Nhân đây copy 1 đoạn về Tôn Trung Sơn ở Sài Gòn cho các cụ:
----------------------------------------
Năm 1902, nhà cách mạng dân chủ Trung Quốc Tôn Trung Sơn đến Việt Nam cổ xúy cách mạng trong giới Hoa kiều. Hoa kiều thời đó hầu hết không cảm tình với chế độ phong kiến nhà Mãn Thanh nhưng ít ai hưởng ứng tư tưởng cấp tiến của Tôn Trung Sơn. Tại Hội quán Tuệ Thành ở đường Mai Sơn (đường Nguyễn Trãi bây giờ), khi Tôn Trung Sơn diễn thuyết, người ta chuẩn bị sẵn cà chua và trứng thối, sẵn sàng trút cơn thịnh nộ lên diễn giả. Thế nhưng, sau bài diễn văn của Tôn Trung Sơn, người nào cũng rơm rớm nước mắt, tranh nhau ghi tên vào tổ chức cách mạng "Hưng Trung hội" của ông.
Ông Tường là người dẫn đầu theo Tôn Trung Sơn và dốc toàn bộ 3.000 đồng bán giá đỗ ủng hộ cách mạng. Lãnh tụ Tôn Trung Sơn cảm thấy số tiền tích cóp từ bán giá đỗ của ông Tường quý hơn bạc vạn của các thương gia giàu có nên đã ở lại nhà ông này. Ông Tôn Trung Sơn từng 6 lần tới Việt Nam vận động cách mạng thì 5 lần tá túc ở nhà ông Tường. Ông Tường bán được bao nhiêu giá đỗ đều gom vào heo đất, ủng hộ cách mạng. Có lần, bị mật thám Pháp lùng bắt, ông Tôn Trung Sơn phải chui vào lu sành dùng để ủ giá ở nhà ông Tường mới thoát nạn.
Năm 1911, ông Tôn Trung Sơn lãnh đạo Cách mạng Tân Hợi thành công, ông Tường được mời về Nam Kinh dự lễ thành lập Trung Hoa Dân quốc. Khi Viên Thế Khải soán ngôi, ông Tường tổ chức "Quân cảm tử Hoa kiều Việt Nam" giúp Tôn Trung Sơn dẹp loạn. Lập công lớn nhưng ông từ chối mọi chức tước do Chính phủ Dân quốc ban tặng và chết tại quê nhà. Mộ ông được liệt vào di tích lịch sử quốc gia Trung Quốc. Từ đó, hẻm 720 Nguyễn Trãi được mang tên Giá Đỗ - con hẻm vô danh bỗng trở nên nổi tiếng.