Hàng Buồm có một ngôi nhà...
Kiến trúc tiêu biểu nhất còn lại của văn hoá Trung Hoa ở khu phố này là ngôi nhà số 22 Hàng Buồm, vốn là Hội quán của người Hoa xưa. “Cụ Tôn Trung Sơn, người đi trước trong cuộc cách mạng dân chủ vĩ đại của Trung Quốc, năm 1904 đã từng ở đây”.
Ngôi nhà 22 Hàng Buồm hiện nay. (Ảnh Lê Anh Dzũng)
Nằm trong lòng “khu phố cổ” của Hà Nội, phố Hàng Buồm là một trong những nơi sầm uất nhất giữ được không khí của Hà Nội một thời xa xưa. Hàng Buồm nằm trên trục phố ngang cắt trục đường phố thương mại - cái xương sống của khu phố cổ: kéo từ Bờ Hồ qua Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Đường rồi lên chợ Đồng Xuân, nối thêm Hàng Giấy và cho đến dốc Hàng Than thì gặp con đê sông Hồng.
Tôn Trung Sơn.
Nó sầm uất một thời vì là nơi tập trung dân Hoa kiều, một cộng đồng những người dân từ Trung Hoa sang sinh sống qua các thời kỳ lịch sử khác nhau. Đến nay, cộng đồng người Hoa không còn nữa nhưng nét sầm uất vẫn được giữ lại với những hàng quán ăn uống nối sang cả các ngõ phố từ Hàng Giày cho tới Tạ Hiện, Mã Mây... và các cửa hàng bán tạp hoá mà giờ đây thiên về bánh kẹo, các loại rượu và thực phẩm đóng hộp... Đây cũng là một đường phố mà kiến trúc ít thay đổi nhất cho dù cũng đã có một vài ngôi nhà được xây cất lại.
Nhưng kiến trúc tiêu biểu nhất còn lại của văn hoá Trung Hoa ở khu phố này là ngôi nhà số 22 Hàng Buồm, vốn là Hội quán của người Hoa xưa. Ngày nay nó là Trường Mẫu giáo Tuổi thơ của quận Hoàn Kiếm. Mặt tiền với lớp mái ngói tráng men “thanh lưu ly” rất đặc trưng và những “con giống” là những tượng gốm các nhân vật trong các tích truyện Trung Hoa hay các vật linh dù có phần bị hư hỏng, nhưng những nét đặc trưng của một hội quán của người Hoa không lẫn vào đâu được như ta thường gặp ở Hội An hay Chợ Lớn v.v...
Tư liệu lịch sử cho thấy lần đầu Tôn đến nước ta ngày 21/6/1900 khi từ Hong Kong ghé cảng Sài Gòn, lưu lại tới 8/7/1900 rồi lên đường đi Singapore. Lần thứ hai từ 13/12/1902, Tôn đến Hà Nội dự Hội chợ và lưu lại đến mùa Xuân 1903 rồi vào Sài Gòn tới cuối tháng 7 mới rồi mới trở lại Hong Kong. Lần thứ ba từ tháng 8/1905 đến Sài Gòn và lưu đến tháng 3/1906 trước khi rời qua Indonesia.
Tại Hà Nội ông đã ngụ tại ngôi nhà 22 Hàng Buồm, mở một quán trà tại một ngôi nhà cùng phố và công khai lập trụ sở của “Trung Quốc Đồng minh hội” tại số nhà 62 đường Gambetta (nay là đuờng Trần Hưng Đạo)...
Điều đáng nói hơn là nếu ai có trí nhớ và tinh ý thì chỉ cần bước qua cánh cửa sắt bên ngoài lại gần cánh cửa gỗ nguyên bản hoành tráng thì thấy gắn ngay trên tường còn một tấm bảng đá khắc dòng chữ:
“Cụ Tôn Trung Sơn, người đi trước trong cuộc cách mạng dân chủ vĩ đại của Trung Quốc, năm 1904 đã từng ở đây” (nội dung này được viết song ngữ Việt - Hoa). Tấm bảng đá nằm nơi khuất nẻo đã bị sứt sẹo, bằng chứng của một sự quên lãng đáng trách.
