Chỉ có một con đường về với "chánh nghĩa quốc gia" là từ bỏ nguyện vọng gia nhập NATO
VOV.VN - Chuyên gia Friedman của Defense Priorities, cho biết việc Ukraine từ bỏ nguyện vọng gia nhập NATO là “cái giá của hòa bình”.
Các con đường tiềm năng dẫn đến lệnh ngừng bắn ở Ukraine đang trở nên rõ ràng hơn khi Tổng thống đắc cử Donald Trump tiến gần đến Ngày nhậm chức, trong khi Tổng thống Volodymyr Zelensky đã cho thấy những nhượng bộ nhằm chấm dứt xung đột.
Tuần trước, Tổng thống Zelensky cho biết ông đang cân nhắc nhượng bộ, ít nhất là vào thời điểm hiện tại, lãnh thổ mà Nga chiếm giữ trong cuộc xung đột kéo dài gần 3 năm để đổi lấy tư cách thành viên của NATO đối với các khu vực đất nước do Kiev kiểm soát.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ảnh: Reuters
Đề xuất đó có khả năng phải đối mặt sự phản đối mạnh mẽ của Tổng thống Vladimir Putin bởi nhà lãnh đạo Nga đã kiên quyết phản đối việc đưa Ukraine vào NATO và đây từng là một trong những lý do chính cho chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Tuy nhiên, đề xuất của ông Zelensky có phần mơ hồ và được coi là điểm khởi đầu cho mối quan hệ với ông Trump, người đã đề cử ông Keith Kellogg làm đặc phái viên tại Ukraine vào tuần trước. Ông Kellogg - một Trung tướng đã nghỉ hưu, trước đây từng là cố vấn an ninh quốc gia cho cựu Phó Tổng thống Mike Pence trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump, đã đưa ra các đề xuất khá chi tiết để chấm dứt xung đột.
Tham vọng của Ukraine thu hẹp trong bối cảnh mới
Kể từ khi xung đột nổ ra vào năm 2022, Tổng thống Zelensky tuyên bố Ukraine sẽ chiến đấu để giành lại toàn bộ lãnh thổ của mình, bao gồm cả Crimea mà Nga sáp nhập năm 2014. Kế hoạch hòa bình của ông kêu gọi trả lại toàn bộ các vùng lãnh thổ và kế hoạch chiến thắng của ông được công bố trong năm nay đã yêu cầu tất cả các loại vũ khí và sự hỗ trợ cần thiết để đạt được mục tiêu đó.
Tuy nhiên, tham vọng đó ngày càng thu hẹp trong 2 năm qua sau khi Ukraine không thể lặp lại những thành công mà nước này đạt được vào năm 2022 khi họ giành được các vùng lãnh thổ ở Kharkov và Kherson. Kể từ đó, Kiev ở thế bị động và phải đối phó với quân đội Nga có lực lượng và trang thiết bị áp đảo trên mặt trận trải dài hơn 1.000km. Ngay cả cuộc tấn công bất ngờ của Ukraine vào tháng 8 ở khu vực Kursk cũng không ngăn được bước tiến của Moscow qua phía Đông Donetsk.
Những cuộc giao tranh quyết liệt trên chiến trường, cùng với chiến thắng của ông Trump vào Ngày Bầu cử, dường như đã thúc đẩy Tổng thống Zelensky xem xét lại chiến lược lâu nay của ông là đẩy lùi Nga hoàn toàn. Tổng thống Trump đã tuyên bố sẽ chấm dứt xung đột ở Ukraine vào thời điểm ông nhậm chức.
Benjamin Friedman, Giám đốc chính sách tại Defense Priorities cho biết sự thay đổi này phản ánh "những thực tế không thể chối cãi trên thực địa về sự thất bại rõ ràng của lực lượng Ukraine trong việc giành lại lãnh thổ và những khó khăn lớn trong việc giữ vững những gì họ đang có".
Theo ông, Ukraine hiểu rõ tình hình chính trị đang thay đổi ở Mỹ và "họ không thể trông chờ vào sự ủng hộ mà họ đang nhận được".
Tổng thống Zelensky đã tuyên bố trong một số cuộc phỏng vấn tuần qua rằng ông sẽ cân nhắc việc nhượng lại một số lãnh thổ cho Nga để đổi lấy sự bảo vệ của NATO với các khu vực do Ukraine kiểm soát.
"Nếu chúng ta muốn ngăn chặn giai đoạn nóng của cuộc xung đột, chúng ta cần đưa lãnh thổ ở Ukraine mà chúng ta đang kiểm soát vào sự bảo vệ của NATO", ông Zelensky nói với Sky News. Ông đề xuất, tình trạng chính thức của các khu vực do Nga chiếm giữ sẽ được giải quyết thông qua ngoại giao trong tương lai.
Ông Serhii Kuzan, đồng sáng lập và là Chủ tịch Trung tâm An ninh và Hợp tác Ukraine, người từng là cố vấn cho chính phủ ở Kiev, cho biết mục tiêu chính trong lập trường chính trị mới của Kiev là chấm dứt giao tranh và đạt được an ninh lâu dài.
Chuyên gia Kuzan nhận định, mặc dù Ukraine đã tham vấn với chính quyền ông Trump sắp nhậm chức nhưng lập trường của Ukraine hoàn toàn là tầm nhìn của riêng họ. Tuy nhiên, ông cho rằng NATO là điểm bế tắc chính với Kiev và ít nhất phải có lời mời Ukraine tham gia liên minh.
