Khả năng lớn năm nay nhà em ở ngoài An Bàng, chả vào phố cổ nữa :
…
Trung tâm Văn hóa Thể thao và Truyền thanh Truyền hình Hội An là đơn vị được UBND thành phố giao triển khai thực hiện việc thu vé vào phố cổ. Bà Trương Thị Ngọc Cẩm, Giám đốc Trung tâm, cho biết việc thu phí đã được Luật Di sản quy định và Hội đồng Nhân dân tỉnh thông qua song lâu nay công tác quản lý, kiểm soát chưa chặt chẽ. Thống kê cho thấy dưới 50% du khách đến khu phố cổ mua vé đã gây thất thoát ngân sách lớn. Do vậy, thành phố áp dụng chặt việc bán vé để có nguồn kinh phí.
Về giá vé, bà Cẩm cho biết "phí vào di tích là bình thường ở Việt Nam" và những điểm du lịch nhỏ thậm chí đã thu phí trên 100.000 đồng. Hội An là một quần thể rộng, vé 80.000 đồng cho khách nội địa và 120.000 đồng khách nước ngoài "là rẻ".
Tại Trung Quốc, Phượng Hoàng Cổ Trấn, một khu phố cổ nổi tiếng, điểm đến của nhiều khách Việt những năm gần đây, đang thu phí 248 nhân dân tệ (khoảng 845.000 đồng) hoặc 138 nhân dân tệ (khoảng 470.000 đồng), một người, tùy lựa chọn tham quan. Thành cổ Lệ Giang không thu vé nhưng khuyến khích du khách đóng góp 80 nhân dân tệ (khoảng 270.000 đồng) phí bảo tồn. Cổ trấn Tây Đường bán vé 95 nhân dân tệ (khoảng 320.000 đồng). Tại Việt Nam, các lăng tẩm ở Huế bán vé từ 50.000 đồng đến 200.000 đồng mỗi nơi.
Bà Cẩm cho hay việc tất cả du khách mua vé khi tham quan phố cổ Hội An sẽ tạo một thói quen thể hiện trách nhiệm đối với điểm đến, phát huy giá trị di sản. Khu phố cổ lượng khách đến đông khiến môi trường du lịch, rác thải rất lớn mỗi ngày. "Nếu không có chi phí từ vé tham quan thì việc trùng tu, bảo tồn, cải thiện môi trường du lịch, vệ sinh môi trường, tạo các sản phẩm mới phục vụ du khách khó thực hiện", bà nói.