Cách đây 30 năm, KTS vẽ tay, với bút kim Rotring, thước dài, thước équerre... KTS chủ trì vẽ phác thảo, và cả 1 đội hoạ viên, tốt như trung cấp vẽ triển khai. Ở VN hay ở Pháp đều vậy cả.
Sau đó Autocad bắt đầu được sử dụng. Các KTS bắt đầu vẽ máy tính, đội hoạ viên bắt đầu thất nghiệp, vì không theo kịp. Việc vẽ máy tính dành cho các KTS trẻ, vì họ nhanh nhẹn tiếp thu công nghệ hơn.
Thời gian trôi đi, việc vẽ bằng máy tính trở nên đương nhiên, các KTS trẻ ở Pháp, thế hệ sinh sau 1980, quen dần với chuyện tìm ý trên máy tính trực tiếp, nên vẽ tay rất kém.
Dần dần, tre già măng mọc, các KTS trẻ hơn thành thạo các phần mềm mới, họ trở thành lực lượng sản xuất chủ lực của các văn phòng kiến trúc, các Cadman, Revitman..
Trong 1 đồ án kiến trúc, phần hứng thú nhất là phần lên ý tưởng. Phần việc này là phần khiến cho người ta thích nghề kts. Tiếc rằng nó chỉ chiếm vài phần trăm trong khối lượng công việc. Phần vẽ triển khai, kỹ thuật mới là nhiều... Và việc tìm ý chỉ có vài người nòng cốt trong văn phòng làm, những người còn lại làm phần việc vất vả, và nhàm chán.
Ở Pháp, trước kia có đào tạo các hoạ viên để giúp việc cho KTS. Họ không được đào tạo để có óc tưởng tượng, mà được đào tạo tính nghiêm túc, chính xác, cẩn thận. Ở VN trước những năm 90 cũng vậy. Với sự xuất hiện của máy tính, nghề kts đã thay đổi sâu sắc. Lực lượng hoạ viên teo tóp, và hiện nay ở Pháp đã biến mất, các KTS trẻ thay thế họ.
Điều đáng tiếc ở chỗ, khi ở trong trường, các KTS được dạy để có đầu óc tưởng tượng, dám làm điều khác biệt, và có óc phê bình... các phẩm chất rất quan trọng, và là thú vị nhất của nghề này. Đến khi ra trường, họ bị dội 1 gáo nước lạnh, họ phải làm việc như các công nhân, chính xác, lặp đi lặp lại, không có sáng kiến nhiều. Mới đây báo Pháp đã có một bài điều tra, khảo sát, chỉ ra rằng nghề kts đang thoái trào, và phải có cải cách.