Chiêu trò niêm yết: Cháy nhà cũng không ra mặt chuột
Để được gắn cái mác “niêm yết”, không hiếm doanh nghiệp đã động não tìm đủ chiêu trò nhằm thỏa mãn những quy định của hai sàn HOSE và HNX. Câu chuyện tìm ra cổ phiếu tốt để rót tiền của nhà đầu tư dường như sẽ khó khăn hơn khi thông tin về các doanh nghiệp đã bị làm nhiễu một phần.
Theo công bố của UBCKNN, trong năm 2015 có 47 doanh nghiệp được niêm yết mới trên hai sàn HOSE và HNX. Kết quả kinh doanh đã công bố của phần lớn doanh nghiệp mới niêm yết trong 9 tháng đầu năm khá khả quan. Trong đó, một số doanh nghiệp đã tạo được dấu ấn trên sàn khi có lãi ròng khá lớn, vượt mặt nhiều cổ phiếu đã niêm yết trước đó.
Những doanh nghiệp mới lên sàn trong năm 2015
Nguồn:
VietstockFinance
Bước qua năm 2016, tuy mới chỉ có vài phiên giao dịch đầu năm trôi qua, nhưng đã xuất hiện thêm khá nhiều mã đang triển khai việc niêm yết mới như Xây dựng Và Đầu tư Sông Đà 9 (HNX:
SCI), May Phú Thành (
MPT), Xây dựng Thương mại và Khoáng sản Hoàng Phúc (
HPM), Thủy điện Sê San 4A, Phát triển Khu công nghiệp Tín Nghĩa, Đầu tư phát triển công nghiệp và Tư vấn dự án quốc tế
KPF.
Đây cũng chính là cơ hội để nhà đầu tư có thể tìm ra được những cổ phiếu mới đang tăng trưởng để cơ cấu vào danh mục đầu tư của mình.Tuy nhiên, hàng giả tiền thật luôn là câu chuyện đáng lo ngại bởi có một số doanh nghiệp vì nhiều mục đích đã thực hiện những chiêu trò tinh vi ngay từ những ngày đầu niêm yết trên sàn chứng khoán.
Dưới đây là một số chiêu trò hay gặp đối với các cổ phiếu niêm yết mới mà nhà đầu tư cần lưu tâm.
Cổ đông chân gỗ
Theo quy định của HNX và HOSE, để được niêm yết trên sàn chứng khoán, các công ty phải có tối thiểu 15% cổ phiếu có quyền biểu quyết của công ty do ít nhất 100 cổ đông không phải cổ đông lớn nắm giữ. Vì vậy để có thể vượt qua những quy định thì chiêu thức mà các doanh nghiệp hay sử dụng là phân bổ cổ phiếu từ những cổ đông lớn sang những cổ đông chân gỗ trong thời gian ngắn nhằm gia tăng số lượng cổ đông phổ thông lên hơn 100 người. Vì vậy khi bản cáo bạch của doanh nghiệp được công bố, danh sách cổ đông nắm giữ hơn 5% cổ phần chỉ có vài người, trong khi phần lớn cổ phần còn lại được chia nhỏ cho một lượng lớn cổ đông - hơn 100 người trong thời gian ngắn trước niêm yết. Câu hỏi đặt ra là số lượng cổ phiếu thực tế mà ban lãnh đạo công ty đang nắm giữ là bao nhiêu?
Đáng chú ý là dạng công ty mới lên sàn này thường có một điểm chung khác là giá cổ phiếu thường có thanh khoản khá cao. Thậm chí dấy lên hoài nghi về việc liệu có sự bắt tay của cổ đông lớn và đội lái để tạo ra những phiên “đè” và “xả” để tạo giá trên thị trường. Nếu nhà đầu tư theo dõi cổ phiếu thường xuyên sẽ phát hiện nhiều phiên giao dịch có khối lượng giao dịch khủng với tổng khối lượng chuyển nhượng trong T+2 lên gần 70% số cổ phiếu trôi nổi ngoài thị trường.
Chưa kể, lượng cổ phiếu được phân tán và chẻ nhỏ một cách nhanh chóng trước thời điểm niêm yết cũng được tính toán để không ai là cổ đông nội bộ - chẳng ai là cổ đông lớn. Theo đó, nhóm cổ đông mới này thoát được quy định giới hạn chuyển nhượng dành cho cổ đông nội bộ khi niêm yết cổ phiếu lên sàn hay có thể dễ dàng che mắt mọi giao dịch sau đó bởi đã né được trách nhiệm của cổ đông lớn.
