Nghe đồn nhà mình đang nâng cấp cái iem này để xử lý "con gián to" của tung cẩu:
Sát thủ tàu sân bay' một thời
Tuy phải nhường chỗ cho những tên lửa chống hạm hiện đại hơn trong biên chế Hải quân Nga, song REDUT-M vẫn là một mối đe dọa đối với nhiều loại tàu chiến.
Tổ hợp tên lửa chống hạm REDUT-M là một biến thể dùng cho lực lượng phòng thủ bờ biển của tên lửa P-5 Pyatyorka, NATO định danh là SS-N-3 Shaddock.
Từng là một trong những tên lửa chống hạm chủ lực của Hải quân Liên Xô trong những năm chiến tranh lạnh. P-5 Pyatyorka từng được mệnh danh là “sát thủ tàu sân bay”.
Đến nay tuy phải nhường chỗ cho những tên lửa chống hạm hiện đại hơn trong biên chế của Hải quân Nga nhưng P-5 Pyatyorka vẫn là một mối đe dọa lớn đối với các chiến hạm bởi tốc độ và uy lực của nó. P-5 Pyatyorka vẫn là tên lửa chống hạm chiến lược với các quốc gia không có được lực lượng hải quân hùng hậu.
Tổ hợp tên lửa chống hạm REDUT-M đang khai hỏa.
Bối cảnh ra đời và lịch sử phát triển
Biến thể đầu tiên của P-5 Pyatyorka là 4K48 chính thức đi vào phục vụ trong Hải quân Liên Xô vào năm 1959. Ngay sau đó biến thể nâng cấp là P-35 4K44 và P-6 4K88 được đưa vào sử dụng trong những năm 1960.
Biến thể sử dụng cho lực lượng phòng thủ bờ biển được ra đời ngay sau đó, biến thể này được gọi là REDUT, NATO định danh là CSS-1A. Biến thể REDUT đầu tiên sử dụng tên lửa FKR-2, được phát triển vào năm 1954, thử nghiệm lần đầu tiên vào năm 1959.
Sự phát triển của tên lửa mới P-35B được ủy quyền vào tháng 8/1960, thử nghiệm đầu tiên diễn ra vào tháng 9/1963. Hệ thống được chấp nhận vào phục vụ ngày 11/8/1966.
Tên lửa P-35B (CSS-1B) được phát triển dựa trên loại tên lửa phóng từ các tàu chiến mặt nước P-35 (SS-N-3B). Biến thể nâng cấp REDUT-M, được đưa vào sử dụng từ năm 1973, chú trọng đến cải thiện khả năng kháng nhiễu, giảm độ cao hành trình và một động cơ tên lửa mới.
Đặc điểm, thông số kỹ chiến thuật
Tổ hợp tên lửa chống hạm REDUT-M là một hệ thống tên lửa phòng thủ bờ biển di động, được triển khai trên xe phóng SPU-35B hoặc SPU-35V . Một tổ hợp REDUT-M có 3 xe phóng, xe chỉ huy và xe radar 4R45 Skala.
Tên lửa được đặt trong ống phóng ZIL-135K và được đặt trên xe tải BAZ-135MB 8x8 bánh. Mỗi xe phóng được vận hành bởi 5 người, thời gian triển khai sẳn sàng chiến đấu khoảng 30 phút.
Tên lửa P-35B có chiều dài 10,2m, đường kính gần 1m, sải cánh 2,6m, trọng lượng phóng 4.500kg. Tên lửa có tầm bắn tối đa 460km,với tốc độ Mach-1.4, biến thể nâng cấp về sau đạt cự ly 550km. Tên lửa sử dụng động cơ nhiên liệu rắn KRD-26.
Tên lửa của tổ hợp REDUT-M trong biên chế của Hải quân Việt Nam(ảnh:VTV1)
Tên lửa được dẫn hướng kết hợp quán tính, hiệu chỉnh tham số trong suốt hành trình và radar chủ động. Được trang bị đầu đạn thông thường nặng 1.000kg hoặc đầu đạn hạt nhân chiến thuật 350kiloton.
