Đã có bao nhiêu Pantsir bị Erdogan 'quật ngã’ tại Syria?
(Bình luận quân sự) - Sau khi bị tấn công từ trên không, tổ hợp tên lửa- pháo phòng không Nga lại chịu tiếp đòn tấn công thông tin.
Xin giới thiệu tiếp một bài của chuyên gia quân sự Nga Vladimir Tuchkov với tiêu đề và phụ đề trên (thay lời giới thiệu). Bài đăng trên “Svobodnaia Pressa” ngày 13/3/2020.
|
Trên ảnh: Tổ hợp tên lửa- pháo phòng không “Pantsir-S1” (Ảnh: Xergey Bobylev / TASS) |
(Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ) Recep Erdogan vừa mới tuyên bố rằng sau các đợt tấn công ồ ạt của các máy bay không người lái (UAV) Thổ Nhĩ Kỳ nhằm vào các trận địa của Quân đội Syria ở Idlib, đã có 8 tổ hợp tên lửa-pháo phòng không “Pansir-S1” bị phá hủy.
Hòn đá (tuyên bố) này đã không còn chỉ là hòn đá ném vào vườn của Chính phủ Syria nữa, mà đã là cố tình ném vào khu vườn Nga.
Bởi vì những thiệt hại về phương tiện kỹ thuật quân sự khổng lồ như vậy- thì đó đã không chỉ còn là một sự ô nhục không thể rửa sạch đối với các nhà sản xuất những phương tiện kỹ thuật đó, mà đã là một đòn nghiêm trọng giáng vào tiềm năng xuất khẩu của chính các tổ hợp. Có nghĩa- trước là tổn thất uy tín, và kéo theo đó, chắc chắn sẽ là thiệt hại kinh tế.
Phòng Thiết kế chế tạo máy Tula, cha đẻ của tổ hợp này, hiện vẫn đang giữ im lặng. Chỉ có Bộ Quốc phòng (BQP) Nga lên tiếng. BQP Nga khẳng định rằng những thông tin (cấp dưới) cung cấp cho Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ như vậy là hoàn toàn không đúng sự thật.
Và không chỉ bởi tổ hợp tên lửa-pháo phòng không “Pantsir-S1 “của Nga là một tổ hợp xuất sắc có khả năng đánh trả rất hiệu quả mọi cuộc tấn công đường không. Mà còn bởi vì từ trước đến nay tại khu vực Idlib chưa từng bao giờ tập trung một số lượng “Pantsir-S1” lớn đến như vậy.
Các phương tiện phòng không chủ yếu của Syria, kể các các tổ hợp "Pantsir”, đều tập trung tại thủ đô Damascus và những khu vực ngoại ô quanh đó. Còn tại Idlib, chỉ có 4tổ hợp “Pantsir” hiện đang thực hiện nhiệm vụ yểm hộ các Lực lượng vũ trang Chính phủ Syria.
Thực ra, chỉ một thời gian rất ngắn tuyên bố trên, (BQP) Nga đã thừa nhận - có 2 tổ hợp “Pantsir” bị hư hỏng sau các vụ tấn công, nhưng những hỏng hóc đó không nghiêm trọng, cả 2 tổ hợp đã được sửa chữa xong và có thể trực chiến trở lại.
Vậy thì người Thổ đã sử dụng những lực lượng không quân nào để tấn công các lực lượng Quân chính phủ Syria? Theo Kênh truyền hinh CNN Turk, tất cả những cuộc tấn công nói trên đều là của các UAV Akıncı (ảnh dưới) do Công ty Baikar của Thổ Nhĩ Kỳ thiết kế và mới đưa vào trang bị cho Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ vào đầu năm nay (2020).
Đây là một UAV hạng nặng, trọng lượng cất cánh của nó lên tới 4.500 kg. Được trang bị hai động cơ tua-bin do Ucraine sản xuất. Sải cánh - 20 mét. Tải trọng hữu ích tên lửa và bom: 900 kg ở móc treo bên ngoài và 450 kg bên trong khoang. Tốc độ, tất nhiên, là cận âm - 450 km / h. Trần bay– 12.000 m. Thời gian bay liên tục tối đa - 24 giờ.
Xét theo các tính năng kỹ- chiến thuật, đây quả là một UAV rất đáng nể. Có tải trọng hữu ích lớn, có thể mang được cả các tên lửa chính xác cao “không đối đất”. Được trang bị radar.