"Ukraine đã sẵn sàng cho cuộc đàm phán này với các thành viên của liên minh. Nhiệm vụ chính của chúng ta là cùng nhau trở nên mạnh mẽ và không để Nga mạnh hơn", ông Kuzan bình luận.
Cái giá phải trả để đổi lấy hòa bình
Branislav Slantchev, Giáo sư khoa học chính trị tại Đại học California, San Diego, người chuyên nghiên cứu về chiến tranh, cho biết gần như không có khả năng Tổng thống Putin chấp nhận tư cách thành viên NATO của Ukraine vì điều đó sẽ làm suy yếu "về cơ bản toàn bộ ý tưởng mà ông ấy đưa ra" về lý do cho chiến dịch quân sự này.
Tổng thư ký NATO Mark Rutte tuần này đã tránh những câu hỏi về việc mời Ukraine tham gia liên minh hoặc những đảm bảo an ninh nào có thể hiệu quả đối với Kiev. Tuy nhiên, ông Rutte giải thích rằng, "chính phủ Ukraine nên quyết định các bước tiếp theo về việc mở các cuộc đàm phán hòa bình và cách tiến hành chúng", trong khi NATO nên tập trung vào việc tăng cường vũ khí cho Ukraine ngay bây giờ.
"Chúng ta đừng thảo luận từng bước về việc tiến trình hòa bình sẽ diễn ra như thế nào" mà hãy "đảm bảo rằng Ukraine có những gì cần thiết để đạt được vị thế mạnh mẽ khi các cuộc đàm phán hòa bình bắt đầu".
Tổng thống Biden và các đồng minh NATO đã nhiều lần cam kết sẽ trao cho Ukraine một ghế trong liên minh nhưng vẫn tránh đưa ra bất kỳ cam kết cụ thể nào. Chính quyền ông Trump sắp tới khó có thể mời Ukraine tham gia liên minh vì ông Kellogg đã viết một bài báo được xuất bản vào tháng 4 tại Viện Chính sách Nước Mỹ trước tiên, trong đó nói rằng
chính quyền ông Biden không nên khiêu khích Tổng thống Putin bằng "nỗ lực thúc đẩy tư cách thành viên của Ukraine trong NATO".
Ukraine có thể sẽ chấp nhận các đảm bảo an ninh khác từ các thành viên NATO, ngoài tư cách thành viên đầy đủ, chẳng hạn như các cam kết an ninh song phương với các quốc gia châu Âu.
Đội ngũ chuyển giao của ông Trump vẫn chưa rõ ràng về cách họ muốn giải quyết cuộc xung đột nhưng ông Kellogg đã viết trong tài liệu chiến lược của mình rằng Mỹ nên tăng cường sức mạnh cho Ukraine để đảm bảo Nga không tiến xa hơn nữa và không thể tấn công sau khi ngừng bắn. Tuy nhiên, ông đưa ra một đề xuất gây tranh cãi rằng sự hỗ trợ trong tương lai phải phụ thuộc vào việc Kiev tham gia các cuộc đàm phán hòa bình, điều mà một số người lo ngại có thể làm suy yếu vị thế của Ukraine.
Đối với Nga, ông Kellogg nhận định Mỹ nên nói với ông Putin rằng họ sẽ hoãn tư cách thành viên NATO của Ukraine để đổi lấy một thỏa thuận hòa bình với các đảm bảo an ninh. Nga cũng có thể được giảm nhẹ lệnh trừng phạt. Theo ông Kellogg, Mỹ cũng có thể đe dọa sẽ cung cấp vũ khí cho Ukraine nhiều hơn nếu Nga không đàm phán một cách thiện chí. Ông Kellogg cảnh báo, một bước đột phá ngoại giao cho Ukraine "có thể sẽ không xảy ra trước khi ông Putin rời nhiệm sở".
Dù vậy, Ukraine có thể sẽ nghi ngờ về các đảm bảo an ninh xét trên những gì từng xảy ra trong quá khứ. Bản ghi nhớ Budapest năm 1994, trong đó Ukraine từ bỏ kho vũ khí hạt nhân của mình cho Nga, bao gồm các đảm bảo an ninh từ Nga đã bị phá vỡ. Mỹ cũng đã cam kết đảm bảo an ninh trong hiệp ước đó.
Bộ Ngoại giao Ukraine cho biết trong một tuyên bố hôm 3/12 rằng Bản ghi nhớ Budapest là một minh chứng của "sự thiển cận trong việc ra quyết định về an ninh chiến lược".
"Việc không cung cấp cho Ukraine các đảm bảo an ninh thực sự và hiệu quả trong những năm 1990 là một sai lầm chiến lược mà Moscow đã khai thác. Sai lầm này phải được sửa chữa. Ukraine phải được cung cấp các đảm bảo an ninh ràng buộc về mặt pháp lý rõ ràng”, tuyên bố trên cho hay. Theo đó: “Với kinh nghiệm cay đắng của Bản ghi nhớ Budapest, chúng tôi sẽ không chấp nhận bất kỳ sự thay thế nào cho tư cách thành viên đầy đủ của Ukraine trong NATO”.
Chuyên gia Friedman của Defense Priorities thì đánh giá, việc Ukraine từ bỏ nguyện vọng gia nhập NATO là “cái giá của hòa bình”.
"Mỹ không thể thay đổi địa lý của Ukraine và đưa họ đến một nơi an toàn hơn trên thế giới. Họ sống cạnh Nga - một quốc gia hùng mạnh hơn nhiều - luôn có nhiều lợi ích đáng kể hơn ở Ukraine, dù chúng có hợp pháp hay không, so với Mỹ".