Thổ Nhĩ Kỳ phản đối Nga và Mỹ hiện diện quân sự ở Syria
Thứ hai 23/12/2024
Trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa các lực lượng quân sự nước ngoài, Ankara nhấn mạnh rằng họ không ủng hộ bất kỳ căn cứ nào, bao gồm cả của Nga và Mỹ.
Thổ Nhĩ Kỳ mới đây đã chính thức tuyên bố phản đối sự hiện diện của các căn cứ quân sự Nga tại Syria. Trong một cuộc phỏng vấn với kênh France 24 (Pháp), Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan khẳng định rằng Ankara không ủng hộ bất kỳ căn cứ quân sự nước ngoài nào hiện diện ở Syria, bao gồm cả Nga và Mỹ.
Ông Fidan nhấn mạnh: “Đây phải là quyết định của người dân Syria, và nếu họ đạt được một số thỏa thuận, chẳng hạn như một số giải pháp, chúng tôi sẽ xem xét".
Ông Fidan cũng lưu ý rằng hiện nay mọi người đang chứng kiến quá trình tái triển khai các đơn vị quân đội Nga từ các căn cứ sâu bên trong Syria về phía bờ biển. Điều này cho thấy thay đổi trong chiến lược quân sự của Nga tại khu vực.
Đồng thời, Ngoại trưởng Fidan cũng chỉ ra rằng Mỹ đã tăng cường số lượng quân ở Syria. “Mọi người nghĩ rằng Mỹ có 900 quân ở Syria, nhưng Lầu Năm Góc vừa thông báo rằng thực tế có 2.000 quân Mỹ ở Syria. Bạn có biết rằng sự hiện diện của Mỹ ở Syria đã tăng gấp đôi không?”, Bộ trưởng Fidan nói.
Trong bối cảnh này, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhấn mạnh rằng ông và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan vẫn thường xuyên liên lạc để thảo luận về tình hình khu vực. Tại buổi hỏi đáp trực tiếp và họp báo cuối năm, ông Putin cho biết: "Tôi không nhớ lần gần đây nhất tôi nói chuyện với Tổng thống Erdogan là khi nào, nhưng chúng tôi chắc chắn đã thảo luận về tình hình trong khu vực, ở Trung Đông".
Ông Putin tiết lộ rằng Nga đã đề nghị các nhà lãnh đạo mới ở Syria sử dụng các căn cứ để cung cấp viện trợ nhân đạo và gợi ý rằng Moskva có thể đưa ra các đề nghị khác.
Mặc dù chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad sụp đổ đã gây ảnh hưởng nhất định với Nga, nhưng một số chuyên gia tin rằng Moskva có thể thích ứng với môi trường thay đổi nhanh chóng để duy trì ít nhất một số ảnh hưởng.
"Các lực lượng đối lập của Syria hiểu rõ rằng tương lai của đất nước này là không chắc chắn. Họ muốn Nga, nếu không phải là một người bạn, thì là một bên trung lập", Nikolay Kozhanov, thành viên tư vấn của chương trình Nga và Âu-Á thuộc Viện Vấn đề Quốc tế Chathan House (Anh), cho biết trong một bài bình luận.
Ông Kozhanov lưu ý: “Mục tiêu chính của Moskva sẽ là duy trì ít nhất một mức độ ảnh hưởng tối thiểu thông qua hiện diện quân sự, ví dụ như tại các căn cứ hiện có hoặc thông qua các mối quan hệ với các bên liên quan khác trong khu vực, chẳng hạn như Thổ Nhĩ Kỳ”.
Về phần mình, chuyên gia Soner Cagaptay, Giám đốc Chương trình nghiên cứu Thổ Nhĩ Kỳ tại Viện Washington nhận xét rằng, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ muốn Nga chấm dứt hiện diện quân sự tại Syria, thì lập trường của Ankara sẽ phụ thuộc vào diễn biến mối quan hệ với Washington.
Ông Cagaptay cho biết: "Nếu chúng ta thấy mối quan hệ Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ được thiết lập lại, theo đó Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng họ có thể thoải mái dựa vào Mỹ để cạnh tranh với Nga, tôi có thể đoán ông Erdogan sẽ áp dụng giọng điệu gay gắt hơn đối với Tổng thống Putin".
Nhưng nếu Mỹ duy trì liên minh với người Kurd và chống lại nỗ lực của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm đẩy lùi các tay súng người Kurd ở Đông Bắc Syria, Ankara có thể quyết định rằng họ cần "tiếp tục chơi với mọi bên như họ đã làm trong khoảng một thập kỷ nay", chuyên gia Cagaptay lưu ý.
Trong khi Tổng thống Putin lưu ý rằng Nga hiểu động cơ của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc bảo vệ biên giới, ông cũng cảnh báo rằng người Kurd có thể phản kháng mạnh mẽ nếu bị tấn công.
Emre Ersen, một chuyên gia về Nga tại Đại học Marmara ở Istanbul, cũng nhấn mạnh rằng dù sự sụp đổ của chính quyền Assad sẽ làm giảm ảnh hưởng của Moskva, nhưng mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga sẽ không bị tan vỡ bởi các sự kiện ở Syria.
Chuyên gia Ersen khẳng định: “Rõ ràng là họ vẫn cần phải tiếp cận nhau liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine, nhưng cũng vì họ có mối quan hệ kinh tế rất quan trọng”, đồng thời nói thêm rằng Tổng thống Erdogan có thể sẽ tìm kiếm nhiều nhượng bộ hơn từ Nga về các vấn đề năng lượng và thương mại.