Các nhà thiết kế UAV này khẳng định nó có một kênh băng thông rộng để thu / truyền dữ liệu số hóa- và nhờ vậy mà sở chỉ huy có thể không chỉ điều khiển Akıncı này một cách rất hiệu quả, mà còn có thể sử dụng nó trong các hoạt động tác chiến lấy mạng làm trung tâm.
Vậy liệu những khả năng này đã được sử dụng ở Idlib hay chưa- không ai biết, vì có thể trong khoảng thời gian khai thác ngắn như vậy (từ đầu năm đến nay) người Thổ vẫn chưa thể khai thác hết các tính năng của chiếc UAV hoàn toàn mới này.
Nhìn chung, phía Thổ Nhĩ Kỳ “gán” cho cho chiếc UAV tấn công mới của mình những chiến công thực sự khó có thể tin được.
Bởi vì nếu cứ chiểu theo những tuyên bố của phía Thổ về kết quả hoạt động tác chiến của UAV Thổ trong một khoảng thời gian ngắn ngủi như vậy tại Idlib, thì có lẽ hiệu quả tác chiến của chúng còn vượt xa qua hiệu quả của cả một cụm không quân Nga với đầy đủ những máy bay tiêm kích đa năng và máy bay tiêm kích- ném bom“đã trưởng thành”.
Vào cuối tháng 2 vùa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusin Akarđã tuyên bố rằng chỉ trong chưa đầy một tuần, UAV và pháo xe kéo Thỗ Nhĩ Kỳ đã công kích hơn 200 mục tiêu của Quân đội Syria. Kết quả là đã có tới 5 máy bay lên thẳng, 23 xe tăng, 23 khẩu pháo, 2 tổ hợp phòng không Syria bị phá hủy và có tới 309 quân nhân Syria thiệt mạng.
Sau những báo cáo và các con số như vậy, việc 8 tổ hợp “Pantsir-S1” bị phá hủy dường như chỉ còn là một chuyện vặt. Hoàn toàn rõ ràng một điều là các tuyên bố về phá hủy / không phá hủy các tổ hợp “Pantsir” của cả hai phía đều mang nặng tính chất tuyên truyền. Tổn thất, tất nhiên, là có, nhưng, lại cũng dĩ nhiên, không đến mức lớn như vậy. Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ chỉ có thể chứng minh được duy nhất một trường hợp tên lửa (của UAV) bắn trúng mục tiêu là “Pantsir”.
Có nghĩa là, "Pantsir" không hề là một hạt “dễ cắn” đến mức có thể “quật ngã” tới hàng tá như vậy. Cho đến tháng 3 năm nay, đối phương chỉ có thể công kích trúng tổ hợp này đúng hai lần. Ngày 10/5/2018, một quả tên lửa có cánh phóng từ máy bay F-16 của Israel đã bắn trúng một tổ hợp “Pantsir” lúc ấy đã hết đạn. Nhưng hư hỏng không quá nặng, tổ hợp được sửa chữa xong sau một thời gian ngắn.
Ngày 21/1/2019, Israel lại sử dụng UAV “cảm tử” tấn công một tổ hợp “Pantsỉr” tại khu vực Damascus. Tổ hợp "Pantsir”này đã bị phá hủy hoàn toàn, không còn khả năng khôi phục.
Cả hai cuộc tấn công trên đã được ghi lại trên các đoạn băng video và được công bố trên Internet. Vâng, cũng như đòn tấn công “Pantsir” thành công của người Thổ. Không có bằng chứng nào khác về việc 7 tổ hợp “Pantsir” còn lại(trong số 8 tổ hợp như tuyên bố của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ) đã bị các UAV Thổ Nhĩ Kỳ Akıncı tấn công tiêu diệt.
Mặc dù vậy, cũng đã có không ít lời phàn nàn với chính tổ hợp tên lửa- pháo phòng không “Pantsir-C1”.Có cả một loạt những lời chỉ trích của các chuyên gia về cái gọi là căn bệnh "loạn thị" của tổ hợp này.
Và không chỉ của các chuyên gia – cách đây không lâu trên kênh Telegram chuyên ngành quân sự đã xuất hiện một số thông tin (nhưng ngày sau đó đã bị gỡ ngay) chính từ các sĩ quan phòng không Nga đang có mặt tại Syria- những sỹ quan này cũng khẳng định tổ hợp này gặp khó trong việc phát hiện các mục tiêu kích thước nhỏ và tốc độ thấp như chính máy bay không người lái. Nhưng đôi lúc lại “phản ứng” khi chỉ có những con chim lớn bay qua.
