Kinhtedothi - 3 dự án: Đường nối Lê Trọng Tấn - Vành đai 3 (quận Thanh Xuân), đường nối Nguyễn Xiển - Xa La (huyện Thanh trì), đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây cũ đều được thực hiện theo hình thức đối tác công tư (PPP) và đều đang gặp vướng mắc.
Hướng đột phá mạnh mẽ
Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Võ Đăng Dũng cho biết, theo quy hoạch, Thanh Xuân có một số tuyến giao thông chính như: Vành đai 2,5, đường Tôn Thất Tùng kéo dài, Vương Thừa Vũ kéo dài…
Trong đó, tuyến đường Lê Trọng Tấn - Nguyễn Xiển là dự án BT đang trong quá trình chuẩn bị triển khai nhưng phải tạm dừng để rà soát theo các Nghị định mới của Chính phủ.
Dự án có tổng chiều dài 2,85km, mặt cắt ngang 30m, 4 làn xe chạy tính cả hai chiều. Dự án đi qua địa bàn các phường: Kim Giang, Khương Đình, Khương Trung, Khương Mai (Thanh Xuân) và phường Đại Kim (Hoàng Mai).
Ông Võ Đăng Dũng nhận định, tuyến đường này rất quan trọng, nối thông từ đường Tôn Thất Tùng đến Nguyễn Xiển, sẽ là một trục chính song song góp phần giải tỏa ách tắc cho các tuyến: Nguyễn Trãi, Lê Văn Lương, Giải Phóng.
Lãnh đạo Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội cũng thông tin, để kết nối 3 Vành đai: 2, 2,5 và 3, TP đã có chủ trương cho đầu tư, xây dựng tuyến đường Lê Trọng Tấn nêu trên.
Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay khi Vành đai 2,5, đoạn Đầm Hồng - Quốc lộ 1 và hầm chui Kim Đồng chuẩn bị được xây dựng, cần đồng thời triển khai dự án đường Lê Trọng Tấn để kết nối đến Vành đai 3.
Cùng trên một trục hướng từ trung tâm TP ra phía Nam và Tây Nam Thủ đô, dự án đường bao quanh khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An, nối Nguyễn Xiển đến Xa La (Hà Đông) cũng có vị trí vô cùng quan trọng.
Các hướng lưu thông từ Thanh Xuân, Đống Đa, Hoàng Mai sẽ được kết nối thẳng đến Hà Đông, Thanh Trì theo một trục song song với Quốc lộ 6 - đường Nguyễn Trãi, và Quốc lộ 1A. Dự án này cũng được triển khai theo hình thức đối tác công tư, loại hợp đồng BT.
Dự án đường bao quanh khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An, nối Nguyễn Xiển đến Xa La (Hà Đông) có vị trí vô cùng quan trọng. |
Tại điểm giao cắt với đường 70, tuyến nối Nguyễn Xiển - Xa La sẽ có một nút giao trên cao, giảm thiểu xung đột, điều hướng phương tiện đi vào trục Phúc La - Văn Phú để tới đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây cũ.
Dự án đầu tư xây dựng đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây cũ cũng thực hiện theo hình thức BT, hiện đã hoàn thành 19km, đưa vào sử dụng. Khoảng 20km còn lại chưa thể thi công.
Từ khi được vào khai thác, 19km hoàn thiện của đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây cũ đã trở thành cứu cánh cho Quốc lộ 21B, Quốc lộ 1A, giảm thiểu tối đa lưu lượng cho 2 tuyến này.
Có thể thấy, 3 mảnh ghép nếu trên có vai trò cực kỳ quan trọng, mở ra hướng lưu thông chiến lược từ trung tâm TP đi Vành đai 3, Vành đai 4, phân giải áp lực cho cửa ngõ phía Nam, Tây Nam Thủ đô.
Dự án hiện còn hơn 100 hộ dân chưa bàn giao mặt bằng. |
Tuy nhiên, cả 3 dự án triển khai theo hình thức PPP này đều đang gặp khó khăn vướng mắc kéo dài, khiến tiến độ chậm trễ, ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình giao thông của toàn bộ khu vực phía Nam Thủ đô.
Cần sự vào cuộc quyết liệt
Ông Trịnh Minh Sơn - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hạ tầng LOD Bắc Việt, DN được giao thực hiện dự án đường Lê Trọng Tấn - Vành đai 3 cho biết, do phải dừng triển khai để rà soát theo Nghị định của Chính phủ nhiều lần nên 10 năm qua, dự án vẫn chưa thể thực hiện các bước thi công.
Cũng theo ông Trịnh Minh Sơn, dự án đã được Chính phủ xem xét, đưa vào danh mục cho phép tiếp tục triển khai theo hình thức BT. DN đã chuẩn bị mọi điều kiện, chỉ còn đợi Hà Nội phát lệnh là sẽ gấp rút triển khai.
Còn đối với dự án đường nối Nguyễn Xiển - Xa La, Lãnh đạo Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội cho biết, do vướng mắc GPMB khu vực nút giao với đường 70 nên còn hơn 100 hộ dân của huyện Thanh Trì và quận Hà Đông chưa bàn giao mặt bằng.
Hiện, quỹ nhà đất tái định cư của huyện Thanh Trì (cho 98 hộ dân) đã chuẩn bị xong, nhưng giá bồi thường, hỗ trợ vẫn chưa được phê duyệt nên chưa thể thực hiện GPMB.
Do chưa có nút giao hoàn chỉnh nên khu vực này thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông rất trầm trọng, là một trong những điểm “đen” đáng lo ngại nhất trên bản đồ giao thông Hà Nội.
Dự án đầu tư xây dựng đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây cũ cũng thực hiện theo hình thức BT, hiện đã hoàn thành 19km, đưa vào sử dụng. Khoảng 20km còn lại chưa thể thi công. |
Lãnh đạo Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội thông tin thêm, dự án đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây cũ lại gặp khó khăn đặc thù khác.
Hiện nay, chủ đầu tư và DN dự án được giao xây dựng tuyến đường này đang có tranh chấp với nhau. Do tranh chấp nên công tác thi công bị đình trệ suốt một thời gian dài vừa qua, đến nay vẫn chưa có giải pháp nào để chấm dứt tình trạng đó.
Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội đã báo cáo Lãnh đạo Thành ủy, UBND TP Hà Nội rà soát lại dự án. Nếu các nhà đầu tư theo hình thức BT tại dự án đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây cũ không triển khai sớm, kiến nghị cho chuyển đoạn tuyến còn lại (khoảng 20km) sang đầu tư công.
Ba dự án giao thông trên một trục vô cùng quan trọng đều đang rất sự vào cuộc quyết liệt, các giải pháp thiết thực tháo gỡ khó khăn từ phía UBND và cơ quan chức năng TP Hà Nội để có thể sớm triển khai.
Thạc sĩ Vũ Hoàng Chung - chuyên gia giao thông nhận định: “Những tồn tại đó đã kéo dài qua nhiều thời kỳ. Đến nay người dân đang rất mong ngóng. Lãnh đạo TP Hà Nội cần đưa ra những quyết sách mạnh mẽ sớm ngày nào hay ngày đó”.