5. Xe ô tô.
Ở miền bắc thời bao cấp gần như không có khái niệm xe hơi cá nhân, xe ô tô con là xe của cán bộ cấp cao vì vậy thời đó xe ô tô con là biểu hiện của quyền lực và sự hơn người.
Xe sĩ quan quân đội thường là UAZ, Gaz, Romania. Xe cán bộ cấp bộ, sở là Volga, Lada. Xe giám đốc công ty quốc doanh thì đủ loại nhưng phổ biến nhất là UAZ và Lada. (em không nhớ rõ lắm về các tiêu chuẩn, các cụ biết có thể bổ sung)
Một ông cấp tá nào đó đi ô tô ghé về làng, trẻ em sẽ chạy theo hàng đàn. Được đứng cạnh xe ngửi mùi xăng, được chạm tay vào mui xe còn hơi âm ấm là một vinh dự khiến nhiều đứa khác phải ghen tị. Thường thì người nhà sẽ cắt cử một người ra trông xe, nói là để phòng trẻ con nó nghịch hỏng xe nhưng thật ra cũng là một kiểu ra oai, ý là cho mọi người biết cái xe này là vào thăm nhà tôi đấy!
Sĩ quan ngày đó dáng thường gày gò, bụng không phệ, tác phong từ quân tới tướng đều nhanh nhẹn, mặt lúc nào cũng nghiêm túc nhưng thân thiện, gặp ai chào đấy dù lời chào rất ngắn gọn "chào cụ ạ, chào bà ạ...", đôi khi có kèm theo lời hỏi thăm sức khỏe.
Chủ nhà thường mổ gà làm cơm - giết gà đãi khách là nghi thức cao nhất để tỏ lòng hiếu khách trong giai đoạn khó khăn đó, còn món quà quý nhất khách dành cho mọi người là những câu chuyện tình hình thời sự, đặc biệt là những tin tức về cuộc chiến BGPB giữa ta và TQ.
Bữa cơm sẽ có vài chén quốc lủi, đủ dùng nhưng không say sưa. Sau bữa cơm khách lên xe ra về nhưng những câu chuyện liên quan chuyến viếng thăm này sẽ còn được người làng nhắc tới nhiều trong vài ngày sau đó, xen lẫn vẻ tự hào.
Ở khối dân sự, lái xe cho cán bộ thường phải là người thân cận, được tin tưởng về nhiều mặt, Vì vậy, người lái xe luôn là một đầu mối quan trọng để những người khác hướng tới khi có việc phải nhờ vả, xin việc, xin chữ ký... nhiều tay lái xe tinh nhanh đã kiếm chác khá nhiều nhờ vào vị trí công việc này.
Trong giới lái xe thời đó, được thích nhất và cũng bị ghét nhiều nhất là những ông lái xe tải đường dài do dễ mang hàng lậu. Hàng lậu hồi đó chỉ là những thứ hàng tiêu dùng rất bình thường bán đầy ở chợ hay tạp hóa bây giờ, đó là vải, áo quần, giầy dép, mỳ chính, phụ tùng xe đạp, cả bật lửa và đá lửa nữa!
Những ông này kiếm ăn khá, thường giầu có và có con rơi ở nhiều nơi.
Xe khách thì có hai loại phổ biến: xe Hải Âu do LX sản xuất, xe đẹp, ghế nệm êm ái nhưng người ta nói đi xe này bí, hay bị say.
Loại thứ hai là xe ca do VN tự đóng trên khung cơ sỏ và động cơ IFA w50, sử dụng rất nhiều chi tiết gỗ như ghế ngồi, lót sàn. Vành tay lái hình như bọc bằng mây. Em không nhớ rõ ở đâu đó trên những chiếc xe này người ta có gắn một tấm biển nho nhỏ cỡ khoảng 6x9cm với dòng chữ "sản xuất tại nhà máy đóng xe ca 1-5 năm 198x..."
Xe không có bộ đề máy, các bến xe thường làm cái dốc nhỏ để khi về bến thì tài cho xe đỗ vào đó, khi xuất bến thì lợi dụng dốc để nổ máy.
Nếu máy không nổ hoặc dọc đường chết máy thì hành khách phải xuống đẩy để nổ máy.
Nghề lái xe khách không kiếm được nhiều như lái xe tải, nhưng cũng là khá so với nhiều nghề khác thời bấy giờ