...Men gốm Cậy ko tốt nên hoa văn bị mờ và bong tróc theo thời gian
Không phải là do men không tốt, mà có lẽ là do kỹ thuật trang trí của họ. Có 2 loại kỹ thuật trang trí là trang trí dưới men (
underglaze) và trang trí trên men (
overglaze).
Trang trí dưới men là kiểu trang trí mà họa tiết trang trí (màu sắc là từ thuốc màu chế từ các oxit kim loại chuyển tiếp đã thiêu kết với các chất ổn định màu hoặc các oxit này ở dạng thô chưa thiêu kết) được vẽ/dán trên đồ gốm mộc (
greenware) hoặc gốm không tráng men đã nung trước đó (
bisque/biscuit) rồi được che phủ bằng lớp men trong suốt, sau đó đem nung lại ở nhiệt độ cao để giảm thẩm thấu nước. Ưu điểm là họa tiết trang trí được bảo vệ dưới lớp men trong suốt nên nó rất bền màu. Khuyết điểm là do không phải chất tạo màu nào cũng chịu được nhiệt độ nung cao mà không bị biến đổi màu nên nếu chỉ áp dụng kiểu trang trí này thì màu sắc của các họa tiết trang trí khá nghèo nàn.
Ngược lại, trang trí trên men là kiểu trang trí mà họa tiết trang trí được vẽ/dán trên đồ gốm đã tráng men và đã nung trước đó ở nhiệt độ cao để giảm bớt độ thẩm thấu nước. Sau khi vẽ/dán họa tiết thì đồ gốm này được đưa vào nung lại ở nhiệt độ thấp hơn. Ưu điểm là màu sắc phong phú. Khuyết điểm là họa tiết trang trí dễ bị bay màu do va chạm, tiếp xúc, mài mòn.
Màu xanh lam của họa tiết trang trí thường được tạo ra từ oxit cobalt 2 (CoO). Nó bền màu với nhiệt độ nung tới 1.400 độ C nên có thể sử dụng trong cả hai kiểu trang trí, trong khi các màu khác (hồng, đỏ, vàng, da cam, xanh lục, xanh lơ, tím, nâu v.v...) nói chung là từ các oxit kém chịu nhiệt nên thích hợp với kiểu trang trí trên men hơn. Điều này cũng phản ánh trong lịch sử tạo màu cho sản phẩm gốm sứ Trung Hoa, với trình tự xuất hiện: gốm tam thái/Đường tam thái (三彩/唐三彩,
sancai/Tang sancai) --> gốm men ngọc (
celadon) --> gốm hoa lam (
blue and white pottery) --> gốm đấu thái (斗彩,
doucai) --> gốm ngũ thái (五彩,
wucai) --> gốm tố tam thái/Khang Hy ngũ thái (素三彩/康熙五彩,
susancai/Kangxi wucai) v.v..
Gốm tam thái về bản chất là đồ đất nung tráng men chì, với chất tạo màu xanh lục là oxit đồng 2 (CuO) và chất tạo màu vàng ánh nâu là oxit sắt 3 (Fe2O3) theo kiểu trang trí trên men, trong môi trường nung oxi hóa với nhiệt độ không quá 800-900 độ C.
Màu men ngọc là do chất tạo màu là oxit sắt 3 (Fe2O3) khi có mặt kali (K) thì tạo màu xanh lam-xanh lục (tức là màu men ngọc) theo kiểu trang trí trên men, trong môi trường nung khử ở nhiệt độ 1.200-1.300 độ C.
Gốm hoa lam sử dụng CoO, là kiểu trang trí dưới men. Các loại đấu thái, ngũ thái, tố tam thái kết hợp cả trang trí dưới men và trên men.