Tăng vốn ảo
Một số điểm chung dễ dàng nhận thấy của các công ty chiêu trò là việc tăng vốn nhanh trước 31/12 – ngày chốt sổ sách kế toán năm với mức tăng vốn là khá lớn, lên gấp hàng chục lần. Mục tiêu của hành động này là thỏa quy định về điều kiện niêm yết là doanh nghiệp cần phải có vốn điều lệ đã góp tại thời điểm đăng ký niêm yết trên một con số cụ thể, theo quy định của từng sàn. Đối với HNX là từ 30 tỷ đồng trở lên và HOSE là 120 tỷ đồng tính theo giá trị ghi trên sổ kế toán.
Bên cạnh đó, với lượng vốn điều lệ cao hơn cũng đồng nghĩa với việc số lượng cổ phiếu niêm yết trên thị trường sẽ lớn hơn. Điều này sẽ gây ấn tượng cho nhà đầu tư về một doanh nghiệp vốn hóa lớn mới lên sàn. Khi số lượng cổ phiếu trôi nổi cao hơn thì các đội lái cũng có cơ hội để nâng tính thanh khoản ảo với khối lượng giao dịch trong phiên khá lớn bằng các giao dịch mua tay trái bán tay phải. Một cổ phiếu thanh khoản cao, vốn hóa lớn chắc chắn sẽ hấp dẫn nhà đầu tư hơn là một chứng khoán chỉ có vài triệu cổ phiếu lưu hành, khối lượng giao dịch thấp.
Một đơn vị niêm yết mới vào giữa năm qua có vốn điều lệ trong năm 2013 tăng lên cả trăm tỷ đồng so với năm trước. Tuy nhiên, số vốn thực góp của doanh nghiệp đến hết 2013 chỉ hơn 50% trên giấy tờ và đến năm tiếp theo, lãnh đạo mới thực hiện góp thêm vốn, trong đó thực hiện góp vốn bằng tài sản như đất đai. Câu hỏi mà nhà đầu tư cần đặt ra là liệu giá trị thực của những tài sản này có đúng như những gì ghi nhận trên sổ sách kế toán của công ty?
Hay tại một trường hợp khác mà tốc độ tăng vốn còn thần tốc hơn. Năm 2010, khi công ty được thành lập thì vốn điều lệ ban đầu chỉ ngót ngét vài tỷ đồng. Tuy nhiên chỉ trước vài tháng so với ngày đăng ký niêm yết, qua hai lần tăng vốn chỉ cách nhau vài ngày, công ty trở thành doanh nghiệp với vốn chủ sở hữu hàng trăm tỷ đồng. Tốc độ tăng vốn thần kỳ này đã “thổi phồng” quy mô đơn vị này lên gấp hàng chục lần, chỉ trước 1 ngày so với ngày chốt sổ sách kế toán năm.
Đẩy lãi vượt trội trước niêm yết - kéo ROE đạt chuẩn
Đối với loại hình công ty đại chúng thì nhà đầu tư phải gánh chịu chi phí đại diện khi có hiện tượng bất cân xứng thông tin giữa cổ đông - nhà đầu tư, những người chủ thật sự của doanh nghiệp và giám đốc - người đại diện họ điều hành công ty.
Thứ duy nhất cung cấp thông tin về hoạt động của doanh nghiệp cho nhà đầu tư chính là các báo cáo mà công ty cung cấp như báo cáo tài chính, bản cáo bạch niêm yết... Tuy nhiên, đôi lúc những báo cáo của đơn vị lại không phản ánh đúng tình hình của công ty bởi chúng đã được đánh bóng và thổi phồng con số lợi nhuận. Kết quả kinh doanh tăng trưởng rất đột biến trong vài năm trước thời điểm niêm yết mặc dù ở giai đoạn liền trước rất bết bát. Ngoài ra, cũng có trường hợp khéo léo “bỏ lơ” số liệu quá khứ bằng cách chỉ công bố sát sạt những gì thật sự bị bắt buộc công bố. Đây chính là dấu hiệu nhà đầu tư cần lưu tâm khi soi xét một đơn vị niêm yết mới trước khi “xuống tiền” bởi phải xác định lại có hay không việc làm đẹp báo cáo và “nâng” doanh nghiệp lên chuẩn niêm yết.
Bên cạnh đó, ROE trong năm trước niêm yết trên 5% cũng là một điều kiện tiên quyết để cổ phiếu công ty được niêm yết trên sàn chứng khoán.Điều này khiến cho doanh nghiệp tìm mọi cách để làm đẹp sổ sách kế toán và nâng lợi nhuận năm cận kề niêm yết. Có doanh nghiệp ROE năm 2013 chỉ có hơn 3% nhưng đến năm 2014 đã tăng lên gấp đôi. Thậm chí có trường hợp ROE năm 2014 tăng gần 6 lần so với con số ROE đạt 1-2% của năm trước.
Những kết quả “vượt trội, đột biến” này đều được giải trình bằng hoạt động kinh doanh được cải thiện hay doanh thu tăng. Tuy nhiên, con số lãi ròng thực sự là như thế nào thì chỉ có những người quản lý doanh nghiệp mới biết được.
