Gửi các cụ muốn xin vào gánh xiếc rong!
Tiến sĩ Nguyễn Hoài Nam, Chủ tịch Hội tĩnh mạch học TP HCM, cảnh báo, mỗi năm có 5% - 7% bệnh nhân phải cắt cụt chi có liên quan đến thuốc lá. Trên 95% bệnh nhân sau khi bị cưa cụt tay chân vẫn tiếp tục hút thuốc lá và lại có nguy cơ đoạn chi lần nữa.
Bốn lần nhập viện để cắt tay chân
Nằm co ro trên băng ca trước phòng chụp X-quang ở Bệnh viện Nhân dân 115, ông T., 76 tuổi, ngụ Nhà Bè, TP HCM, đau đớn vì bàn chân trái còn lại cũng sắp bị cắt cụt. Người nhà bệnh nhân kể, đây là lần thứ tư gia đình đưa ông vào bệnh viện để đoạn chi. Lần đầu, các bác sĩ Bệnh viện Sài Gòn cắt bỏ cẳng chân bên phải, rồi đến Bệnh viện Chợ Rẫy cắt cụt vài ngón ở hai bàn tay và giờ đây Bệnh viện 115 cắt cụt chân bên trái.
Các bác sĩ cho biết, đây là hậu quả tình trạng không bỏ được thuốc lá của bệnh nhân. Ông T. đã hút thuốc lá từ năm 18 tuổi. Bắt đầu tuổi trung niên, ông “đốt” hơn 20 điếu thuốc mỗi ngày.
Bác sĩ Hoài Nam giải thích, chất nicotin trong thuốc lá kích thích cơ thể tạo ra phản xạ co mạch máu, làm cứng lòng mạch, máu đóng vón, tăng kết dính tiểu cầu. Một số chất độc hại khác tạo phản ứng viêm thành mạch. Lâu ngày, mạch máu phì đại, dày lên, dẫn đến xơ cứng, tắc hẹp, khiến máu không thể lưu thông. Nơi dễ thiếu máu do tắc nghẽn thường là những mạch máu nhỏ, chủ yếu ở ngọn chi như ngón tay, ngón chân..., gây hoại tử.
Tiến sĩ Vũ Hữu Vĩnh, Phó khoa Lồng ngực - Mạch máu, Bệnh viện Chợ Rẫy, khuyến cáo, các biến chứng trên dễ gặp nhất ở người có cơ địa dị ứng với chất nicotin, người hút nhiều thuốc lá. Ngoài ra, bệnh nhân tiểu đường, xơ vữa động mạch, béo phì, cao huyết áp, rối loạn chuyển hóa lipid, tắc động mạch ngoại biên… nếu hút thuốc lá thì nguy cơ cắt phải bỏ tay chân sẽ rất cao.
Bệnh nặng do nhập viện trễ
Tiến sĩ Cao Văn Thịnh, Trưởng khoa Lồng ngực – Mạch máu, Bệnh viện Nhân dân 115, cho biết bệnh nhân tắc động mạch ngoại biên dễ bị cắt bỏ chi nhiều lần nhất thường là do không bỏ được thuốc lá. Theo nghiên cứu của bệnh viện, hầu hết những người tắc động mạch ngoại biên có hút thuốc lá đều bị đoạn chi trên hai lần.
Theo bác sĩ Hữu Vĩnh, bệnh nhân dù đoạn chi hay chưa vẫn phải tăng cường vận động tay chân để giúp máu lưu thông, đồng thời phải sớm bỏ thuốc lá vì bản thân thuốc lá ức chế khả năng vận động cơ thể, khiến máu tắc nghẽn. Tay chân bị thiếu máu nuôi dưỡng thường có biểu hiện đau, lạnh, tê bì, da kém hồng hào, thậm chí bị teo bắp chân tay, loét chi.
Tuy nhiên, hầu hết bệnh nhân nhập viện rất trễ, phải phẫu thuật cắt cụt chi. Những trường hợp này nếu không được đoạn chi thì phần xương hoại tử bên trong sẽ thối, dẫn đến nhiễm trùng, ngấm vào máu, gây tử vong.
Do đó, bệnh nhân bị tắc mạch máu ở chân tay do nghiện thuốc lá cần điều trị sớm. Bác sĩ dựa vào tình trạng bệnh để đưa ra phác đồ điều trị bảo tồn bằng thuốc giãn mạch, phẫu thuật bắc cầu nối mạch máu cho bệnh nhân.
http://m.baodatviet.vn/Home/doisong/Cut-chan-tay-vi-hut-thuoc-la/200912/71849.datviet
Sent from my iPhone using Forum Runner