Phủ hay không phủ thì cũng chả thay đổi được tình hình chiến sự.
Chính quyền Thủ tướng Đức Olaf Scholz vẫn giữ lập trường không cung cấp tên lửa tầm xa cho Ukraine do lo ngại nguy cơ leo thang xung đột.
Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) hôm 18-11 đã ra tuyên bố chung, theo đó hoan nghênh mọi sáng kiến hỗ trợ "một nền hòa bình công bằng và bền vững" trong cuộc xung đột Ukraine - Nga.
Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh cuộc xung đột này vừa chạm mốc 1.000 ngày. Theo đài CCTV, cũng trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh G20 diễn ra tại TP Rio de Janeiro - Brazil, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thúc giục các nhà lãnh đạo G20 ủng hộ những nỗ lực nhằm hạ nhiệt xung đột ở Ukraine và đạt được "giải pháp chính trị".
Ông Tập Cận Bình cho rằng G20 nên ủng hộ Liên Hiệp Quốc cũng như Hội đồng Bảo an đóng vai trò lớn hơn, cũng như ủng hộ mọi nỗ lực góp phần giải quyết hòa bình các cuộc khủng hoảng.
Các tuyên bố nói trên được không lâu sau khi truyền thông Mỹ đưa tin chính quyền Tổng thống Joe Biden đã cho phép Ukraine dùng tên lửa tầm xa do Washington cung cấp để tấn công các mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga.
Điện Kremlin đã chỉ trích Washington "đổ thêm dầu vào lửa" với bước đi này. Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga, bà Maria Zakharova, hôm 18-11 cho biết thông tin nói trên vẫn chưa được xác nhận. Tuy nhiên, quan chức này cảnh báo nếu Ukraine thực sự sử dụng tên lửa của Mỹ theo cách như thế, Nga sẽ có phản ứng "phù hợp và rõ ràng".
Bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại TP Osaka - Nhật Bản hồi tháng 6-2019 đã diễn ra cuộc gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin (thứ 3 từ trái sang) và ông Donald Trump (khi đó là tổng thống Mỹ) Ảnh: Reuters
Tại Mỹ, một số đồng minh của Tổng thống đắc cử Donald Trump cũng phản ứng mạnh trước việc ông Biden dường như bật đèn xanh cho Ukraine tấn công Nga bằng tên lửa tầm xa do Mỹ sản xuất.
Theo đài RT, ông Mike Waltz, người được ông Trump đề cử làm cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng, cho rằng động thái này sẽ chỉ làm leo thang cuộc xung đột mà ông Trump đang tìm cách chấm dứt. Ông Trump vẫn chưa lên tiếng về vấn đề này nhưng Tổng thống đắc cử Mỹ từng tuyên bố sẽ tìm kiếm một thỏa thuận hòa bình với Nga và đe dọa sẽ ngừng viện trợ cho Ukraine.
Đáp lại, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Matthew Miller nhấn mạnh ông Biden "được bầu với nhiệm kỳ 4 năm, không phải 3 năm và 10 tháng" và chính quyền hiện nay sẽ sử dụng từng ngày trong nhiệm kỳ để theo đuổi các lợi ích chính sách "có lợi cho người dân Mỹ".
Ông Miller nói thêm chỉ có một tổng thống tại một thời điểm và khi tổng thống tiếp theo nhậm chức, ông ấy có thể đưa ra các quyết định của riêng mình.
Diễn biến nói trên cũng gây ra phản ứng khác nhau tại châu Âu. Theo tờ Politico, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm 18-11 cho rằng Tổng thống Biden đã đưa ra "quyết định đúng đắn" nhằm đáp trả việc Nga "leo thang xung đột với Ukraine bằng cách sử dụng binh sĩ Triều Tiên". Trước đó, ông Macron cho biết ông ủng hộ việc cho phép Ukraine tấn công các mục tiêu quân sự bên trong lãnh thổ Nga.
Tỏ ra thận trọng hơn, chính quyền Thủ tướng Đức Olaf Scholz vẫn giữ lập trường không cung cấp tên lửa tầm xa cho Ukraine do lo ngại nguy cơ leo thang xung đột. Dù vậy, Bộ trưởng Ngoại giao Đức Annalena Baerbock vẫn hoan nghênh quyết định của chính quyền Tổng thống Biden. Trong khi đó, giới chức Anh từ chối tiết lộ liệu có ý định làm theo Mỹ hay không.