Một phát từ người hùng đấu tranh cho nền dân chủ thành tội đồ dân tộc khi để mất đất, chết dân.
Anh Dê ơi là anh Dê.
Sau khi gạt Ukraine khỏi cuộc đàm phán về tương lai nước này, ông Trump giáng đòn vào Kiev khi cáo buộc họ "bắt đầu cuộc chiến" và chỉ trích tính chính danh của Tổng thống Zelensky.
vnexpress.net
Sau khi gạt Ukraine khỏi cuộc đàm phán về tương lai nước này, ông Trump giáng đòn vào Kiev khi cáo buộc họ "bắt đầu cuộc chiến" và chỉ trích tính chính danh của Tổng thống Zelensky.
Tình hình có vẻ như không thể tệ hơn với các lãnh đạo Ukraine, cho đến trước khi Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 18/2 tổ chức cuộc họp báo ở dinh thự Mar-a-Lago. Đây lẽ ra là sự kiện thông báo về kết quả đàm phán Mỹ - Nga ở Arab Saudi, nhưng những gì được chú ý nhất lại là những đòn công kích mà ông Trump giáng vào Ukraine, quốc gia đã được Mỹ hết lòng hỗ trợ trong gần ba năm qua.
Sau khi loại Tổng thống Volodymyr Zelensky khỏi cuộc đàm phán đầu tiên giữa Mỹ với Nga về việc chấm dứt chiến sự, Tổng thống Trump giờ đây quay sang cáo buộc chính Ukraine là bên đã gây ra cuộc xung đột đã tàn phá nước này.
"Tôi nghe họ nói rằng 'Ồ, chúng tôi không được mời'. Nhưng các bạn đã không tìm ra giải pháp trong ba năm qua. Các bạn đáng lẽ phải kết thúc cuộc chiến sau ba năm, và lẽ ra đừng bao giờ bắt đầu nó. Các bạn lẽ ra đã phải đạt được một thỏa thuận", ông Trump nói.
Đây là lần đầu tiên một tổng thống Mỹ lên tiếng cho rằng Ukraine là bên bắt đầu cuộc xung đột. Người tiền nhiệm của ông Trump, tổng thống Joe Biden, trong gần ba năm qua liên tục cáo buộc Nga là bên gây chiến và khẳng định Ukraine có quyền tự vệ. Trong khi đó, Nga cho rằng việc Ukraine mong muốn gia nhập NATO là một trong những lý do khiến nước này phát động chiến sự.
Sau khi cáo buộc Ukraine "gây ra vấn đề", ông Trump tuyên bố rằng mọi thứ sẽ rất khác nếu ông là tổng thống Mỹ khi Nga phát động tấn công hồi tháng 2/2022.
"Tôi đáng lẽ có thể thực hiện một thỏa thuận giúp Ukraine giữ được toàn bộ đất đai và không có người nào bị giết, không thành phố nào bị phá hủy, không công trình nào bị đổ sập", Tổng thống Mỹ tuyên bố. "Nhưng họ đã chọn không làm theo cách đó".
Tuy nhiên, ông Trump không giải thích lý do ông không tiến hành những cuộc đàm phán như vậy vào năm 2020, thời điểm cuối nhiệm kỳ thứ nhất của ông, khi Nga tập trung hàng trăm nghìn quân sát biên giới Ukraine, gây ra nhiều căng thẳng với Mỹ và các đồng minh ở châu Âu. Sau 4 năm, ông tuyên bố mình mới là người có khả năng giải quyết vấn đề.
"Tôi nghĩ tôi có đủ sức mạnh để chấm dứt cuộc xung đột. Và tôi nghĩ mọi chuyện đang diễn ra rất tốt", ông chủ Nhà Trắng nói về cuộc gặp giữa các quan chức Mỹ và Nga tại Arab Saudi bàn về chiến sự Ukraine mà không có sự tham gia của Kiev.
