Cà fê Hà Nội
Người HN xưa nay có thói quen ăn quà sáng lưng lửng dạ, rồi làm 1 tách cafê nóng – vừa tỉnh táo, lại vừa thư thái sảng khoái đầu óc trước khi bước vào 1 ngày mới. Chả thế mà những quán café hồi ấy (và có lẽ cả bây giờ nữa) lại không hề bề thế, đèn đuốc sáng trưng, mà bé nhỏ khiêm tốn nằm rải rác xen giữa những hàng quà. Sáng sáng dạo qua các khu phố cổ hẹp quanh co chợt thấy ngồ ngộ tròn tròn những nấm ngưòi quây quần ấm cúng, hệt như một đại gia đình sum họp trước mỗi dịp lễ lớn. Không cần bàn, chẳng cầu kỳ ghế tựa, nhiều khi tách cafê bưng ra đặt trên một cái ghế đẩu con con tạm gọi là bàn, lưng xoay ra. đôi mái đầu nghiêng chụm bên tách cafê mới pha nóng hổi, ngầy ngậy thơm, dìu dịu đắng... – rồi câu chuyện bắt đầu.
Có điều là lạ là hầu như không mấy quán café có không khí ồn ào náo nhiệt. Người rì rầm trao đổi, bàn bạc, ngưòi lại trầm tư lơ đãng. Không ai can thiệp hay tò mò để ý tới ai. Một không khí trầm, ấm cúng nhưng cũng rất riêng tư. Có lẽ sắc nâu và vị cafe đắng khiến người ta trầm hơn, tạm thời lắng xuống những lo toan vất vả của đời thường.
Đất nước thời mở của, HN với dáng vẻ tĩnh mịch cổ xưa cũng vươn mình đón những thay đổi mới. Nền kinh tế thị trường làm sôi động đất Hà Thành với hàng hoá tràn ngập, đáp ứng những nhu cầu mới, thị hiếu mới. Người HN bận rộn hơn, ít có giây phút lãng đãng hơn; nhà cao hơn, cửa rộng hơn; xe cộ đi lại đông hơn, không khí thành phố trở nên khẩn trương... và các quán café cũng ít nhiều thay đổi theo cơ chế mới. Xuất hiện những quán trà mới kiểu phương Tây, (trước là Lipton, rồi đến Dilmah, Qualitea...); rồi trà Đài loan, trà Singapore, trà Nhật Bản ... với trang trí mang tính thẩm mỹ, nội thất cầu kỳ, khá ấn tượng với không gian rộng và trang thiết bị nghe nhìn hiện đại. Càfê theo kiểu phương Tây cũng du nhập vào VN, phục vụ phổ biến tại khách sạn, quán bar với các style nổi tiếng như Esperranso, Capucino... nhưng xem chừng dân HN không mấy mặn mà với những style này cho lắm: nhạt, nhiều, cafein tách đến mất hết cả vị đắng truyền thống kiểu Việt Nam. Cà fê Trung Nguyên vốn là gu Sài Gòn cũng ồ ạt tràn ra thử chiếm lĩnh thị trường miền Bắc. Công nhận là hãng này chịu khó tìm tòi điều chỉnh công thức pha chế sao cho phù hợp với gu của dân xứ lạnh, nhưng cũng chỉ đáp ứng phần nào, chủ yếu là phục vụ giới trẻ và những người tiêu dùng theo thị hiếu. Còn thì đa số dân ghiền cafê vẫn trung thành tìm đến những quán café quen thuộc nổi tiếng xưa kia. Một điều thú vị là một số quán cũ này, dù rằng dến nay không còn nhiều nữa, vẫn không thay đổi phong cách chạy theo thị hiếu mới. Bạn vẫn có thể bắt gặp những gian nhà với khung cửa thấp, hẹp, bàn ghế gỗ giản dị xỉn màu thời gian như Café Lâm ở Nguyễn Hữu Huân, Café Năng phố Hàng Bạc , Café Nhĩ số 3 Hàng Gà, Café Giảng đầu Hàng Gai, Café Nuôi ở Lương Văn Can, Café Nghĩa ở Hàng Da , Café Nhân ở Nguyễn Thái Học. Đầu Nguyễn Du xen giữa những hàng phở cũng có một quán khá đông khách mà tôi quên mất tên, rồi Café Thái đầu Triệu Việt Vương, Café Quất ở Quan Thánh (đặc cực kỳ)... Mới xuất hiện gần đây và có thay đổi một chút về phong cách thì có Café Quỳnh (của diễn viên ĐA Như Quỳnh) đầu phố Bát Đàn, Café Bùi Bài Bình ở Lê Đại Hành... Café Mai ở Lê Văn Hưu, mà trước đây chỉ chuyên rang xay cafe giờ lại mở thêm cửa hàng phía bên kia đường, phục vụ khách có nhu cầu thưởng thức, cũng vừa quảng cáo luôn.
