Nhà cháu thì vẫn khuyên nhiều người nếu con cái muốn định cư ở nước ngoài thì nên chọn Châu Âu hơn là Mỹ vì tính an toàn khi ở đó. Nhưng nghe cụ nói nộp thuế là đóng góp cho NN nhà cháu thấy hơi kỳ kỳ
. Ở đâu đó thì bị gọi là tận thu (cuop), còn ở Châu Âu được coi là đóng góp...
Ở Châu Âu thì khoản bảo hiểm rẻ hơn Mỹ và cover 100% nên NLĐ được an toàn cao nhất. Kể cả cụ đi du lịch trong khối hay ra ngoài khối thì cũng luôn có bệnh viện liên kết và BH chi trả đầy đủ. Đấy là sự an toàn cho bản thân.
Nhưng Châu Âu có điểm trừ là thời gian chờ đợi khám bệnh dài. Đôi khi cả năm mới đến lượt. Với những người U50, U60, U70 bắt đầu có dấu hiệu về sức khỏe thì cách thăm khám bệnh như vậy là ko ổn. Đau ốm cần được chữa trị ngay, chứ chờ đợi nó kinh khủng lắm.
Mỹ, Châu Âu, Nhật, Hàn, Úc... hay các nước trong cùng hệ thống thì đều khá giống nhau, NLĐ đều phải chi khoảng 33% thu nhập cho chỗ ở. Cụ lý giải thế nào thì người Việt trong nước vẫn hơn ở chỗ này.
Ngoài ra, khi về hưu, thu nhập giảm xuống còn 75%. Tức là mức sống hiện tại ra sao thì khi về hưu sẽ giảm mất 25% nữa. Nếu ko có khoản tiết kiệm để bù đắp vào, cuộc sống sẽ khó khăn hơn nhiều. Vì vậy, tiêu chí Savings nó rất quan trọng.
Có mấy điểm cụ đưa ra ở còm trên, em thấy chưa chính xác lắm, nên em mạn phép thảo luận thêm cho vấn đề được rõ ràng hơn.
Thứ nhất, người dân Séc đa phần xác định nộp thuế là đóng góp cho nhà nước Séc, bởi họ thừa nhận thức để thấy rằng những gì họ nhận về luôn quá xứng đáng với mức thuế họ bỏ ra. Ai cũng có lúc trong gia đình có người xa cơ lỡ vận, gặp tai nạn hay ốm đau bệnh tật. Nên khi họ trải qua hoặc chứng kiến tận mắt những hỗ trợ thiết thực của nhà nước giúp họ vượt qua khó khăn, họ sẽ không nghĩ nhà nước đang tận thu hay bóc lột thuế của họ.
Cái gì cũng có giá của nó, đúng không cụ. Khi nhà nước đảm bảo y tế, giáo dục, an ninh cũng như an sinh xã hội cho tất cả mọi người dân, thì số tiền được coi là bóc lột thuế phí đó, được người dân chấp nhận. Vì họ biết những gì họ đang hưởng không phải là miễn phí, chỉ là giá trị họ nhận lại vẫn rất là rẻ so với số thuế họ đóng. Khi người dân cảm thấy giá của các sự miễn phí mà nhà nước đem lại cho họ không xứng đáng với giá trị thật của nó, thì lúc đó họ sẽ đấu tranh để đòi hỏi quyền lợi chính đáng. Thế nên 1 xã hội ổn định là xã hội luôn hài hòa được nhu cầu an sinh của người dân, đối với những đóng góp của họ với chính phủ đang cầm quyền.
