Nghe mấy đồng chí viết báo này thì đổ cám ra mà ăn, cũng tương tự như nhiều kết quả nghiên cứu xã hội học hiện nay.
Thay bằng tin thời sự vậy
Nỗ lực xóa bỏ ngành công nghiệp thịt chó ở Hàn Quốc
Các nhà bảo vệ quyền động vật ở Hàn Quốc phản đối văn hóa ăn thịt chó ở Seoul. Ảnh:
AP.
Sau buổi chiếu phim hoạt hình về những chú chó bị bỏ rơi, Thị trưởng Seoul Park Won-Soon hôm 11/2 cam kết sẽ xóa sổ ngành công nghiệp thịt chó nổi tiếng ở thủ đô, theo
SCMP.
"Trước đây, ở Cheongnyangni (phía bắc Seoul) có vài cửa hàng bán thịt chó, nhưng thông qua nhiều biện pháp, tôi đã cho đóng cửa hầu hết những cửa hàng này", ông Park nói. "Hiện vẫn còn một tới hai lò giết mổ chó. Tôi không thể ép họ bỏ nghề, nhưng tôi sẽ gây áp lực để họ chuyển cửa hàng".
Hàn Quốc gần đây thực hiện nhiều biện pháp để loại bỏ truyền thống ăn thịt chó lâu đời nhưng hứng chịu nhiều chỉ trích, khiến nhiều người cho rằng ngành công nghiệp này sắp chấm dứt.
Suốt Thế vận hội mùa đông Pyeongchang 2018, chính phủ yêu cầu các nhà hàng không được phục vụ thịt chó, khi các nhà hoạt động bảo vệ quyền động vật và khách du lịch phản đối truyền thống này, còn truyền thông phương Tây liên tục đưa tin.
Tháng 11 năm ngoái, dưới áp lực từ các nhà hoạt động, chính phủ Hàn Quốc đã đóng cửa Taepyeong-dong, khu phức hợp giết mổ chó ở thành phố Seongnam, phía nam Seoul vì điều kiện nuôi nhốt và giết mổ vô nhân đạo.
Năm 2017, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nhận nuôi một con chó được giải cứu từ một trại nuôi và đặt tên nó là Tory. "Khoảng một triệu con chó được nhận nuôi, nhưng 300.000 con bị bỏ rơi mỗi năm", Tổng thống Moon nói. "Chúng ta cần chú ý nhiều hơn tới động vật bị bỏ rơi và chăm sóc chúng".
Từ lâu, thịt chó được coi là một loại thực phẩm chữa bệnh ở Hàn Quốc. Thịt chó thường được chế biến thành các món hầm và hay được sử dụng trong mùa hè. Nó được coi là món ăn ngon, giá 15.000 won (13,3 USD) mỗi suất, đắt hơn nhiều so với gà hầm chỉ 8.000 won một bát.
Giống như nhiều quốc gia ăn thịt chó ở châu Á, người Hàn Quốc coi thịt chó là món ăn giúp tăng cường khả năng sinh lý của đàn ông.
"Không chỉ người lớn tuổi ăn thịt chó. Những người vừa phẫu thuật thẩm mỹ cũng được bác sĩ khuyên dùng", Taehoon Lee, nhà báo kiêm giám đốc sản xuất Dog Meat Professionals, bộ phim tài liệu năm 2017 nói về ngành thịt chó ở Hàn Quốc, cho biết. "Nhiều người Hàn Quốc, đặc biệt là y bác sĩ, tin rằng nó có tác dụng khiến vết thương mau lành và cơ thể sớm hồi phục sau phẫu thuật".
Tuy nhiên, nhu cầu thịt chó đang giảm mạnh trong những năm qua. Theo một khảo sát năm 2018 của nhóm bảo vệ động vật Last Chance for Animal, 81,2% trong số 1.000 người được khảo sát cho hay chưa từng ăn thịt chó, còn 18,8% từng ăn thịt chó và 1,2% mỗi tháng ăn một lần.
Dù nhiều dấu hiệu cho thấy ngành công nghiệp thịt chó ở Hàn Quốc đang thu hẹp, các chuyên gia nhận định xã hội và pháp luật Hàn Quốc sẽ cần nhiều thời gian để thay đổi văn hóa thịt chó.
