Vừa đi công tác mấy ngày về, tôi lại kể tiếp hầu các cụ.
Các cụ có thể hình dung cảm giác khi có người ấn các cụ vào buồng lái một con Boeing, không dạy dỗ gì mà chỉ ra lệnh “Bay đi!” Tình thế của tôi lúc ấy cũng đại loại như vậy, cảm giác vừa hoang mang vừa bất lực đến phát khóc. Về sau nghe hai mẹ con bà trẻ nói chuyện với nhau tôi mới biết hai người đều “cứ tưởng”: Bà trẻ cứ tưởng ông con sẽ ở nhà trông hàng, còn ông tướng nhà ta thì quên mất tôi mới đi làm buổi đầu nên có bạn rủ cà phê là té luôn.
Hà nội dạo ấy rất ít điện thoại di động, ít nhất hai mẹ con bà trẻ chưa có, máy nhắn tin tôi cũng cóc có số. Tôi lơ ngơ một lúc rồi tìm cách gỡ rối. Đầu tiên là đi tìm bảng giá nhưng ko thấy, về sau mới biết các cửa hàng kiểu này ko bao giờ có bảng giá, người trông hàng phải thuộc hết trong đầu. Bí quá tôi định chạy sang nhà bên cạnh hỏi nhờ nhưng sau lại thôi vì chẳng lẽ cái gì cũng hỏi.
Khách hàng đầu tiên, tôi vẫn nhớ là một đôi vợ chồng từ Sơn Tây. May cho tôi là họ mua 1 thùng Similac, giá Similac thì tôi nhớ từ lần bán 2 hộp sữa cho bác già hôm trước. Tôi tính xong tiền định chờ họ trả thì bà vợ bảo tôi ký sổ. Tôi lại đứng nghệt mặt vì ko biết sổ nợ của bà trẻ để ở chỗ nào. Đành phải thú thật với bà vợ là cháu vừa mới làm mà bà đang đi vắng, lát nữa cô quay lại mua được không.
Bà cô Sơn Tây thuộc dạng đanh đá, nạt ngay tao còn đi mua bao nhiêu thứ, mày không có sổ tao sang hàng khác mua. Tôi đang nghĩ thầm chắc không xong rồi thì ông con lại lượn về lấy ít đồ, may quá hắn chỉ cho tôi chỗ để sổ xong lại lượn ngay. Vô trách nhiệm đến thế là cùng.
Nhưng may có mấy quyển sổ mà tôi không phải hỏi ai nữa vì trong sổ ghi rất rõ ràng ai mua cái gì, giá bao nhiêu. Tôi tra sổ rồi chép giá lên tờ lịch, thế là có vốn bán hàng. Lúc sau còn có vụ một nhà Ninh Bình gửi tiền lấy hàng theo xe khách nhưng tôi hỏi bà hàng xóm, cũng giải quyết tạm ổn.
Buổi trưa bà trẻ về, chửi ông con một trận, cậu hai nhà ta ngồi nghe rồi nhe răng cười thế là xong. Đến lượt tôi thì bà dịu giọng lại bảo việc có thế, cứ thế mà làm (!)
Tôi không chịu kiểu chỉ bảo mập mờ của bà nên rút quyển vở ra, bảo bà liệt kê cho cháu các đầu việc và cách thức giải quyết, cháu sẽ làm đúng theo lời bà.
Bà trẻ rất ngạc nhiên nhìn tôi, bảo việc chỉ là bán hàng thu tiền, có gì mà liệt kê liệt gà. Tôi đành phải tự kê ra cho bà: Bày hàng theo nguyên tắc nào, bán lẻ thì sao, bán buôn thì sao, bán gần, bán xa, bán chịu… có gì phải chú ý, khách hàng ghi sổ đến đâu là giới hạn. Tất cả các câu hỏi đều là tôi vừa bán vừa suy ra, không ngờ bà trẻ sợ hết hồn, hỏi tôi mày đã đi bán hàng ở đâu mà sõi thế hà cháu.
Tôi trả lời thật là cháu tự nghĩ ra hỏi bà đấy, bà phán ngay thằng này thế là có khiếu bán hàng. Được, bà cho mày thực tập thoải mái, chỉ cần đừng ăn cắp. Trên đời tao ghét nhất lũ ăn cắp của nhà chủ.
