Khủng hoảng di dân: Liên Hiệp Châu Âu, một “Ông Hoàng bị tước vũ khí” (ST)
Dòng người tị nạn ồ ạt đổ về biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp làm cho mối quan hệ giữa Ankara và Bruxelles trở nên căng thẳng, bất chấp cuộc gặp giữa tổng thống Recep Tayyip Erdogan với các lãnh đạo châu Âu ngày 09/3/2020.
Cuộc khủng hoảng di dân này một lần nữa cho thấy rõ sự bất lực của khối Liên Hiệp 27 nước thành viên trong việc tìm kiếm một chiến lược chung về chính sách di dân và tiếp nhận người tị nạn.
Sau nhiều lần đe dọa, ngày 27/02/2020, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ thông báo mở cửa biên giới phía bắc cho người tị nạn. Hình ảnh hàng chục ngàn người ùn ùn đổ về vùng biên giới giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp và cảnh xô xát dữ dội giữa những người di dân tìm cách vượt sông Evros với cảnh sát biên phòng Hy Lạp làm khơi dậy cơn “ác mộng” khủng hoảng di dân năm 2015, khi từng đoàn người đông đảo lũ lượt kéo về các nước biên giới Liên Hiệp Châu Âu.
TT. Erdogan: “Trùm bắt bí”?
Ông Didier Billion, chuyên gia về thế giới Ả Rập, viện Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (IRIS), trên đài phát thanh France Culture nhận định rằng sức ép quân sự của Nga và Syria ngày càng gia tăng tại vùng Idleb, Syria nằm sát biên giới đông nam của Thổ Nhĩ Kỳ, sự lạnh nhạt của Liên Hiệp Châu Âu và khối NATO trước lời kêu gọi hỗ trợ của Ankara giải thích phần nào cho quyết định trên của ông Erdogan. Một hành động mà Liên Hiệp Châu Âu giờ chỉ trích là “bắt chẹt, vô đạo đức, vô nhân đạo…”
“Vào tháng 9/2018, có một thỏa thuận giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga liên quan đến vùng Idleb, đó chính là thỏa thuận Sotchi. Ông Erdogan chấp nhận chịu trách nhiệm việc phi quân sự hóa vùng này, nghĩa là phải rút hết vũ khí hạng nặng từ quân thánh chiến. Ông ấy tự cho mình là quan trọng, ông ấy có phần hơi phô trương cơ bắp, bởi vì chẳng cần phải ra vẻ am hiểu chính trị để có thể biết rằng đây là một nhiệm vụ bất khả thi. Ở đây, ông Erdogan đã bị Putin ‘xỏ mũi’.
Mục tiêu đặt ra là làm thế nào có được một vai trò trong các cuộc đàm phán tìm giải pháp chính trị, nỗi ám ảnh duy nhất của ông Erdogan, chính là không bị gạt ra khỏi cuộc chơi. Chỉ có điều khi chúng ta nhìn kỹ, các cuộc gặp với ông Putin chẳng khác gì một ván cờ vua mà Putin đã dẫn trước 3-4 nước, còn ông Erdogan thì cứ thế lao theo như một con cừu non. Ở đây, có một kiểu trò lừa bịp và ông Erdogan đã để cho bị ‘giật dây’. Điều này còn làm cho mọi việc thêm phức tạp.
Việc không quân Nga và Syria tăng cường không kích vào vùng Idleb, thì cho là để tiêu diệt quân thánh chiến, nhưng điều đó đã dẫn đến việc bùng phát các đợt di dân về phía biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.”
Liên Hiệp Châu Âu trách Thổ Nhĩ Kỳ không tôn trọng thỏa thuận được ký vào tháng 3/2016. Văn bản này được ký vào thời điểm châu Âu vật vã đối phó với làn sóng người tị nạn chưa từng có trong năm 2015. Theo thỏa thuận, Thổ Nhĩ Kỳ chấp nhận kềm giữ dòng người tị nạn ngay trên chính lãnh thổ của mình, để đổi lấy một khoản hỗ trợ tài chính là 6 tỷ euro.