"Tôi nghi ngờ việc đóng cửa các lò mổ ở Seoul sẽ dẫn tới sự thay đổi lớn. Những người từng mở lò mổ ở Seoul nay vẫn giết mổ chó ở các thành phố lân cận, nơi chính quyền giám sát lỏng lẻo hơn", Lee nói.
"Ở Seoul, chí ít chúng còn được chết nhanh hơn, ít đau đớn hơn, do các nhà bảo vệ động vật và chính quyền theo dõi thường xuyên. Người dân không nên bị những thay đổi nhỏ này đánh lừa. Ngành công nghiệp thịt chó lớn hơn nhiều người nghĩ, ước tính hàng tỷ đôla".
Dù một số quốc gia láng giềng như Trung Quốc và Việt Nam cũng ăn thịt chó, Hàn Quốc là đất nước duy nhất ở châu Á nơi thị trường thịt chó được công nghiệp hóa và có nhiều trang trại cung cấp thịt.
Các chuyên gia tại SPCA Hong Kong ước tính khoảng 10 triệu con chó bị giết lấy thịt mỗi năm ở Trung Quốc. "Nhiều nghiên cứu cho thấy không có trang trại nuôi chó lấy thịt ở Trung Quốc, chỉ có các lò nuôi tư nhân trái phép", Fiona Woodhouse, phó giám đốc SPCA nói.
"Vấn đề ở Trung Quốc là cách thức thu mua, xử lý, vận chuyển, giết thịt chó. Ngành này tồn tại rất nhiều hành vi không phù hợp với xã hội và pháp luật", cô nhận định. "Ở Hàn Quốc có nghề nuôi chó lấy thịt. Nhưng ở những khu vực khác tại châu Á, ngành này dựa trên việc trộm cắp chó hoặc bắt chó hoang ngoài đường phố".
Một nhà hoạt động giơ khẩu hiệu "thịt chó không phải món ăn truyền thống của Hàn Quốc". Ảnh:
AP.
Tổ chức Ủng hộ Quyền Động vật Hàn Quốc ước tính khoảng một triệu con chó bị giết thịt mỗi năm ở nước này. Các chuyên gia cho rằng ngành thịt chó Hàn Quốc đang ở trong thời kỳ hỗn loạn, khi truyền thống ăn thịt chó phải đối mặt với thế giới ngày càng toàn cầu hóa.
"Nuôi chó trông nhà, thói quen tồn tại lâu đời vẫn thịnh hành ở các khu vực nông thôn Hàn Quốc", Gina Boehler, giám đốc Korean K9 Rescue, một tổ chức phi lợi nhuận giải cứu chó khỏi bị giết thịt, nói. "Trong khi ở thành thị, chó thường được coi như một thành viên trong gia đình".
Tuy nhiên, Boehler nói rằng nếu chủ không muốn nuôi chó nữa, hay những con chó được nuôi để lấy giống, thì số phận của chúng có thể kết thúc ở chợ thịt. "Đó là ngành công nghiệp trị giá tỷ USD, nơi chó mẹ và chó bố sống trong điều kiện tồi tệ, không được chăm sóc thú y", cô nhấn mạnh.
Với thế hệ trẻ, thói quen ăn thịt chó đang phai mờ dần, còn thú nuôi chó cảnh tăng lên. Theo một khảo sát năm 2010 của Bộ Nông nghiệp Hàn Quốc, 10 triệu người trong dân số 51 triệu người nước này có nuôi thú cảnh. Chó là lựa chọn phổ biến nhất.
Việc truyền thông nước ngoài đưa tin về ngành công nghiệp thịt chó ở Hàn Quốc khiến người dân giận dữ "là thật, khiến ít người Hàn Quốc ăn thịt chó hơn và nhiều người nuôi chó hơn", Taehoon Lee nói.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều người Hàn Quốc tỏ thái độ thận trọng với những chỉ trích về truyền thống này. Một báo cáo năm 2018 cho thấy 37% người dân Hàn Quốc tham gia khảo sát phản đối đề xuất luật cấm tiêu thụ thịt chó, theo dữ liệu của công ty Realmeter.
"Nhiều người Hàn Quốc, bao gồm những người không ăn thịt chó, cảm thấy cấm tiêu thụ thịt chó là sai lầm. Họ không muốn bị người ngoài hoặc luật pháp nói rằng mình được ăn gì và không được ăn gì", Lee nhận xét.