Hậu lên sàn là in giấy lấy tiền
Mới niêm yết chưa được 1 năm thế nhưng nhiều doanh nghiệp đã liên tiếp nối đuôi nhau thực hiện phát hành thêm cổ phần. Điều này sẽ không quá ngạc nhiên đối với doanh nghiệp đang trên đà tăng trưởng và cần thêm một lượng vốn để gia tăng đầu tư vào các dự án giá trị đem lại lợi nhuận cho doanh nghiệp trong tương lai. Tuy nhiên câu hỏi được đặt ra là liệu những dự án mà doanh nghiệp rót vốn có xứng đáng đồng tiền bát gạo, hay thực sự chỉ là những “dự án ảo” hay rút tiền cổ đông thông qua sân sau là đơn vị liên quan đến ban lãnh đạo? Vài năm trước, đã có doanh nghiệp thực hiện tăng vốn gấp đôi lên vài ngàn tỷ đồng chỉ trong vài tháng sau khi niêm yết thành công bằng hình thức phát hành thêm gần cả trăm triệu cổ phần. Chưa dừng lại tại đó, công ty tiếp tục tăng số lượng cổ phiếu niêm yết lên thêm vài chục triệu cổ phần trong năm tiếp theo. Hiệu quả sử dụng vốn huy động đến đâu thì đến nay vẫn chưa biết được nhưng nhà đầu tư đang phải gánh chịu thiệt hại không nhỏ khi giá cổ phiếu lao dốc thảm khốc và thị giá giờ đây chỉ bằng “cốc trà đá”.
Có khá nhiều chuyên gia và nhà đầu tư lâu năm nhận định hành động này rất có thể là chiêu trò nhằm mục tiêu hút tiền từ những nhà đầu tư thiếu cẩn trọng. Nếu cổ phần được phát hành thêm không được đăng ký mua hết hoặc nhà đầu tư từ bỏ quyền, các lái hay thậm chí là cổ đông nội bộ của công ty sẽ mua vào. Câu hỏi được đặt ra là tiền đâu để mua? Nhìn nhận từ báo cáo tài chính sau phát hành thêm của 1 số doanh nghiệp chiêu trò thì tiền mặt không tăng nhưng các khoản mục khác như khoản phải trả hoặc tài sản sẽ được gia tăng để ghi nhận vốn chủ sở hữu tăng tương ứng với số lượng cổ phần phát hành thêm.
Sau khi phát hành thêm và niêm yết cổ phiếu bổ sung trên sàn, ở bước kế tiếp, các lái sẽ nâng giá cổ phiếu với khối lượng khớp lệnh lớn trong một thời gian nhằm tạo cơn sốt và thu hút dòng tiền. Đến lúc này, trò chơi sang tay chính thức bắt đầu, cổ phiếu sẽ từ những cổ đông cũ chuyển nhượng qua cổ đông mới của công ty. Giá trị công ty có thể là giả, nhưng khoản tiền nhà đầu tư mới bỏ ra để mua cổ phiếu chắc chắn là thật.
Thu tiền bỏ chạy
Tìm đủ mọi cách để được niêm yết, vẽ ra một tương lai tốt đẹp về doanh nghiệp nhưng khi vừa hết thời gian hạn chế chuyển nhượng theo quy định thì cổ đông lớn - những người giữ chức vụ chủ chốt trong công ty như Tổng giám đốc hoặc Chủ tịch HĐQT lại bán hết số cổ phần mình đang nắm giữ. Đó là chưa kể đến lượng cổ phần đã được đẩy qua “người không liên quan” và “cổ đông nhỏ lẻ” trước niêm yết để không bị giới hạn chuyển nhượng cũng như có thể âm thầm giao dịch ngay từ ngày chào sàn. Câu hỏi được đặt ra là liệu có hay không cuộc tháo chạy của những người chủ doanh nghiệp?
Cũng có đơn vị mà HĐQT, Ban kiểm soát và Ban điều hành đều đăng ký bán với số lượng lớn cổ phiếu cách nhau chỉ vài ngày. Thậm chí có cả trường hợp, các cổ đông trong công ty âm thầm mua bán cổ phiếu nhưng không báo cáo cho UBCKNN với khối lượng chuyển nhượng lên tới cả triệu cổ phiếu trong khi tổng số lượng cổ phiếu niêm yết chỉ khoảng tầm vài chục triệu .
Đáng chú ý là trường hợp công ty mới niêm yết chưa được 1 năm, gia đình tổng giám đốc công ty vì “không biết quy định” về hạn chế chuyển nhượng cổ phiếu nên đã đăng ký bán hết toàn bộ số cố phiếu mà mình đang nắm giữ để đầu tư riêng trong một dự án khác. Tuy nhiên, thời điểm cổ phiếu được bán ra lại gần với thời điểm nhạy cảm là ĐHĐCĐ thông qua kế hoạch tăng vốn để phát triển công ty./.