Có nghĩa là radar ăng ten mạng pha thụ động của “Pantsir” tỏ ra kém hiệu quả khi bám các mục tiêu có diện tích phản xạ radar hiệu dụng nhỏ. Và tình trạng này có nguyên nhân không chỉ vì các UAV có kích thước nhỏ, mà còn bởi vì vật liệu được sử dụng trong kết cấu của chúng là nhựa, chứ không phải là kim loại.Và đôi khi quân khủng bố còn làm cả những chiếc UAV toàn bằng gỗ.
Tuy nhiên, UAV tấn công mới nhất của Thổ Nhĩ Kỳ không thể được xếp vào loại các mục tiêu khó phát hiện như vậy. Nó có kích thước khá ấn tượng. Và cũng mang rất nhiều “kim loại trong mình”- cụ thể như bom và tên lửa, các thiết bị điện tử và các động cơ công suất lớn- hai động cơ- mỗi động cơ 900 mã lực.
Chính vì thế nên “Pantsir” có thể dễ dàng phát hiện được các UVA Thổ Nhĩ Kỳ và bám chúng. Hơn nữa, còn có thể phát hiện ở một cự ly khá lớn, bởi vì những UAV này không phải là tên lửa có cánh bay thấp bám địa hình.
Và “Pantsir” có khả năng bắn hạ các UAV nói trên một cách “nhẹ nhàng” và hiệu quả bằng tên lửa. Thậm chí trước khi chính mục tiêu (UAV) kịp phóng tên lửa. Vấn đề là ở chỗ các UAV tấn công được trang bị tên lửa “không đối đất” có tầm bắn không vượt quá 10-12 km.
Sở dĩ như vậy là do các tính năng kỹ- chiến thuật của radar trên các máy bay cường kích và máy bay lên thẳng tấn công có cự ly dẫn tên lửa tới mục tiêu không lớn. Trong khi tổ hợp“Pantsir-S1” có cự ly đánh chặn thành công lớn hơn nhiều- tới hơn 20 km. Độ cao đánh chặn cũng vượt quá trần bay của Akıncı–tới 15.000 m.
Nhưng không hiểu tại sao mà không chỉ không có một bằng chứng xác thực nào, mà thậm chí còn không hề có một thông báo nào về việc Lực lượng phòng không Syria đã bắn hạ được chí ít một UAV Akıncı của Thổ Nhĩ Kỳ. Nói cho đúng ra thì Lực lượng phòng không Syria cũng đã bắn hạ được những máy bay không người lái kém hiện đại hơn được đưa vào trang bị cho Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ từ trước đó –đó là các UAV Anka-S và Bayraktar TB2.
Số lượng UAV các kiểu trên bị bắn hạ đã lên tới gần một chục. Quả thực, nhữngthông tin về tổ hợp phòng không cụ thể nào đã bắn hạ được UAV là rất không đầy đủ và khá mâu thuẫn nhau.
Nhưng những phương tiện phòng không được cho đã bắn hạ những kẻ xâm lược có cánh Thổ Nhĩ Kỳ là tổ hợp “Strela-10”, - tức là một tổ hợp về bản chất là tổ hợp tên lửa phòng không vác vai với cơ số đạnlà 8 quả tên lửa nhưng được lắp trên khung gầm xe bánh xích và một tổ hợp tên lửa phòng không tầm trung khá “nghiêm túc” khác là “Buk”.
Trong khi đó lại không hề có một thông tin nào về “đóng góp” của “Pantsir” trong việc tiêu diệt những chiếc UAV khá khiêm tốn này của Thổ Nhĩ Kỳ.
Tuy nhiên, theo Bộ Quốc phòng Nga, trong chiến dịch Syria, các tổ hợp Pantsir” dó cácquân nhân Nga điều khiển đã lập nhiều thành tích xuất sắc. Trong các lần đánh trả các cuộc tấn công vào căn cứ Khmeimim của Nga, những tổ hợp này tính từ thời điểm bắt đầu trực chiến tại Syria đến cuối năm 2017 đã bắn hạ tới 54 qủa tên lửa của các tổ hợp pháo phản lực phóng loạt và 16 UAV.
Tạp chí đầu tư doanh nghiệp, chứng khoán, cổ phiếu. Tin nhanh kinh tế đầu tư online, tạp chí doanh nghiệp, bất động sản, đầu tư các vấn đề kinh tế, lãi suất
baodatviet.vn