Vụ này thì em không buồn, vì không phải ruột thịt của em, em chỉ cảm thấy không được tôn trọng. Còn em cũng không hiền như Cụ
BDS68 nhận xét. Chồng em mới là người hiền và không tham, không để ý những chuyện đó.
Em nói thêm một chút để các cụ hiểu sự việc. Bố chồng em ở quê ngày trước cũng có chút vị trí nên xin được 1 số đất ở xã và làm giấy tờ đứng tên các con. Theo em nghe được từ các câu chuyện thường ngày (lúc mới cưới em về, ông bà cũng hay khoe) thì 4 người con đều có cả, trong đó 2 người con trai là anh trưởng và chồng em, mỗi người ít nhất có 2 mảnh đất. Bố chồng em từng tự hào nói, mỗi thằng đẻ 2 đứa con trai tao cũng lo đất cho cả rồi
. Anh cả một mảnh đất mặt đường liên huyện có nhà đang ở và một mảnh ngay sau nhà. Chồng em là mảnh đất hương hỏa ông bà đang ở và một mảnh đất trong làng (chính chồng em cũng không biết cái đất này như thế nào). Kể như vậy để rõ là đất tuy cho các con đứng tên nhưng nguồn gốc có được là do bố chồng em và mặc định là ông bà có toàn quyền định đoạt. Từ khi lấy chồng, em có nghe ông bà nói đến chuyện đất cát một số lần, nhưng chưa bao giờ em có tư tưởng về đấy ở hay xin/nhận để bán cả, em cũng chưa bao giờ dự tính đó là tài sản trong tương lai của gia đình em. Thậm chí có lần em đã nói luôn, nhà ông bà đang ở nói là cho chồng em nhưng sau này phải để cho bác trưởng lo thờ cúng.
Vợ chồng bác trưởng đều rất hiền lành nên em rất quý. Chồng em cũng hiền và ở xa. Mọi việc tính toán, sắp đặt trong đại gia đình đều là do ông bà và 2 con gái tư vấn. Năm 2019 không may bác trưởng bị K mất. Từ đó bà chị gái chồng ở gần đó toan tính xà xẻo thêm tài sản của ông bà. Cái vụ ký giấy tờ bán đất, chồng em không ý kiến gì vì biết là đất của ông và chắc chồng em cũng nghĩ đơn giản là nó hình thành từ trước khi cưới em rất lâu nên không liên quan đến em.
Còn một vụ nữa em biết cũng rất buồn. Năm 2021, sau khi bác trưởng mất được 2 năm thì nhà chồng em làm thủ tục để cháu trai trưởng đứng tên trên 2 mảnh đất của nhà bác ấy (khi nó đủ 18 tuổi). Nghĩa là bà chị dâu chồng em, làm dâu trưởng hơn 20 năm, sinh được 2 đứa cháu trai cho nhà chồng, phục vụ bố mẹ chồng, các anh em chồng, chồng con hơn 20 năm giờ tay trắng. Việc này cũng là do ông bà và ông anh rể tiến hành, em ngồi ăn cơm có nghe bà chị dâu hỏi 2 câu rồi im lặng, em nghĩ chị ấy rất đau lòng. Một người phụ nữ nông thôn hiền lành, cam chịu thì nếu được đứng tên trên giấy tờ nhà đất cũng là thể hiện sự tôn trọng, yêu thương, bù đắp của nhà chồng trên danh nghĩa, chứ em tin chắc chị ấy cũng chỉ một lòng để cho các con thôi.
Tóm lại thì nhà chồng em hành xử như vậy cũng không có gì lạ, thậm chí có thể thấy những chuyện đó phù hợp với tâm lý thông thường và phong tục, quan điểm VN từ xưa:
- Coi trọng ruột thịt. Con dâu không phải là ruột thịt.
- Con trai mất thì tài sản để cho cháu kẻo con dâu đi lấy chồng khác hoặc tẩu tán là mất tài sản.
- Ông bà, bà chị gái thấy nhà em đã có nhà ở thành phố lại chỉ có 1 con gái nên không cho đất (như dự tính từ xưa) nữa.
- Đứa con tham lam, dẻo mỏ thì được nhiều. Đứa hiền lành, thật thà thì bị thiệt.