Tôn Trung Sơn hay còn có tên gọi khác là Tôn Dật Tiên (1866-1925) là một nhân vật hàng đầu của lịch sử cận và hiện đại Trung Quốc, là người sáng lập nền Cộng hoà - Dân chủ sau khi vận động cuộc Cách mạng Tân Hợi (1911), lật đổ triều đại Mãn Thanh, chấm dứt chế độ quân chủ ngàn đời ở quốc gia khổng lồ và có nhiều ảnh hưởng đến các nước châu Á, trong đó có Việt Nam. Năm 2000, tờ báo có uy tín “Thời đại” (Time) chọn Tôn Dật Tiên là 1 trong 25 nhà hoạt động chính trị (trong đó có Chủ tịch Hồ Chí Minh) của thế giới đã làm “thay đổi bộ mặt hành tinh của chúng ta trong thế kỷ XX”.
Là một nhà dân tộc chủ nghĩa và dân chủ hàng đầu, với chính sách “Tam Dân” và chủ trương đoàn kết mọi lực lượng dân tộc chống phong kiến và thực dân, Tôn Trung Sơn được người Trung Quốc tôn làm “quốc phụ” và được tất thảy các lực lượng chính trị có chính kiến khác nhau, thậm chí đối lập nhau đều kính trọng. Ngày nay, cả Chính phủ CHND Trung Hoa hay các nhà lãnh đạo Đài Loan cũng như cộng đồng Hoa kiều trên thế giới đều tôn vinh Tôn Trung Sơn.
Đối với cách mạng Việt Nam, tư tưởng của Tôn Trung Sơn, đặc biệt là “chủ nghĩa Tam Dân” có ảnh hưởng sâu sắc đến nhiều lực lượng chính trị có tinh thần dân tộc. Năm 1924, Nguyễn Ái Quốc gọi Tôn Trung Sơn là "người cha của cách mạng Trung Quốc" và đánh giá rất cao cương lĩnh chống đế quốc, đoàn kết với các dân tộc bị áp bức cũng như chủ trương “thân Nga - liên Cộng, ủng hộ công nông” của chính phủ Quảng Châu do Tôn Trung Sơn đứng đầu. Sau này, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng tỏ rõ sự ngưỡng mộ và vận dụng một sách sáng tạo những tư tưởng tiên tiến của Tôn Trung Sơn trong quá trình xây dựng thể chế dân chủ-cộng hoà ở nước ta. Khi còn sống, Bác Hồ cũng có mối quan hệ thâm giao với Tống Khánh Linh là phu nhân của Tôn Trung Sơn...
Tấm biển đá nói tới ở trên được gắn vào những năm 60 của thế kỷ trước nhằm xác nhận một thực tế lịch sử là trong cuộc đời hoạt động của mình, Tôn Trung Sơn đã từng qua Việt Nam và sống tại ngôi nhà trên. Nhiều nhà nghiên cứu lịch sử hai nước đã quan tâm đến sự kiện này (như GS. Chương Thâu, nhà nghiên cứu Thanh Đạm của Việt Nam hay các giáo sư Phùng Tự Do, Hoàng Tranh của Trung Quốc). Kết quả nghiên cứu được công bố cho thấy đã có 5 lần Tôn Trung Sơn đến Việt Nam trong giai đoạn từ 1900 đến 1908.
Đó là thời kỳ nhà cách mạng Tôn Trung Sơn đang tích cực vận động công cuộc lật đổ triều Mãn Thanh và cũng đang bị kẻ thù truy nã. Ông đã tìm cách đến Việt Nam lúc đó đang là thuộc địa của nước Pháp, một mặt vận động giới Hoa kiều ở Việt Nam cũng như các tổ chức chống Mãn Thanh lưu vong ở nước ngoài, đồng thời tìm cách liên kết với những lực luợng dân tộc yêu nước trong người Việt Nam. Tôn Trung Sơn cũng còn tranh thủ khai thác mâu thuẫn về quyền lợi giữa giưới thực dân Pháp với các thế lực quân phiệt Trung Hoa phục vụ cho cuộc vận động cách mạng của mình.
Tư liệu lịch sử cho thấy lần đầu Tôn đến nước ta ngày 21/6/1900 khi từ Hong Kong ghé cảng Sài Gòn, lưu lại tới 8/7/1900 rồi lên đường đi Singapore. Lần thứ hai từ 13/12/1902, Tôn đến Hà Nội dự Hội chợ và lưu lại đến mùa Xuân 1903 rồi vào Sài Gòn tới cuối tháng 7 mới rồi mới trở lại Hong Kong. Lần thứ ba từ tháng 8/1905 đến Sài Gòn và lưu đến tháng 3/1906 trước khi rời qua Indonesia.
