Vì mọi người đang nói về lương và thu nhập chính thức của nghề giáo có đủ sống hay không nên tôi bảo là không.
Còn việc lấy mác/điểm tựa/cái danh giáo viên để giao tế tìm cơ hội làm việc tay trái khác tăng thu nhập thì nó lại là khía cạnh khác, và nó rất vô chừng: ai có chút lanh lẹ, thức thời và có năng lực đều kiếm thêm được. Và cái này không riêng nghề giáo, làm nghề nào ở xã hội mình cũng khó mà giàu, trừ khi kinh doanh buôn bán gặp thời, hầu như muốn thoát nghèo đều phải làm thêm đủ thứ.
Việc ông anh bà chị bạn chỉ có nguồn thu nhập từ nghề giáo, chỉ dạy ở trường mà ở chung cư vài tỉ, xe xịn, tháng vài chục triệu ăn uống...thì tôi chả tin. Hoặc là gia đình anh chị họ của bạn có của ăn của để từ trước, hoặc là họ có nguồn thu khác ngoài làm nghề mà bạn không biết.
Có bạn nào đó đã bình luận là nghề giáo dạy thêm, tăng giờ đứng lớp để tăng thu nhập...vân vân...nhưng ở trong nghề mới biết tất cả đều có quy định ràng buộc, đâu phải ai muốn tăng giờ thì cứ tăng giờ, ai muốn dạy thêm thì cứ tự do mở lớp dạy thêm đâu.
Có người còn mỉa mai: rên cho lắm sao không bỏ nghề? Tôi cũng xin thưa, với ai thì tôi không biết, với tôi, tiền từ nghề giáo tôi chả đủ sống, nhưng tôi chưa bỏ nghề vì 2 lý do: Một, là vì tôi còn yêu thương học trò, tôi đi dạy không chỉ là làm nghề mà còn muốn truyền lửa tri thức cho các sinh viên tôi, giúp các em nhận thức rõ hơn vai trò của 1 trí thức trong đời sống riêng và đời sống chung của xã hội. "Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ để dành phần ai?". Nhưng, quan trọng nhất là tôi còn có lý do thứ 2, dù với tôi nếu chỉ lương nghề giáo không thì không đủ sống, nhưng tôi không phải dạng bất tài để chỉ làm mỗi việc sáng lên giảng đường tối leo lên giường chờ ngày lãnh lương, tôi làm thêm công việc viết lách, dịch thuật cũng khá ổn, cộng thêm lương chồng ngành IT làm ngoài, chúng tôi có nhà cha mẹ để lại cho ở Sài Gòn, nên so với mặt bằng chung thì gia đình tôi có thể sống trên mức trung bình, tôi không bị nặng gánh áo cơm như các đồng nghiệp để đến mức phải biến chất hoặc bỏ nghề, nếu sinh viên của tôi gặp khó khăn, bệnh tật, thậm chí tôi lấy hết tiền lương ra hỗ trợ để các em có thể tiếp tục học cho xong cái nghề. Có thể các em ra trường sẽ làm trái ngành, nhưng dẫu sao được học hành bài bản một chuyên môn nào đấy thì các em dù làm ở lĩnh vực nào cũng sẽ có nền tảng kiến thức, có khả năng tư duy, có tầm nhìn và có sự tự tin để tồn tại.
Tôi lên tiếng ở đây là vì thấy nhiều người có cái nhìn phiến diện, không ở trong ngành xin đừng nghĩ rằng giáo viên lên lớp quần là áo lượt, lên lớp ít ở nhà nhiều là nghĩ họ nhàn hạ, là nghĩ họ thu nhập cao, họ sung sướng. Đồng nghiệp tôi nhiều khi trong túi không còn đủ hai chục ngàn nhưng vẫn áo quần chỉn chu trước học trò, trước người đời. Đi dạy 5 giờ ra, 8 giờ chưa về tới nhà vì phải tư vấn cho sinh viên các câu hỏi ngoài giờ, hoặc ở nhà cả ngày nhưng không kịp nấu cơm cho chồng con vì phải soạn bài, chấm bài, viết báo cáo, viết tham luận...Đâu phải cứ không có giờ đứng lớp là được ở nhà chơi đâu? Đó là quy chế, là nguyên tắc, là hình ảnh, là tâm huyết của người thầy, đói rã họng nhưng không thể vô trách nhiệm hay nhếch nhác trước học trò được. (Trừ những con sâu mọt trong nghề ra nhé!) Thậm chí, có người vì sĩ diện nên vẫn nhà, vẫn xe bóng lộn như ai, đâu biết nợ nần quay cuồng chồng chất giấu đằng sau?
Có những viên chức giáo dục khó khăn quá, chán nghề, muốn bỏ, nhưng vướng phải ràng buộc, muốn nghỉ ra ngoài làm thì phải đền tiền đào tạo....con số không hề nhỏ, lấy đâu ra mà đền?
Thế rồi lại cứ loay hoay trong vòng luẩn quẩn, có người thiếu bản lĩnh thì biến chất ngay. Đừng nói chuyện đạo đức với những người bụng đói và ví rỗng, vô ích.