. Tôi nghĩ có “anh kết nghĩa” bảo kê nên đồng ý làm theo, vả lại lúc ấy tự nhiên tôi nổi cơn háo thắng, thử xem mình ghi là kẹo Tây Bán Nhà có ai nghi ngờ gì không. Cả khi “anh kết nghĩa” gọi điện hỏi bạn anh đặt hàng em à, anh em thì anh em nhưng làm ăn là phải rõ ràng sòng phẳng với nhau, tôi vẫn không mảy may nghi ngờ.
Đặt bao bì xong tôi cho xưởng làm cả 3 ca để nhanh có hàng giao đi. Tôi đề nghị làm đến đâu giao đến đấy nhưng thằng cha bảo không, anh muốn lấy hàng 1 chuyến cho gọn. Tôi vẫn không nghi ngờ gì, nghĩ lại bây giờ đúng là ngu muội hết sức.
Tôi còn nhớ như in hôm giao hàng cho hắn, đó là thứ bảy ngày 15/1/2000, 2 xe tải đầy hàng, thằng cha đưa tôi thêm 100 triệu tiền mặt, bảo ngày mai anh thanh toán hết. Tôi vẫn tin và yên chí đi ngủ.
Sáng hôm sau không có gì xảy ra, đến chiều khi tôi định gọi cho hắn để hỏi tiền thì thằng cha gọi điện trước, giọng rất nghiêm trọng bảo em ơi, hàng bị giữ ở Quảng Bình rồi. Chúng nó đòi bộ chứng từ nhập khẩu, em có không.
DM, hàng có nhập khẩu đâu mà có chứng từ nhập khẩu. Tôi choáng, gọi điện cho “anh kết nghĩa”, thằng cha có vẻ rất ngạc nhiên bảo hàng của chú sản xuất, có gì phải sợ. Tôi nói hàng của em làm thật nhưng bao bì theo bạn anh, có chữ Made In Spain. Thằng cha lặng đi một hồi, bảo thế thì không xong rồi, chú để anh liên lạc xem sao.
1 phút lúc ấy với tôi dài như cả 1 thế kỷ. Gần tiếng sau anh kết nghĩa mới gọi cho tôi, bảo trong kia nghi là hàng nhập lậu số lượng lớn, đang làm thủ tục chuyển sang công an rồi. Tôi hoảng quá hỏi vậy em phải làm sao bây giờ, hắn bảo chuyện này là hai chú sai lè rồi, anh đang phải vào gỡ đây.
1 đêm không ngủ. Sáng hôm sau tôi gọi từ sớm, hắn bảo đang giải quyết nhưng có vẻ rất khó, bảo tôi gửi cho hắn 100 triệu để hắn chạy. Tôi chuyển ngay 100 triệu cho người mà hắn bảo là “cháu”. Đến tối hắn gọi cho tôi bảo không xong rồi, nếu em có chứng từ nhập khẩu thì mang vào đây, còn nếu không thì tốt nhất nên đóng cửa xưởng đi đâu đấy lánh tạm, trong này đang chuẩn bị ra bắt em đấy.
Đến nước này thì tôi đầu hàng, đóng cửa nghỉ sớm, phát tiền cho công nhân, gọi điện báo cho cậu hai và đóng cửa. Được cái là cậu hai nhận tin khá bình tĩnh, bảo làm ăn có lúc nó thế. Thế là tôi đóng xưởng chuồn một mạch về quê.
Về quê, tôi không về nhà mà thuê khách sạn ở thị xã. Bố mẹ vẫn tưởng tôi đang ở Hà Nội, tôi thì nằm trong phòng chờ tin tức. Hôm sau nữa anh kết nghĩa lại gọi điện bảo gửi cho anh thêm 1 trăm anh chạy cho họ dừng án này lại, chỉ tịch thu hàng thôi. Tôi tin, lại cun cút gửi cho “cháu” của hắn 100 triệu.
Chưa hết, 2 ngày sau thằng cha lại gọi tôi bảo gay quá em ạ, chuyện nó bung ra đến Hà Nội rồi vì lô hàng lớn quá. Em gửi anh thêm 200 triệu để anh chạy, đóng cửa đi đừng làm gì nữa.
Tôi vẫn không nghi ngờ gì, vét hết các nơi được 170 triệu gửi cho hắn, lại còn cảm thấy rất có lỗi. Hắn bảo thôi được để anh cố xem sao, lúc ấy đã gần Tết.
Tết năm đó tôi nằm mèo ở KS đọc truyện chưởng giết thời gian, chỉ cách nhà chưa đầy 7 cây mà không dám về. Bố mẹ vẫn tưởng tôi bận việc lắm, thành công lắm. Cũng may cậu hai quyết toán với khách hàng được mấy chục triệu gửi cho tôi, không đến nỗi chết đói.
Tết ra mùng 6, tôi gọi cho anh kết nghĩa, hắn bảo anh chỉ chạy được hoãn qua Tết thôi, chú vẫn phải vào giải trình, nhưng nói thực nếu chú giải trình không được là chú có thể bị tạm giam. Tôi hỏi anh có thể giúp em được nữa không, hắn bảo cho hắn 2 ngày. 2 ngày sau hắn gọi tôi bảo giá cuối cùng là 300 triệu.
Tôi không còn tiền dự trữ nữa đành phải gọi cậu hai nhờ giúp. Cậu hai cũng nhanh, trong vòng 4 ngày xử lý xong 2 mảnh đất của tôi được 250 triệu, quá thiệt nhưng đành phải chấp nhận. Vơ vét cố được thêm 50 triệu gửi cho “anh kết nghĩa”, hắn bảo có thể xong nhưng chú đi đâu đi, chờ cho yên hẳn mới làm lại được.
Tôi đã không còn hứng thú với kẹo nữa, chỉ về nhà bảo bố mẹ là con đã bán xưởng rồi lấy tiền bắt đầu đi lang thang. Tôi chỉ muốn đi cho khuây khỏa nên đi kiểu phượt theo xe khách, cứ thế lần vào Nam.
Tôi còn nhớ hôm ấy là đúng ngày 18 tháng 3 năm 2000, tôi đến Quảng Ngãi, thuê nhà nghỉ ngủ lại. Buổi tối đánh răng thì thấy cái bàn chải tồi quá, tôi xuống hàng tạp hóa bên cạnh mua bàn chải. Đột nhiên phát hiện trong cửa hàng có kẹo của mình. Tôi bảo bán hàng đưa cho xem, đúng là kẹo của tôi làm cho thằng cha ấy, còn nguyên bao bì Made In Spain. Lúc ấy tôi như bị cái búa tạ nện trúng đầu, hóa ra từ đầu đến cuối chỉ là một màn kịch, tôi đã hồn nhiên bị đưa vào tròng mà không nghi ngờ gì. Tôi đã mất trắng gần 2 tỉ và cả sự nghiệp mà vẫn mang ơn “anh kết nghĩa”, thật không có cái ngu nào bằng!
Tôi nằm bẹp ở nhà nghỉ gần 3 ngày, không ăn, không uống, cứ nằm nhìn lên trần nhà. Tiếc, xấu hổ, nhục và căm. Nhưng tôi không có ý định trả thù vì rõ ràng mình làm sai. Sau 3 ngày, tôi gượng dậy đi thẳng vào Sài Gòn. Tôi không có ý định quay lại với kẹo nữa vì có cảm giác rất rõ ràng rằng với kẹo thế là đã hết."