https://m.baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/that-bai-cua-my-luon-co-hinh-bong-nga-3389352/
Thất bại của Mỹ luôn có hình bóng Nga
Chủ Nhật, 13/10/2019 13:54
0
Quan hệ quốc tế) - Hàng loạt thất bại của Mỹ, từ vấn đề Triều Tiên, cuộc chiến Afghanistan cho tới động thái mới nhất là rút quân khỏi Syria, luôn có bóng hình người Nga.
Những thất bại của người Mỹ
Theo giới phân tích, việc Tổng thống Mỹ Donald Trump đối mặt với khủng hoảng luận tội đã ảnh hưởng tiêu cực tới chính sách ngoại giao của Mỹ.
Ngoài nguy cơ chính trị trong nước, chính quyền của Tổng thống Trump còn phải đối mặt với 5 thất bại lớn về ngoại giao, gồm vấn đề Triều Tiên, cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, nhà máy lọc dầu của Saudi Arabia, cuộc chiến Afghanistan và quyết định rút quân khỏi miền Bắc Syria. Trong tất cả các vấn đề nay, người Nga luôn thể hiện vai trò nhất định của mình.
Thất bại đầu tiên được kể tới là cuộc đàm phán hạt nhân với Triều Tiên hôm 5/10 tại Thụy Điển bị đổ vỡ. Dù Triều Tiên tuyên bố đàm phán đổ vỡ, Bộ Ngoại giao Mỹ vẫn phủ nhận khi nói rằng họ đã có “một cuộc thảo luận tốt đẹp” với phía Triều Tiên, và hai bên sẽ có cuộc hội đàm cấp làm việc trong vòng 2 tuần tới.
Tổng thống Mỹ D. Trump đối mặt với nguy cơ bị luận tội cùng hàng loạt thất bại ngoại giao
Ngay cả như vậy, Bộ Ngoại giao Triều Tiên tiếp tục lên tiếng phủ nhận hoàn toàn nội dung phía Mỹ đưa ra, chỉ trích phía Mỹ không được làm dư luận hiểu nhầm, lạm dụng cơ hội đàm phán vì mục đích chính trị.
Triều Tiên không chỉ tỏ ra cứng rắn mà còn đặt thời hạn chót, yêu cầu Mỹ phải thay đổi thái độ “hoàn toàn, không thể đảo ngược” trước cuối năm nay nếu không phải chịu trách nhiệm về hậu quả đàm phán Mỹ-Triều.
Giới phân tích thậm chí còn nhận định rằng, Triều Tiên đã đảo ngược vị thế “lấy nhỏ hiếp lớn”, không chịu đàm phán cấp làm việc, muốn ép Mỹ phải tổ chức hội nghị thượng đỉnh để ông Trump phải trực tiếp ra mặt quyết định.
Thất bại thứ hai mà chính quyền của Tổng thống Trump phải đối mặt là đàm phán thương mại với Trung Quốc.
Các cuộc đàm phán cấp cao kéo dài trong 2 ngày 11-12/10 đã mang lại những kết quả nhất định nhưng dường như cho thấy sự nhượng bộ của Mỹ khi ông Trump quyết định hoãn kế hoạch tăng thuế từ 25% lên 30% đối với 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc dự kiến có hiệu lực từ ngày 15/10.
Triều Tiên đang "đe" ngược lại Mỹ và tiếp tục thử tên lửa
Dù đây có thể là chiến thuật đàm phán của ông Trump nhưng bước đi này có thể gây bất hòa nội bộ Mỹ. Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer phản đối việc đạt được một thỏa thuận hẹp tạm thời với Trung Quốc, cho rằng làm như vậy sẽ vĩnh viễn không đạt được mục tiêu buộc Trung Quốc phải nhượng bộ.
Rất có thể Bắc Kinh đang mạnh tay hơn trong bối cảnh ông Trump đối mặt với cuộc khủng hoảng luận tội, doanh nghiệp đổ lỗi cho cuộc chiến thương mại khiến kinh tế Mỹ chậm lại và cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đang tới gần.
