Em post một vài ý kiến của bạn em, chuyên gia Sony, để các bác tham khảo :
" Thị trường tivi thế giới đang chuyển dần từ công nghệ CRT (ống phóng điện tử) mà phần lớn chúng ta đang dùng sang công nghệ LCD (tinh thể lỏng). Sony đã công bố ngừng sản xuất tivi CRT từ năm ngoái, và chỉ gia hạn thêm chút thời gian cho một số nước đang phát triển. Các hãng khác chắc cũng không duy trì tivi CRT lâu nữa.
Tivi LCD có hai loại: loại HD (high definition) có độ phân giải 1,366 x 768 pixel (khoảng 1 triệu điểm ảnh) và loại Full HD có độ phân giải 1,920 x 1,080 pixel (khoảng 2 triệu điểm ảnh). Nếu dùng tivi cỡ lớn 40 hay 46" mà chỉ có 1 triệu điểm ảnh thì hình ảnh không thể mịn màng như cỡ 26 hay 32". Tuy nhiên, giá của loại Full HD cũng luôn là điều cần phải suy nghĩ.
Tivi LCD có khuôn hình tỉ lệ 16:9, khác với tivi CRT có khuôn hình 4:3. Hình ảnh rộng hơn nên xem rất dễ chịu. Tuy nhiên đài truyền hình chỉ đang phát hình tỉ lệ 4:3. Vậy nếu dùng tivi LCD để xem đĩa DVD (ai hoành tráng hơn thì dùng đĩa HD-DVD hay Blu-ray) thì không phải lăn tăn gì. Nhưng nếu xem tivi thì quả là tra tấn, vì làm sao nhét hình tỉ lệ 4:3 và khuôn tỉ lệ 16:9. Hoặc là hình bị nén lại theo chiều dọc khiến mọi thứ lùn đi, hoặc là chấp nhận có hai sọc đen hai bên, hoặc người ngợm đúng tỉ lệ nhưng mất trên mất dưới. Đành phải chờ nhà đài phát HD vậy. Trong năm nay VTV sẽ có kênh thử nghiệm.
Có người kêu phòng thì bé mà tivi LCD toàn cỡ hơi to. Xin thưa là size doesn't matter. Khi xem tivi CRT ta cần ngồi cách xa 7 lần chiều cao màn hình. Còn khi xem tivi LCD ta chỉ cần ngồi cách xa 3 lần chiều cao màn hình vì đây là màn ảnh rộng. Các quí cô cần biết điểm khoa học này đề phòng quí ông thoái thác mua với lí do kích cỡ.
Các tivi LCD đều có đường kết nối HDMI cho chất lượng hình ảnh cao hơn đường component và composite. Nếu ta dùng các nguồn phát có HDMI thì quả thực ta đã có "HD World" tuyệt vời tại nhà.
Công nghệ plasma ứng dụng tính chất phát sáng của khí argon, neon, xeon trong trạng thái ion hoá. Ý tưởng cơ bản của plasma display là chiếu sáng các điểm sáng huỳnh quang (fluorescent lights) có mầu nhỏ xíu để tạo thành hình ảnh. Mỗi pixel gồm 3 điểm sáng huỳnh quang - đỏ, xanh lá cây và xanh lam. Cũng như tivi dùng đèn hình CRT, plasma display thay đổi cường độ các loại ánh sáng để tạo ra các loại màu sắc. Plasma là công nghệ mà các hãng điện tử đang rời bỏ dần. Hiện chỉ còn Panasonic và Pioneer còn duy trì. Tivi plasma khá nặng và tiêu tốn điện năng.
Có công nghệ mới mà Sony và các hãng đang đầu tư phát triển là OLED (Organic Light Emitting Diode - Diode phát quang hữu cơ). Tuy được kết cấu theo hệ thống nhiều lớp nhưng màn hình OLED vẫn rất mỏng, dưới 500 nanomet (tương đương 0,5 phần nghìn milimet). Điểm nổi bật của công nghệ OLED là cho phép màn hình tự chiếu sáng mà không cần đèn nền. Do vậy, ứng dụng công nghệ OLED cho phép chế tạo loại màn hình cực mỏng và gọn nhẹ. Màn hình này có góc nhìn rộng đến tận 160 độ và tiết kiệm điện năng do chỉ sử dụng nguồn điện 2-10V và không sinh nhiệt trong quá trình phát sáng.
So với màn hình tinh thể lỏng (LCD) và màn hình ống điện tử (CRT), hai loại màn hình đang được sử dụng phổ biến, các chuyên gia công nghệ đã chứng minh được màn hình OLED có độ sáng cao hơn, tốc độ hiển thị hình ảnh động nhanh hơn, trọng lượng nhẹ hơn, ít tốn nhiên liệu hơn và thời gian sử dụng lâu hơn. Ngoài ra, biên độ nhiệt cho phép đối với màn OLED rộng hơn (sử dụng được ở nhiều môi trường nhiệt độ hơn).
Sony mới giới thiệu chiếc tivi OLED 11" đầu tiên tháng 12 vừa qua. Giá của nó cũng khá thú vị: US$1,800."
Trích từ diginet.com.vn