Chỉ có điều từ 5 năm qua, nếu như làn sóng di dân bớt tràn vào châu Âu, thì số tiền cam kết đó mới được chi ra có một nửa. Vì sao như vậy? Ông Didier Billion giải thích tiếp:
“Số tiền được thông qua trong thỏa thuận tháng 3/2016 là khoảng 6 tỷ euro nhưng với một điều khoản đặc biệt. Nghĩa là số tiền này được đổ cho những dự án cụ thể, được chi thẳng cho các tổ chức phi chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ, những tổ chức nào có những dự án hội nhập cho người tị nạn Syria. Thế nên, chính phủ Thổ không nhận được một xu nào từ số tiền này (…). Hiện tại người ta ước tính gần ba tỷ euro đã được chi trả, do vậy, ông Erdogan cho rằng vẫn còn 3 tỷ phải trả cho Thổ Nhĩ Kỳ.
Hơn nữa, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ còn đưa ra con số, mà bản thân tôi vẫn chưa thẩm định được do tính chất mập mờ, không rõ ràng. Chính quyền Ankara nói rằng đã phải chi ra hơn 25 tỷ đô la cho người tị nạn, trong đó hết 15 tỷ là từ ngân sách Nhà nước. Con số này có thể là hơi bị phóng đại nhưng quả thật là chính Thổ Nhĩ Kỳ đã đồng ý tiếp nhận 3,6 triệu di dân, trong khi dân số Thổ Nhĩ Kỳ là 80 triệu dân. Một con số quả thật là quá lớn.”
Liên Hiệp Châu Âu: “Chúa phủi tay”?
Giờ đây, châu Âu la hoảng là “thỏa thuận 2016 đã chết” và chỉ trích Ankara sử dụng người tị nạn như là một vũ khí, một công cụ chính trị để phục vụ cho mục tiêu đối nội. Về điểm này, hầu hết giới chuyên gia Pháp đều đồng tình. Trong cuộc bầu cử địa phương mùa xuân năm 2019, đảng cầm quyền của tổng thống Erdogan đã để mất hai thành phố lớn là Ankara và Istanbul vào tay phe đối lập.
Tuy nhiên, nhà nghiên cứu của IRIS không quên nhắc lại rằng cho đến thời điểm đó, đại bộ phận người dân Thổ Nhĩ Kỳ đều tỏ tình liên đới và tiếp đón người tị nạn. Đây thật sự là một bài học về tình người dành cho khối 28, giờ là 27 nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu.
Câu hỏi đặt ra: Đâu là giải pháp cho cuộc khủng hoảng di dân? Ông Didier Billion cho rằng có hai kiểu giải đáp. Về phía Thổ Nhĩ Kỳ, chính quyền tổng thống Erdogan dự tính sẽ cho hồi hương số người tị nạn Syria. Điều này được giải thích qua chiến dịch quân sự “Nguồn Hòa Bình” của Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria hồi tháng 10/2019 với kết quả là một dải lãnh thổ "an toàn" được thành lập dọc theo biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria.
Lời giải thứ hai nằm ở phía châu Âu và đây chính là điểm gây bất đồng: Tổng thống Erdogan chỉ trích Liên Hiệp Châu Âu hành xử vô trách nhiệm. Chuyên gia Pháp giải thích vì sao:
“Cách trả lời thứ hai chính là Liên Hiệp Châu Âu. Về điểm này, ông Erdogan đã có lý khi cho rằng châu Âu có phần nào phủi tay, không muốn gánh vác trách nhiệm về hồ sơ di dân mà thỏa thuận 2016 cho phép họ đổ vấy ra đấy rồi không thèm quan tâm đến nữa.
Chỉ có điều là hiện tại vấn đề này lại nảy sinh và khiến các định chế châu Âu hoảng loạn. Chúng ta thấy là hôm thứ Ba, 03/3/2020, các lãnh đạo châu Âu đã đến vùng biên giới Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ, bởi vì một điều chắc chắn là chính phủ Hy Lạp không thể nào một mình đối phó với dòng người tị nạn ồ ạt như thế, trong khi mà đất nước này đang bị suy yếu do gặp khó khăn về kinh tế.
Đúng là có việc ông Erdogan thao túng chính trị, điều này hoàn toàn đáng chê trách nhưng về mặt cơ bản, chúng ta phải hiểu là Liên Hiệp Châu Âu đã không làm tròn trọng trách của mình”.
Liên Hiệp Châu Âu: “Một ông hoàng không có thực quyền”?