Thất bại thứ ba được giới phân tích nhắc tới là vụ các cơ sở dầu mỏ của Saudi Arabia - đồng minh thân cận nhất của Mỹ ở khu vực Trung Đông, bị tấn công. Thất bại của Mỹ trong vụ này không chỉ thể hiện ở sự bất lực của các hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot mà còn ở khả năng lựa chọn hành động dù cả Washington và Riyadh cùng tuyên bố Iran là thủ phạm.
Hệ thống tên lửa Patriot của Mỹ đã bất lực trước các cuộc tấn công dầu mỏ ở Saudi Arabia
Giữa lúc lòng tin của các đồng minh Trung Đông đối với Mỹ xuống thấp sau vụ tấn công dầu mỏ trên, Tổng thống Donald Trump bất ngờ quyết định rút binh sĩ Mỹ khỏi khu vực miền Bắc Syria.
Điều này dường như đã mở đường cho Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành chiến dịch quân sự nhằm vào lực lượng người Kurd ở Syria, vốn là đồng minh với Mỹ trong cuộc chiến chống IS.
Tại một điểm nóng khác là Afghanistan, Mỹ cũng đang “léo vế” trước phiến quân Taliban. Dù ông Trump tuyên bố các cuộc đàm phán hoà bình giữa Mỹ và Taliban đã "chết yểu" nhưng hiện đang có dấu hiệu cho thấy chính quyền của ông Trump vẫn muốn thuyết phục nhóm phiến quân này để chấm dứt cuộc chiến kéo dài nhất trong lịch sử nước Mỹ.
Bóng hình Nga trong thất bại của Mỹ
Đáng chú ý là trong tất cả các thất bại trên của Mỹ, Nga luôn đóng một vai trò nhất định nếu không muốn nói gây cản trở các kế hoạch của Mỹ.
Trong vấn đề Triều Tiên, nếu Nga không hỗ trợ trong nhiều vấn đề, ít nhất về mặt ngoại giao, liệu Bình Nhưỡng có chỗ dựa để cứng rắn như hiện nay. Đại diện thường trực của Nga tại các tổ chức quốc tế ở Vienna Mikhail Ulyanov ngày 9/10 đã bày tỏ quan ngại về cảnh báo của Triều Tiên rằng nước này có thể dừng các cuộc đàm phán hạt nhân với Mỹ.
Người Mỹ thậm chí còn ám chỉ khả năng Nga đã giúp Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân. Tin đồn này rộ lên khi mà các tên lửa của Triều Tiên phóng thử hồi tháng 5 tương tự các tên lửa của Nga.
Đáng chú ý là vụ thử này diễn ra sau cuộc gặp của Nhà lãnh đạo Kim Jong-un với Tổng thống Vladimir Putin ngày 25/4 tại Vladivostok (Nga).
Triều Tiên thử tên lửa có hình dáng giống loại Iskander của Nga hồi đầu tháng 5
Nga hiện là nước đang sử dụng hàng chục nghìn lao động Triều Tiên giá rẻ. Đây cũng chính là nguồn thu ngoại tệ lớn của Bình Nhưỡng lâu nay.
Hãng tin Pháp dẫn các số liệu chính thức của Nga cho biết hơn 10.000 lao động Triều Tiên hiện làm việc ở Nga, chủ yếu trong lĩnh vực khai thác gỗ, mỏ và xây dựng ở vùng Viễn Đông.
Trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, dấu ấn của Nga không thực sự rõ ràng nhưng có những khía cạnh Bắc Kinh đang sử dụng mối quan hệ với Moscow để làm đòn bẩy đàm phán.
Giữa lúc Mỹ ép Trung Quốc phải mua thêm nông sản thì Trung Quốc liền tuyên bố tăng cường mua các mặt hàng này của Nga, trong đó có lúa mỳ và đậu tương.
Bên cạnh đó, Nga cũng là nguồn cung cấp dầu khí đáng tin cậy cho Trung Quốc trong trường hợp các nguồn cung khác từ Trung Đông, vốn chủ yếu là đồng minh của Mỹ, và các tuyến đường vận chuyển bị gián đoạn. Điều này giúp Trung Quốc có được chỗ dựa đáng kể để “nói chuyện” với Mỹ.