Từ chuyện này và quan sát về sau, tôi nhận ra rằng người kinh doanh ở Việt nam đến 90% là không có khái niệm gì về tính chuyên nghiệp. Chỉ làm việc theo bản năng, không có phương án tác nghiệp, không có kỹ năng tiếp xúc khách hàng, không có kỹ năng và phương án phục vụ. Chỉ là theo kiểu trăm hay không bằng tay quen. Đa số người Việt kinh doanh đều đi theo kiểu này, làm mọi thứ đều theo cảm tính nên kiến thức trong bán hàng rất ít.
Tôi thì không thế, chẳng ai chỉ bảo nhưng cái tính của tôi là làm việc với cái gì thì phải biết được củ tỉ về cái ấy mới thôi. Bánh kẹo tôi lôi ra ăn thử hết, tất nhiên là ăn rồi trả tiền hẳn hoi, vì không có lương nên ăn kẹo là tôi phải móc túi trả tiền cho bà trẻ. Tất cả các vỏ hộp tôi săm soi đến từng dấu chấm phẩy, xong lại đi tìm thông tin về các hãng sản xuất. Vì không có internet nên cái được cái không, nhưng ít nhất tôi cũng thu nhặt được một số kiến thức kha khá so với thời bấy giờ.
Tất nhiên chuyện quan trọng nhất là bán hàng, tôi bỏ rất nhiều thời gian quan sát nghĩ ngợi. Xem khách mua hàng cần những gì, không phải chỉ có hàng mà thái độ phục vụ thế nào, không khí cửa hàng ra sao. Sau vài tuần bán hàng tôi rút ra được kết luận là mình cần một phong cách phục vụ thân thiện vừa phải, văn minh nhưng không thân cận, vì thân cận quá là rất dễ bị lợi dụng. Khi có khách lại quầy, bao giờ tôi cũng chào hoặc ít nhất là gật đầu, và không hề tỏ thái độ phiền hà khi có ai đó hỏi han một lúc rồi đi mà không mua gì. Cách làm của tôi dần dần được để ý và tôi rất nhanh có khách ruột, tức là chỉ có mua của tôi mà không mua chỗ khác, nhất là sữa vì tôi có thể tư vấn hẳn hoi cho họ.
Tôi cũng tự thiết lập được quan hệ tốt với những người giao hàng. Nếu biết về mua bán ở phố cổ thì các cụ cũng biết nhiều nhà trên đó đối xử với những người giao hàng rất tệ, đặc biệt là khi họ đến đòi tiền. Có người bắt đợi cả buổi chiều mới trả cho vài trăm nghìn, có người trả thì trả nhưng kèm theo những lời nói và thái độ rất khó chịu. Tôi thì quan niệm ngay từ đầu đây là mối quan hệ cộng sinh nên thuyết phục được bà trẻ trả tiền đúng hẹn và không gây khó dễ. Vì thế mà họ lộ cho tôi khá nhiều thông tin khiến tôi giúp bà trẻ kiếm được một món lớn mùa tết 1996.
Sau khoảng 1 tháng thì tôi đã làm chủ được cả cửa hàng, từ đặt hàng, tính giá, bán hàng, chuyển hàng, nói chung là tất tật. Bà trẻ quý tôi lắm nhưng vẫn thực hiện nghiêm chỉnh giao kèo, nghĩa là không trả một xu nào, chỉ nuôi ăn. Thỉnh thoảng tôi cũng có ý đòi lương nhưng nghĩ đến mục tiêu lâu dài tôi lại thôi, vì vẫn có tiền của bố mẹ gửi hàng tháng.
Mùa tết 1996 tôi giúp nhà bà trẻ làm được một cú lớn. Số là từ đọc báo và quan sát cách người tiêu dùng mua bán, tôi đoán là năm nay nhu cầu bánh kẹo sẽ tăng đột biến. Tôi nói với bà trẻ nhưng bà không phản ứng gì. Tôi lại nói chuyện với cậu hai và bảo hắn thử liều một cú xem sao, không ngờ thằng cha nghe tôi bỏ tiền riêng ra ôm mấy lô kẹo nhập khẩu. Kết quả là năm đó nhiều loại bánh kẹo cháy hàng và hắn ta thắng lớn bằng cách bán lại cho bà trẻ, bà trẻ lại bán tiếp cho cả phố. Thế là cả hai mẹ con đều kiếm được tiền.
Hai người đều biết họ thắng quả tết là do tôi. Lúc về tết bà trẻ cho tôi 3 triệu, cậu hai thì cho hẳn 10 triệu. Tính kỹ thì tôi làm ở nhà bà trẻ được hơn 3 tháng, lĩnh 13 triệu kể cũng không đến nỗi hẻo.