Để khởi động tên lửa, 4 chân trụ thủy lực sẽ được kích hoạt để cố định vị trí của xe phóng, ống phóng được một hệ thống thủy lực khác nâng lên một góc 20 độ so với mặt bằng của xe phóng.
Sau khi phóng, tên lửa được theo dõi trong suốt chuyến bay thông qua máy bay trinh sát Tu-95RT, Tu-16D, hoặc Ka-25T. Các lệnh dẫn hướng được gửi đến tên lửa từ trạm chỉ huy mặt đất thông qua các hình ảnh mà radar của tên lửa cung cấp cho trạm chỉ huy mặt đất thông qua một liên kết dữ liệu video.
Từ hình ảnh radar của tên lửa cung cấp, kỷ thuật viên điều khiển sẽ xác định và lựa chọn mục tiêu ưa thích, sau đó khóa mục tiêu bằng radar chủ động của tên lửa.
Lực lượng phòng thủ bờ biển Hải quân Việt Nam luôn sẳn sàng chiến đấu, bảo vệ biển đảo tổ quốc thân yêu (
ảnh: VTV1) Trong trường hợp không có sự hỗ trợ dẫn hướng từ các máy bay trinh sát, sỹ quan điều khiển tên lửa sẽ phóng 3-4 tên lửa cùng lúc. Một trong số các tên lửa này sẽ được điều khiển bay lên cao hơn so với các tên lửa khác. Tên lửa này sẽ dùng radar của mình để dẫn đường cho các tên lửa còn lại tấn công một tàu hoặc nhóm tàu được phát hiện bởi các radar cảnh giới.
Tên lửa có độ cao hành trình từ 100-400m, hoặc có thể bay cao từ 4.000-7.000m trong trường hợp dùng radar của tên lửa để dẫn đường cho các tên lửa khác. Ở pha cuối tên lửa hạ thấp độ cao xuống dưới 100 mét trước khi lao đến mục tiêu.
Hạn chế
Giống như phần lớn các tên lửa chống hạm được sản xuất dưới thời Liên Xô, tên lửa P-35B có kích thước khá đồ sộ, cùng với độ cao hành trình tương đối cao. Tên lửa dễ dàng bị phát hiện từ xa bởi các hệ thống radar trên các chiến hạm đối phương.
Dù tên lửa có tốc độ khá nhanh Mach-1.4, tuy nhiên do kích thước lớn, tên lửa cũng dễ dàng bị bắn hạ bởi các hệ thống phòng không hiện đại. Thời gian triển khai và thu hồi của hệ thống tương đối chậm.
Một nhược điểm khá lớn nữa là, trong suốt quá trình bay đến mục tiêu, tên lửa được dẫn hướng với sự hỗ trợ của máy bay trinh sát hoặc radar của một trong các tên lửa thông qua một liên kết dữ liệu video.
Tuy nhiên, kiểu liên kết dữ liệu này rất dễ bị tổn thương trong môi trường tác chiến điện tử mạnh. Radar của tên lửa cũng rất dễ bị đánh lừa bởi các biện pháp đối phó điện tử. Đây cũng là nhược điểm cơ bản của các hệ thống vũ khí được sản xuất dưới thời Liên Xô.
Hệ thống phòng thủ bờ biển REDUT-M được Liên Xô chuyển giao cho Việt Nam trong giai đoạn 1979, đây cũng là cơ sở để hình thành lực lượng phòng thủ bờ biển của Hải quân Nhân dân Việt Nam. Đây cũng là loại tên lửa chống hạm có tầm bắn xa nhất hiện nay trong khu vực ASEAN. Hiện tại, tên lửa được nâng cấp để cải thiện khả năng kháng nhiễu và khả năng khóa mục tiêu của radar.