Vũ khí Nga được dịp quảng bá sau các vụ tấn công dầu mỏ ở Saudi Arabia
Trong vụ các cơ sở dầu mỏ của Saudi Arabia bị tấn công, Nga thậm chí đã chủ động “ra đòn” khi đích thân Tổng thống Vladimir Putin chào mời Riyadh mua các hệ thống phòng không S-300, S-400 như một động thái mỉa mai và hạ uy tín vũ khí Mỹ.
Lời mời của ông Putin cũng khoét thêm nỗi đau của Mỹ khi không thể ngăn cản Thổ Nhĩ Kỳ mua các hệ thống tên lửa S-400 của Nga bất chấp mọi lời đe dọa, từ trừng phạt kinh tế cho tới hủy bỏ hợp tác quân sự.
Liên quan tới tình hình Afghanistan, Mỹ hiện loay hoay tìm cách rút lui trong danh dự. Tuy nhiên, Taliban dường như đang ở “cửa trên” mà một trong những lý do có thể đến từ mối quan hệ của nhóm phiến quân này với Nga.
Người phát ngôn nhóm phiến quân Taliban Zabihullah Mujahid ngày 6/10 tuyên bố Taliban sẽ tiếp tục tấn công các binh sĩ Mỹ tại Afghanistan cho tới khi đạt được một thỏa thuận hòa bình.
Đáng chú ý là ngay trước tuyên bố này, Taliban đã cử đại diện tới Moscow. Bộ Ngoại giao Nga ngày 14/9 nêu rõ: "Đặc phái viên của Tổng thống Nga về Afghanistan Zamir Kabulov đã tiếp đón một phái đoàn Taliban tại Moscow”. Điều này khiến những cáo buộc của Mỹ rằng Nga cung cấp vũ khí cho Taliban có thêm căn cứ để xem xét.
Liên quan tới tình hình Syria, người Nga có vẻ như tin rằng cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ là cơ hội để Nga tăng cường ảnh hưởng ở khu vực, trong bối cảnh Washington dường như đang rút lui.
Nguồn tin thân cận với Điện Kremlin cho biết trong một cuộc điện đàm với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan trước khi diễn ra chiến dịch chống lực lượng người Kurd ở Syria, Tổng thóng Nga Putin đã tuyên bố rõ ràng rằng ông hy vọng cuộc tấn công này sẽ có giới hạn về thời gian và quy mô.
Nga không chỉ thể hiện sức mạnh quân sự mà còn cho thấy sự khôn khéo ở Syria
Giới phân tích phương Tây buộc phải thừa nhận, đây là một hành động cân bằng rất tinh tế của Nga. Nước này đã cam kết sử dụng không quân để giúp Chính phủ Syria giành lại tất cả các vùng lãnh thổ và liên tục nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giữ gìn toàn vẹn lãnh thổ cho Syria.
Tuy nhiên, Nga cũng đang hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ và Iran để thúc đẩy một dàn xếp hòa bình mà Moscow hy vọng sẽ tái định hình hiến pháp của Syria và cho thấy rằng Nga có thể tạo ra hòa bình cũng như chiến tranh.
Chuyên gia Mathieu Boulegue của Chatham House tại London nói: "Nga có thể là chủ thể duy nhất trong phòng có khả năng cùng một lúc nói chuyện được với tất cả mọi người. Cho dù đó là Israel và Iran, hay với các lực lượng người Kurd và Thổ Nhĩ Kỳ, hoặc ông Assad và tất cả những người khác".
Còn ông Andrey Kortunov - người đứng đầu Hội đồng Quan hệ Quốc tế Nga, một cơ quan tham mưu cho Bộ Ngoại giao Nga - nói:
"Nếu ông ấy làm được điều này, đây sẽ được coi là một thắng lợi chính trị lớn. Ông Putin có thể lập luận rằng người Mỹ đã không thể dàn xếp được mọi chuyện, nhưng chúng tôi đã làm được, điều đó cho thấy cách tiếp cận của chúng tôi đối với cuộc xung đột này hiệu quả hơn nhiều so với các đối thủ địa chính trị của chúng tôi".
Đông Triều