Tàu vớt tiêm kích F-35 Mỹ ở Biển Đông 'do Trung Quốc chế tạo'
Picasso, tàu tham gia hỗ trợ trục với tiêm kích F-35C Mỹ rơi ở Biển Đông, do hãng Trung Quốc chế tạo, theo truyền thông nước này.
Tàu phục vụ xây dựng công trình ngoài khơi (DSCV) Picasso, thuộc sở hữu của công ty Ultra Deep Solutions ở Singapore, được chế tạo bởi China Merchants Heavy Industries, một trong ba hãng đóng tàu nhà nước hàng đầu của
Trung Quốc,
SCMP ngày 7/3 đưa tin.
Tàu Picasso hồi tuần trước thu hồi mảnh vỡ tiêm kích F-35C Mỹ dưới đáy biển sâu 3.780 m ở Biển Đông. Hạm đội 7 hải quân Mỹ cho biết tàu Picasso triển khai phương tiện điều khiển từ xa CURV-21 xuống gắn dây và giàn nâng vào xác chiếc F-35C, sau đó đưa lên mặt biển.
DSCV là loại tàu thường được sử dụng để lắp đặt, kiểm tra, sửa chữa công trình hoặc cứu hộ tại vùng biển sâu. Picasso là một trong những tàu DSCV tiên tiến nhất, được trang bị phương tiện điều khiển từ xa CURV-21 có thể lặn sâu hơn 3.000 m.
Tàu phục vụ xây dựng công trình ngoài khơi Picasso trên biển. Ảnh:
Ultra Deep Solutions.
Nhiều tàu DSCV do Trung Quốc chế tạo từng tham gia thu hồi xác tiêm kích rơi xuống biển. Tàu Van Gogh của hãng Ultra Deep Solutions tham gia chiến dịch trục vớt xác tiêm kích F-35A của Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản bị rơi khi huấn luyện trên Thái Bình Dương hồi tháng 4/2019.
Truyền thông Trung Quốc khi đó đưa tin tàu Van Gogh cũng do China Merchants Heavy Industries chế tạo, là một trong 5 tàu DSCV của hãng đóng tàu này được Ultra Deep Solutions vận hành.
Nhà phân tích quân sự Trung Quốc Song Zhongping cho biết Trung Quốc là nước đi đầu trong lĩnh vực đóng tàu, đặc biệt là các tàu chuyên dụng, nên không đáng ngạc nhiên khi các tàu do nước này sản xuất tham gia vào hoạt động trục vớt xác tiêm kích. "Điều này cho thấy sự cần thiết của hợp tác Mỹ - Trung", ông nói.
Tiêm kích F-35C của Mỹ hạ cánh không thành công trên tàu sân bay USS Carl Vinson và lao xuống biển, khi thực hiện hoạt động bay theo kế hoạch trên Biển Đông ngày 24/1. Vụ tai nạn khiến 7 người bị thương, trong đó có phi công chiếc F-35C và 6 nhân viên trên tàu.
Sau tai nạn, hải quân Mỹ thông báo kế hoạch trục vớt tiêm kích F-35C ở Biển Đông. Mẫu tiêm kích này chứa một số công nghệ tiên tiến nhất và một số chuyên gia cho rằng Mỹ không muốn để chúng lọt vào tay đối thủ. Bộ Ngoại giao Trung Quóc sau đó tuyên bố không hứng thú với tiêm kích tàng hình Mỹ rơi ở Biển Đông.
Khoảnh khắc trước khi chiếc F-35C Mỹ lao xuống Biển Đông ngày 24/1. Video:
Twitter/lfx160219
Một video đăng trên mạng xã hội cho thấy tiêm kích F-35C đập vào sàn đáp trên tàu Carl Vinson và bốc cháy, sau đó lao ra khỏi boong và rơi xuống biển. Các quan chức hải quân Mỹ xác nhận video này, cho biết sàn đáp của tàu Carl Vinson chỉ bị hư hại bề mặt và chiến hạm nối lại các hoạt động không lâu sau đó.
Đây là tiêm kích F-35 thứ sáu bị phá hủy trong quá trình hoạt động, không tính đến những máy bay hư hỏng do sự cố trên mặt đất, cũng là chiếc F-35 thứ hai gặp nạn khi vận hành từ tàu sân bay hoặc tàu đổ bộ tấn công.
Tai nạn được coi là tổn thất lớn với hải quân Mỹ, bởi mỗi tiêm kích tàng hình F-35C có giá hơn 117 triệu USD, chưa tính chi phí vũ khí đi kèm. Nếu tính cả vũ khí, giá mỗi chiếc F-35C có thể lên tới hơn 140 triệu USD.