Chính tại Sài Gòn, Tôn Trung Sơn đã thành lập phân hội hải ngoại đầu tiên của tổ chức "Trung Quốc Đồng minh hội" quyên góp tiền để vận động lật đổ Mãn Thanh. Lần thứ tư, vào tháng 8/1906, Tôn trở lại Sài Gòn lưu lại 2 tháng tại đây. Và lần cuối cùng vào cuối tháng 3/1907 khi ông bị chính phủ Nhật Bản trục xuất đã đến Sài Gòn rồi ra Hà Nội bắt tay vào việc chuẩn bị những hoạt động vũ trang ở vùng biên giới giáp phía Nam Trung Hoa. Đây là thời kỳ, Tôn Trung Sơn lưu lại ở Việt Nam lâu nhất, hơn 1 năm. Tại Hà Nội ông đã ngụ tại ngôi nhà 22 Hàng Buồm, mở một quán trà tại một ngôi nhà cùng phố và công khai lập trụ sở của “Trung Quốc Đồng minh hội” tại số nhà 62 đường Gambetta (nay là đuờng Trần Hưng Đạo)... Chính trong thời gian này Tôn Trung Sơn có nhiều liên hệ với các nhà yêu nước Việt Nam đang vận động công cuộc duy tân như phong trào Đông Kinh nghĩa thục ở Hà Nội, các chí sĩ Cần Vương cũ ở Thái Bình v.v...
Tấm biển đá với những dòng lưu niệm đã mờ.(Ảnh Lê Anh Dzũng)
Việc một nhà ái quốc lớn của dân tộc Trung Hoa, một nhân vật lịch sử vât lớn của châu Á và thế giới có mặt ở Việt Nam đáng là một vinh dự và di tích của các nhân vật ấy đáng được lưu niệm. Việc lưu niệm các danh nhân giờ đây đã trở thành một tập quán phổ biến trên thế giới không những thể hiện sự trân trọng mọi giá trị đóng góp vào sự tiến bộ của nhân loại vừa góp phần làn tăng thêm những giá trị lịch sử, văn hoá và du lịch cho những nơi ghi dấu danh nhân.
Ở Thủ đô London của nước Anh ta đã thấy một tấm biển men xanh hình tròn ghi danh và hành trạng Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn trên tường của Toà nhà New Zeyland vốn là Khách sạn Carlton nơi danh nhân đã từng làm việc; ở Thái Lan, ngôi làng Bác Hồ từng hoạt động trong giới Việt Kiều vừa được Chính phủ Thái Lan bảo tồn thành một di tích danh nhân; tại Boston (Hoa Kỳ) chiếc bàn làm bánh trong khách sạn Omni Parker House hay bồn khí đốt (gas) có sơn vẽ chân dung Bác Hồ từ thời phong trào nhân dân Mỹ chống chiến tranh ở Việt Nam nằm trên xa lộ số 93 gần Đại học Massachusetts vẫn được lưu giữ như di tích về Hồ Chí Minh tại Mỹ... Và đặc biệt là ở Trung Quốc những di tích về thời gian Bác Hồ hoạt động ở Trung Quốc đều được giữ gìn chu đáo, không chỉ góp phần thể hiện thiện chí chính trị của nước bạn mà còn trở thành địa điểm hành hương cho nhiều người Việt Nam mỗi lần có dịp sang thăm Trung Quốc...
Lẽ nào, những di tích lưu niệm một thời hoạt động sôi nổi của Tôn Trung Sơn ở nước ta, đặc biệt là ngôi nhà Hội quán cũ ở phố Hàng Buồm lại không được trân trọng bảo tồn, lưu giữ dấu ấn của một danh nhân lớn của quốc gia láng giềng Trung Hoa. Nó vừa thể hiện thái độ trân trọng của người Việt Nam đối với những danh nhân thế giới và đối với mối quan hệ hữu hảo Việt - Trung lại vừa là nơi thu hút bạn bè quốc tế và nhất là với các du khách Trung Hoa hành hương đến tưởng niệm người đồng bào vĩ đại của mình trên đất nước Việt Nam. Nó cũng sẽ mang lại cho Hà Nội nói chung, khu phố cổ nói riêng những giá trị đáng tự hào...
DƯƠNG TRUNG QUỐC (THEO VIETNAMNET)