Câu chuyện về thời bao cấp ở miền Bắc thì nhiều, em xin đóng góp một vài suy nghĩ về những gì em cảm nhận được hồi đó (dù còn nhỏ) và nhận thấy hệ lụy của nó vẫn còn đến bây giờ
1. Sợ trách nhiệm.
Người dân đến liên hệ với cơ quan chức năng để làm một việc gì đó, nếu việc này có vẻ không rơi vào trường hợp cơ bản thì gần như sẽ bị chối phắt vì người ký sợ bị liên luy. Có trường hợp khóc lên khóc xuống vì học bạ thất lạc, khi làm lại thì không thể nào xin được chữ ký của một giáo viên bộ môn đã chuyển vùng. Trong khi đó hiệu trưởng hoàn toàn có thể ký hoặc đóng dấu xác nhận vì toàn bộ thông tin học sinh vẫn còn lưu trong sổ điểm nhà trường. Ông này không dám làm vì sợ "làm thế là trái nguyên tắc". Đưa con Ngan Nằm mà vẫn không nhận, trả lại bảo về mà cố gắng liên hệ với giáo viên đó đi.
Bệnh sợ trách nhiệm vẫn còn kéo dài đến ngày nay, và nguy hiểm hơn khi nó được kết hợp với bệnh "đúng quy trình". Tức là hoặc sợ không dám làm vì lợi ích của dân hoặc chỉ làm khi có lợi ích riêng.
2. Đi báo công an
Trong xã hội khép kín, bị định hướng về tư tưởng và luôn trong trạng thái nghi ngờ có những kể xấu sẵn sàng làm hại. Ngoại trừ những chuyện liên quan đến an ninh trật tự như trộm cắp, cướp của, đánh nhau thì người ta thường báo công an (hoặc dọa báo công an) trong một số trương hợp sau:
Việc làm đầu tiên khi có người thân phương xa tới thăm, ngủ lại nhà là phải đi báo công an để chứng tỏ không phải là kẻ gian hoặc có âm mưu gì mờ ám.
Nhà này thấy nhà kia bỗng dưng có nhiều hàng hóa, thấy ghét có thể đi báo công an để khám nhà xem có phải là buôn lậu hoặc đầu cơ tích trữ hàng hóa hay không.
Tối nghe đài tiếng nho nhỏ, thấy hàng xóm sang tắt vội đi --> chắc là nghe đài địch (BBC). Thầm thì nửa đùa nửa thật "cho nghe cùng không là báo công an"
Học sinh đánh nhau thầy cô dọa báo công an.
Cháu không vâng lời bà cũng dọa báo công an.
Nhưng mất gà hay quần áo thì thưởng chửi vung vãi cả xóm chứ không báo công an
Ngày nay thông thoáng hơn và thời nào xã hội cũng cần phải có trật tự - việc báo công an trong một số trường hợp là cần thiết nhưng thói quen "báo công an" vô tội vạ hình như vẫn còn hiện diện trong thói quen hành xử, nhất là trong trường học và chuyện ở nhà bà cháu dạy nhau
3. Ghét người giàu, đặc biệt là những người làm nghề buôn bán
Hàng hóa sản xuất không lưu thông được vì ngăn sông cấm chợ, những tiểu thương (hàng xén, tạp hóa, người buôn chuyến) đã đóng vai trò quan trọng đưa hàng hóa đi tới mọi vùng miền theo các cách thức khác nhau, hầu hết là trái luật, Vì vậy:
- Những người này luôn nằm trong tầm ngắm của quản lý thị trường, có thể bị úp sọt bất cứ lúc nào nếu không có tay trong. (có tay trong thỉnh thoảng vẫn bị khi có đoàn ở cấp cao hơn về)
- Những người này bị dân gọi là "buôn gian bán lận", "gian thương" và trong mắt dân họ là xấu xa, là bóc lột. Các bức tranh đả kích thường mô tả họ bằng hình ảnh bà hàng xén đẫy đà béo tốt, người đầy lụa là, cổ đeo vòng vàng, tay ngẫn mỡ và mắt nhìn khinh khỉnh.
Người dân không nhận thức được là nhờ lớp "gian thương" này mà họ có thể mua được rất nhiều nhu yếu phẩm phục vụ cuộc sống và sản xuất, những thứ mà ở các cửa hàng mậu dịch quốc doanh không phải lúc nào cũng có, và khi có chưa chắc mình được quyền mua. Và để được giầu như thế họ phải lao động, tính toán và vất vả rất nhiều.
Tâm lý ghét người giầu vẫn còn để lại nhiều hệ lụy xấu sau này, điển hình là ra đường va quẹt thì người ta cho rằng thằng giàu hơn (ô tô) phải đền thằng nghèo hơn (xe máy).
Còn nhiều cái khác khi rảnh và thread chưa chìm em sẽ post tiếp