Một quán café, mà sẽ là thiếu sót nếu không đề cập đến trong bài này, là Café Nhân Hàng Hành. Café cụ Nhân nổi tiếng khắp Hà thành một thời, bây giờ lại được con cháu cụ nối tiếp nghề ông cha. Trải qua nhiều cải tạo và nâng cấp, quán giờ đã là 1 toà nhà nguy nga 5 tầng phục vụ đủ loại dịch vụ ăn uống giải khát mà khách khỏi phải mất công ra ngoài quán. (Mà bạn còn có thể dùng dịch vụ rửa xe nữa cơ đấy, trong khi đang nhàn tản cùng chúng bạn. Nếu thích VIEW, mời bạn lên tầng bốn, thích riêng tư thì ngồi tầng lửng. Tuy nhiên, theo cá nhân tôi, thì không khí đông đúc, TV ồn ào những bài hát nhạc trẻ sôi động, kinh doanh đồ uống kèm theo đồ ăn hay fastfood sẽ làm giảm hương vị tách cà fê của bạn đi rất nhiều. Và thường là khi kinh doanh quá nhiều thứ như thế, dù muốn hay không, chất lượng cafê sẽ bị ảnh hưởng, bên cạnh vô vàn thứ đồ uống không qúa cầu kỳ trong pha chế. Dù rằng vậy, trong nhịp sống khẩn trương như hiện nay, không thể phủ nhận rằng việc gộp nhiều mặt hàng kinh doanh tại một nơi quả thực đem lại sự tiện lợi không nhỏ cho các Thượng đế quỹ thời gian vốn đã eo hẹp.
Những khi có chút thời gian thư giãn, tôi thường đến quán cafê Nhân ở Láng Hạ. Vì là gần nhà, và cũng do thói quen. Không quá đông đúc, không ồn ào, cho dù không nằm trong thành cổ, không còn bàn ghế giản dị sơ sài như xưa, nhưng tách cafê đậm đà cũng nhắc tôi nhớ đến cảm giác và không khí đầm ấm nơi phố cổ, nơi tôi đã từng sống với những kỷ niệm êm đềm.
Bạn thân mến, nếu muốn tìm giây phút thư thái, và e phải có chút "duyên nợ" với cafê (vì nhiều bạn không hợp với loại đồ uống này), bạn có thể hoà mình vào gia đình nho nhỏ ấy ( mà lắm khi cũng chẳng nhỏ bé gì cho cam, nhất là vào buổi sáng : tràn ra tận vỉa hè, vai chen vai, lưng đụng lưng, khuỷu huých khuỷu..) nhâm nhi tách cà fê đen đặc sánh đậm chất Hà Nội, trong không khí trầm, ấm cúng, nghi ngút khói cafê quyện vị dìu dịu ngọt, nhân nhẩn đắng, ngầy ngậy chút bơ... thơm và quyến rũ đến lạ lùng!
Ôi nếu phải xa HN, ngoài nỗi nhớ người thân, hẳn tôi cũng sẽ nhớ da diết hương hoa sữa nồng nàn đặc trưng, nhớ dáng vẻ trầm mặc thư thái của phố phường Hà Nội..., và trong nỗi nhớ ấy tôi sẽ thèm lắm một tách cafê đen, thèm được hoà mình trong sự đùm bọc của cái gia đình nho nhỏ,lạ , mà lại thân thương ấy !
( Choc- vợ lão buloonggi(l))