Thứ hai, về việc cụ nói ở Châu Âu thời gian chờ đợi khám bệnh dài. Cái này có lẽ thông tin cụ có được, chưa chính xác. Em chia sẻ về việc khám bệnh ở Séc để cụ đánh giá thực tế về vấn đề này. Em nghĩ y tế Séc nói riêng, hay y tế Châu Âu nói chung thì cũng khá tương đồng với nhau. Hệ thống bệnh viện tại Séc luôn hoạt động 24/24h, nên nếu ai thấy có vấn đề về sức khỏe thì đều có thể tới khám vào bất kỳ lúc nào. Nếu trong giờ hành chính thì tới bác sỹ cá nhân hay còn gọi là bác sỹ khu vực. Thường nếu không có bệnh thì chỉ tới khám khi có lịch, còn nếu ốm đau thì có thể tới khám bất kỳ lúc nào nếu trong giờ làm việc của bác sỹ.
Ngoài giờ làm việc của bác sỹ, tức sau 15h hoặc 16h, thì người bệnh cứ việc thẳng tiến vào bệnh viện. Tại đây các bác sỹ bắt buộc phải khám và chữa cho bệnh nhân, nhưng y tá họ sẽ phân chia mức độ ưu tiên khám trước theo thang xanh, vàng, cam và đỏ. Nếu người bệnh nhận được đánh giá của y ta là ở mức độ xanh, thì có thể người bệnh đó phải đợi vài tiếng mới tới lượt để khám. Còn nếu ý tá đánh giá mức độ là cam hay đỏ, thì thường sẽ được ưu tiên khám trước. Nếu bác sỹ thấy bệnh tình nghiêm trọng sẽ cho bệnh nhân nhập viện nằm nội trú để điều trị luôn.
Người bệnh vào viện thì chỉ cần mang theo thẻ căn cước và thẻ bảo hiểm (có quên thẻ bảo hiểm cũng không sao) và ít nhất là 90 Korun tiền mặt nếu vào khám tại bệnh viện sau giờ hành chính, bởi lúc đó bệnh viện sẽ thu phí 90 Korun cho mỗi lần khám. Nếu ai vào bệnh viện khám trước 15h thì không mất phí này. Nhiều người đi làm xa, khi có bệnh thì không thể về bác sỹ cá nhân tại khu vực mình sống để khám được, thì họ sẽ vào thẳng bệnh viện. Nên nếu tới bệnh viện khám trước 15h thì sẽ không mất 90 Korun.
Ở Séc em chưa thấy ai bị bệnh mà cả năm chưa tới lượt đi khám cả. Thường nếu bệnh không nặng thì bác sỹ sẽ tùy theo mức độ mà cho lịch hẹn, nhưng khá là phù hợp và đa số gần tới ngày, thì đều có tin nhắn nhắc bệnh nhân tới khám đúng lịch. Trường hợp chưa tới lịch mà bệnh trở nặng thì như em nói ở trên, cứ tới thẳng phòng khám gặp bác sỹ hoặc vào thẳng bệnh viện là sẽ được cứu chữa kịp thời. Ngay như đau răng, hay cần nhổ răng thì cứ trung tâm khẩn cấp về răng mà tới, bác sỹ sẽ giải quyết mà chỉ cần mỗi thẻ bảo hiểm y tế, kể cả lúc đó là nửa đêm, nếu trung tâm đó làm việc 24/24h.
Thứ ba, khi về hưu thì vấn đề quan trọng nhất không phải là tài chính, mà là người về hưu được hưởng những chế độ an sinh nào từ xã hội, để họ có thể sống bình an với mức lương hưu mà không cần phải lo lắng. Em nhận thấy xã hội Séc đảm bảo được cho người dân về an toàn sức khỏe, nhất là với những người cao tuổi. Như vậy là nhà nước đã đảm bảo phần khó nhất của đời người đối với người dân, khiến người dân thấy không nhất thiết phải tiết kiệm tiền để lo chiến đấu với bệnh tật. Mà thay vào đó, họ dùng tiền để hưởng thụ cuộc sống trước mắt, chứ không nhất nhất phải tiết kiệm.
Tất nhiên trên đây chỉ là cái nhìn chủ quan của em với đa số người dân nằm trong số 70% người lao động. Chứ chưa chắc nó đã chính xác với nhóm nhỏ elite trong bất cứ xã hội tại Châu Âu nào.