Thế đấy, chính phủ kiến tạo vì dân là đây
Bộ trưởng Thể nói thật về BOT đường độc đạo
(Tin tức thời sự) - Quỹ bảo trì đường bộ mới hình thành mấy năm gần đây. Thời điểm 2013, thu phí bảo trì đường bộ cả nước chỉ được 5.000 tỉ đồng.
Trước những băn khoăn của người dân là đã đóng phí bảo trì đường bộ rồi mà tại sao đi trên đường độc đạo lại vẫn phải mua vé BOT, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết:
Qũy bảo trì đường bộ mới hình thành mấy năm gần đây. Thời điểm 2013, thu phí bảo trì đường bộ cả nước chỉ được 5.000 tỉ đồng, gọi là để bảo trì, duy trì 20.000 km đường. Mấy năm rồi ngân sách còn phải bỏ thêm vào, rồi số lượng phương tiện tăng thì năm nay quỹ mới lên được 10.000 tỉ đồng.
"Quỹ nhỏ vậy nên bình quân chỉ bố trí được 50 triệu đồng/km/năm. Mười mấy km quốc lộ 1 qua Cai Lậy không bố trí được bao nhiêu tiền, nói thật duy tu nhỏ còn khó. Ổ gà chi chít, dặm vá mấy bữa lại hỏng. Còn muốn duy tu lớn thì theo quy định, từ quỹ bảo trì đường bộ, tối đa một dự án không quá 20-30 tỉ đồng.
Mặt khác, quan điểm lúc đó là ưu tiên nguồn vốn ngân sách, quỹ bảo trì cho các dự án giao thông vùng sâu, vùng xa, nơi không có khả năng thu hồi vốn, khó gọi BOT.
Vậy nên chúng tôi phê duyệt BOT Cai Lậy với yêu cầu phải cải tạo, nâng cấp thực sự toàn bộ mặt đường quốc lộ 1 cũ, hệ thống thoát nước, sơn, biển báo. Tinh thần là có thể khai thác ổn định khoảng tám năm mới phải trùng tu.
Tổng giá trị đầu tư cho đoạn đó 380 tỉ đồng, chưa kể chi phí duy trì hết đời dự án thì chủ đầu tư phải chịu, chứ không lấy từ quỹ bảo trì đường bộ", ông Thể giải thích với Pháp luật TP.HCM.
Người dân phản ứng BOT Cai Lậy
Liên quan đến những vấn đề xung quanh BOT Cai Lậy, trả lời về phương án phân luồng giao thông từ xa để xe tải, xe khách… phải đi qua đường tránh thay vì trốn trạm vào quốc lộ 1 cũ, Bộ trưởng Thể nhấn mạnh:
"Lúc nghiên cứu, anh em tính toán hết nhưng thực sự rất khó. Tuyến tránh ngoài nhiệm vụ giảm tải cho quốc lộ 1 hiện hữu còn nhằm phát triển đô thị Cai Lậy. Vậy nên rất nhiều tuyến đường ngang kết nối giữa đường tránh, đường cũ.
Nếu chỉ đặt trạm trên tuyến tránh, tài xế sẽ rẽ vào các đường ngang né phí, vừa phá hỏng đường vừa mất an toàn cho người dân địa phương.
Mặt khác, thời điểm đó nhiều dự án BOT tuyến tránh khác đều chọn giải pháp đặt trạm đón đầu như hiện tại. Chúng tôi khó làm khác. Mà làm theo cách phân luồng vậy thì dễ bị bắt bẻ là không cho tài xế lựa chọn đường đi.
Tóm lại, nếu đặt trạm thu phí trên tuyến tránh thì sẽ không thể đạt mục tiêu tổng hợp của dự án: Cải thiện giao thông nội thị Cai Lậy, ảnh hưởng hiệu quả tổng hợp của chủ trương cải tạo, nâng cấp toàn tuyến quốc lộ 1 và không có khả năng kêu gọi đầu tư".
Trả lại trạm BOT Cai Lậy nếu...
Trao đổi với Tiền Phong về phương án chi ngân sách nhà nước mua lại trạm thu phí BOT Cai Lậy, Ông Nguyễn Phú Hiệp, Giám đốc Cty TNHH Đầu tư Quốc lộ 1 Tiền Giang - chủ đầu tư dự án BOT Cai Lậy (Tiền Giang) cho rằng:
"Với phương án mua lại trạm thu phí, Nhà nước phải bỏ ra một số tiền lớn. Là nhà đầu tư có trách nhiệm, chúng tôi mong xây dựng một dự án vừa mang ý nghĩa về mặt xã hội, vừa mang lại lợi ích kinh tế, không muốn trở thành gánh nặng cho ngân sách nhà nước.
Dưới góc độ nhà đầu tư, chúng tôi sẵn sàng trả lại trạm nếu Nhà nước trả đủ tiền. Nhưng mong được nhìn nhận vấn đề khách quan, toàn diện và lâu dài. Bởi người lao động là nòng cốt của doanh nghiệp, đằng sau doanh nghiệp là hàng trăm gia đình có con em đã và đang cống hiến cho dự án. Do đó, chúng tôi mong người dân đồng cảm với doanh nghiệp và hiểu đúng bản chất dự án".
Trước việc có một số đối tượng "lạ mặt" tới trạm thu phí để đe dọa các lái xe dừng ở trạm quá lâu, ông Hiệp khẳng định, đó không phải là người của công ty.
"Tất cả nhân viên công ty đều mặc đồng phục và được quán triệt không được phép to tiếng hay ăn nói khiếm nhã, hành xử thiếu kiềm chế với lái xe. Đồng thời, chúng tôi không thuê "đầu gấu" để dọa nạt lái xe như các thông tin trên mạng", Giám đốc Cty TNHH Đầu tư Quốc lộ 1 Tiền Giang nhấn mạnh.
Ngọc Lan (Tổng hợp)