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại dinh thự Mar-a-Lago ở Palm Beach, Florida, ngày 18/2. Ảnh:
Reuters
Và trong những bình luận gay gắt nhất đối với lãnh đạo Ukraine đến nay, Tổng thống Mỹ đã nhắc lại một quan điểm khác của người đồng cấp Nga Vladimir Putin, rằng đã đến lúc tổ chức bầu cử ở Ukraine, nhắm trực diện vào tính chính danh của Tổng thống Zelensky.
"Đã lâu rồi chúng ta không có bầu cử ở Ukraine. Đấy không phải ý kiến của Nga. Đấy là suy nghĩ đến từ tôi và nhiều quốc gia khác. Các bạn đang có một ban lãnh đạo cho phép chiến sự diễn ra mà đáng lẽ nó không bao giờ nên xảy ra", ông nói, so sánh các thành phố Ukraine giống như "những công trường bị phá dỡ".
"Những thành phố này trông giống như Gaza", Tổng thống mô tả. "Hầu hết chúng đều nghiêng ngả. Các tòa nhà đã sụp đổ".
Tổng thống Trump đồng thời cảnh báo rằng để quan điểm của mình được lắng nghe, Ukraine cần tổ chức bầu cử.
"Các bạn biết đấy, họ muốn có một ghế tại bàn đàm phán, thì phải để người dân Ukraine có tiếng nói, trong khi đã lâu rồi họ không tổ chức bầu cử", ông nhấn mạnh.
Giới chuyên gia nhận định những bình luận trên của Tổng thống Trump rõ ràng là nỗ lực nhằm gạt Tổng thống Zelensky sang bên lề trong nỗ lực nối lại quan hệ với Nga. Chúng tiếp tục làm dấy lên nỗi lo ngại với Kiev cũng như cả châu Âu, bên cũng bị loại khỏi cuộc đàm phán Mỹ - Nga ở Arab Saudi, rằng lãnh đạo Mỹ sẽ cố gắng áp đặt một thỏa thuận hòa bình ở Ukraine theo hướng có lợi cho Nga.
Cuộc bầu cử của Ukraine dự kiến diễn ra vào tháng 4 năm ngoái, nhưng Tổng thống Zelensky cho biết cử tri không thể đi bỏ phiếu giữa thời chiến, quan điểm được hiến pháp nước này ủng hộ.
Những phát biểu của ông Trump dường như cũng trái ngược với lời đảm bảo từ chính Ngoại trưởng Marco Rubio sau cuộc gặp với phái đoàn Nga rằng thỏa thuận hòa bình cuối cùng sẽ "công bằng với tất cả các bên".
Mặt khác, lời lẽ công kích Tổng thống Trump nhằm vào lãnh đạo Ukraine, người từng được Mỹ ca ngợi như "anh hùng" vì đã kháng cự chiến dịch tấn công chớp nhoáng của Nga thời kỳ đầu xung đột, là một dấu hiệu khác cho thấy chính quyền Mỹ mới đã đảo ngược lập trường lâu nay về việc cô lập Nga và hỗ trợ Ukraine "đến khi nào còn cần thiết", bình luận viên kỳ cựu Stephen Collinson từ
CNN đánh giá.
Trong nhóm ông Trump, bước thay đổi này được cho là cần thiết nhằm khắc phục nhiều năm Mỹ theo đuổi "các chính sách sai lầm", theo giới quan sát. Tổng thống và các đồng minh coi chi phí Mỹ bỏ ra để bảo vệ châu Âu cũng như Ukraine là quá cao. Với quan điểm như vậy, việc đạt được một số thỏa hiệp với Nga sẽ cho phép Mỹ chuyển hướng nguồn lực an ninh quốc gia sang những nơi khác, như Trung Quốc, bên mà họ coi là "mối đe dọa lớn nhất".
Và cú đảo ngược lập trường của Mỹ đã được chuẩn bị kỹ lưỡng cả tuần qua. Chỉ vài ngày sau khi Phó tổng thống JD Vance chỉ trích gay gắt các đồng minh châu Âu, nói rằng "mối đe dọa từ bên trong châu lục" đáng lo ngại hơn Nga, Ngoại trưởng Rubio đã gặp người đồng cấp Nga Sergei Lavrov và nói về "những cơ hội hợp tác đáng kinh ngạc" giữa hai bên nếu họ có thể giải quyết tình hình chiến sự Ukraine.