Cũng trên đài France Culture, ông Yves Pascouau, nghiên cứu sinh về công pháp, giám đốc chương trình châu Âu thuộc hiệp hội Res Publica thẳng thắn phê phán các lãnh đạo của châu Âu thiếu một tầm nhìn chiến lược dài hạn. “Các nước thành viên của Liên Hiệp lẽ ra đã phải dự trù trước những cơ chế cho phép chuẩn bị bước kế tiếp”. Điều này giải thích vì sao Bruxelles xử lý lúng túng theo kiểu “chắp vá” như nhận xét của ông Didier Billion.
“Chúng ta không thể nào biến Liên Hiệp Châu Âu thành một pháo đài. Dù gì đi chăng nữa, điều này sẽ làm suy yếu các dự án của Liên Hiệp và nhất là hồ sơ di dân. Chúng ta hiểu rất rõ là nếu chúng ta có thể ngăn chận ở chỗ này, thì họ sẽ tìm được một lối khác để đi, qua ngả đường núi chẳng hạn.
Đây là một khu vực khá phức tạp để giám sát. Chúng ta không thể nào đặt một cảnh sát, một quân nhân cho mỗi 50m. Tình hình hiện nay khó có thể giữ được khi chúng ta nhìn thấy các hình ảnh video đến từ các điểm bị chận. Trên thực tế, giải pháp không còn là chuyện an ninh nữa, mà là vấn đề chính trị. Và một lần nữa chúng ta phải gánh lấy trách nhiệm.”
Thiếu chiến lược, nội bộ bị chia rẽ thành hai khối Đông – Trung Âu đối lập với Tây Âu. Trong hoàn cảnh này, Liên Hiệp Châu Âu chẳng khác gì như một “ông hoàng bị tước kiếm”, chỉ có thể làm được những gì có thể. Một lần nữa, chuyên gia Didier Billion chỉ trích mạnh mẽ thái độ thụ động của các nhà lãnh đạo châu Âu. Một thái độ mà theo ông đã gây ra những tác động tiêu cực đối với uy tín của cả khối trên trường quốc tế trong nhiều hồ sơ lớn, nhất là tại Syria.
“Tôi thật sự nghĩ rằng đã quá trễ cho một giải pháp chính trị về cuộc xung đột ở Syria. Liên Hiệp Châu Âu đã bị mất uy tín. Chuỗi sai lầm do các nhà lãnh đạo tích tụ đặt chúng ta vào thế người xem. Chúng ta không thể nào gây áp lực cho bất kỳ một yếu tố nào mang tính thời sự. Bởi vì ở phía bên kia, đã có giải pháp chính trị và quân sự cho Syria. Và hệ quả gây ra chính là vấn đề người tị nạn.
Vì thế ông Erdogan mới nghĩ rằng ông có thể gây áp lực với Liên Hiệp Châu Âu vì những lý do mà chúng ta đã đề cập đến. Ông cho rằng không có lý do gì Thổ Nhĩ Kỳ phải chịu hết mọi gánh nặng người tị nạn. Do vậy, kể từ giờ, dù là cách làm đáng chê trách, ông yêu cầu châu Âu phải chịu hết toàn bộ trách nhiệm”.
Và trong cuộc khủng hoảng di dân lần này, Liên Hiệp Châu Âu chỉ còn cách duy nhất là gởi các nhóm binh lính biên phòng của cơ quan Frontex đến hỗ trợ các đồng nghiệp Hy Lạp, huy động các nguồn tài chính để trợ giúp Athens xử lý tình huống, gởi thêm lều trại và chăn màn để đáp ứng khẩn cấp nhân đạo, rồi mới có thể thiết lập một hệ thống xử lý khủng hoảng.
Với ông Yves Pascouau, sự việc còn thấy rõ một thực tế phũ phàng. “Liên Hiệp Châu Âu không là một tác nhân đối ngoại, nên không có khả năng xử lý ngay từ gốc rễ của sự việc, và chỉ còn cách giải quyết hậu quả. Liên Hiệp Châu Âu không có một tầm quan trọng nào trong cuộc chiến Syria bởi vì không hề có các tác nhân châu Âu nào trong các bàn đàm phán. Liên Hiệp Châu Âu đành phải xử lý hậu quả và trong trường hợp cụ thể này, họ xử lý rất tồi, thậm chí còn vi phạm cả luật quốc tế, những hệ quả của cuộc xung đột Syria chính là dòng người tị nạn”.