Nhiều quyết sách của Tổng thống Trump trong tháng qua đã khiến các đồng minh châu Âu bối rối, khi ông không chỉ loại họ khỏi những cuộc đàm phán về Ukraine mà còn đe dọa áp thuế, yêu cầu họ tăng chi tiêu quân sự và ra yêu sách với một số lãnh đạo châu lục.
"Trong mắt châu Âu, ông Trump đang bình thường hóa quan hệ với Nga trong khi đối xử với họ, các đồng minh của Mỹ, giống như những người không đáng tin cậy", Ian Bremmer, chủ tịch công ty tư vấn quốc tế Eurasia Group, trụ sở tại New York, nhận xét.
Tổng thống Trump cam kết trong chiến dịch tranh cử rằng có thể chấm dứt xung đột Ukraine trong vòng 24 giờ, điều mà ông đã không làm được. Ông nhiều lần tuyên bố sẽ mang lại hòa bình cho Ukraine ngay cả trước khi nhậm chức, điều cũng không thể trở thành hiện thực. Sau cuộc điện đàm kéo dài gần 90 phút với ông chủ Điện Kremlin vào tuần trước, ông Trump đã giao cho Ngoại trưởng Rubio cùng hai cố vấn khác, Michael Waltz và Steve Witkoff, theo đuổi các cuộc đàm phán.
Những nhượng bộ mà Tổng thống Trump và nhóm của ông đưa ra đến nay dường như phù hợp hoàn toàn với mong muốn của Điện Kremlin. Nga sẽ được giữ lại toàn bộ lãnh thổ kiểm soát ở Ukraine. Mỹ sẽ không cung cấp cho Ukraine các bảo đảm an ninh cũng như không để họ gia nhập NATO. Các lệnh trừng phạt chưa từng có mà Mỹ đã áp đặt với Nga sẽ được dỡ bỏ.
Niềm tin của Tổng thống Trump vào khả năng đạt thỏa thuận với Tổng thống Putin khiến các quan chức an ninh quốc gia kỳ cựu của Mỹ cảm thấy bối rối.
"Khi đàm phán với Nga, bạn cố gắng tìm ra những lợi ích đan xen, nhưng nhận ra rằng chúng về cơ bản là xung đột với lợi ích của Mỹ. Chúng ta đang cố thương lượng với một đối thủ đáng gờm, chứ không phải bạn thân", Celeste A. Wallander, người xử lý các vấn đề về Nga và Ukraine với tư cách trợ lý bộ trưởng quốc phòng dưới thời Tổng thống Joe Biden, cho hay.
Phát biểu với các phóng viên hôm 18/2, Tổng thống Trump lại cho thấy ông coi Nga là bạn, không phải Ukraine. "Nga muốn làm điều đó. Họ muốn chấm dứt tình cảnh bạo lực man rợ", ông nói.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Munich, Đức, ngày 15/2. Ảnh:
AP
Tổng thống đồng thời cũng tìm cách hạ thấp uy tín của người đồng cấp Ukraine, tuyên bố rằng tỷ lệ ủng hộ ông Zelensky đã "giảm xuống chỉ còn 4%". Tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Zelensky trên thực tế đã giảm trong ba năm xung đột, song chỉ xuống khoảng 50%. Hiện chưa rõ ông Trump lấy dữ liệu "4%" từ đâu.
Những phát biểu của ông Trump không được soạn sẵn mà là câu trả lời trực tiếp tới phóng viên. Tuy nhiên, chúng phản ánh cách ông nhìn nhận tình hình và báo trước phần nào chính sách Mỹ sẽ theo đuổi trong những tháng tiếp theo.
Chúng cũng tạo ra những làn sóng chấn động mới ở châu Âu, nơi đang phải đối mặt với thực tế là đồng minh chính của mình không còn nhìn nhận mình theo cách cũ nữa, theo Ian Bond, phó giám đốc Trung tâm Cải cách châu Âu.
Vũ Hoàng (Theo
CNN, AFP, Reuters)