Truyện này e copy từ voz - cầu ông tuất của bác poseidon nhé
Những đêm đầu mùa đông, gió mùa kéo về làm cái ngã ba sông Vệ bốc hơi nước tỏa lên sương khói lạnh lẽo, mù mịt. Những người đi đặt cá nửa đêm hay những người đi buôn hàng trên huyện núi Minh Long thường qua đây lúc gà gáy họ vẫn thường nghe tiếng chó tru tréo oan thán văng vẳng bên tai, cứ như thể đây là địa ngục của loài chó vậy.
Gọi là ngã ba sông, nhưng thực chất đây chỉ là nơi con suối nhỏ, chảy băng qua đường cái đổ ra sông. Thời Pháp người ta xây cầu bằng dầm sắt bắt ngang qua. Cầu thấp, đến mùa mưa lũ thì nước suối ngập người dân không đi qua đây được. Đến mãi gần đây, khi mà vụ tai nạn giao thông khiến cho cả một chiếc xe du lịch rơi xuống suối chết bốn người xảy ra, thì chính quyền mới xây chiếc cầu mới khang trang, rộng rãi hơn.
Đó là vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng nhất từng xảy ra gây chấn động cả một xã nghèo miền núi hẻo lánh này. Người ta đồn rằng, những người chết trong vụ giao thông đó, đã vô tình đụng phải ông Tuất nên bị trả thù.
Những người chứng kiến lúc người ta đến vớt xác nói rằng bốn cái xác với lên chân tay co quắp lại giống như là tứ chi của chó, nhìn chẳng phân biệt được đâu là chân, đâu là tay, ghớm ghiếc hơn nữa là cặp mắt người nào người nấy trợn ngược, tròng mắt đỏ ngầu như chó dại. Không lý gì những người bị chết ngạt nước mà xác lại như thế cả. Vậy nên dân làng xã này càng tin vào cái điều mà ai cũng sợ kia.
Từ ngày xảy ra vụ tai nạn ấy, cái quán thịt cầy nức tiếng thơm ngon ở cái ngã ba sông này cũng dẹp luôn vì chẳng còn khách nào ghé. Và cũng phần vì vợ chồng lão Phương cũng chẳng dám làm cái nghề bán thịt chó này nữa. Vợ chồng lão đã bỏ đi vào Nam biệt tích từ mấy tháng nay rồi.
Còn nhớ cách đây độ vài năm trước, ở đây người ta vẫn nể vợ chồng lão Phương này. Cặp vợ chồng biết làm ăn nhất xã. Nghe nói lão Phương lúc còn trẻ mồ côi, đi theo người ta ra đâu ngoài vùng đèo Hải Vân tìm trầm, hay đãi vàng gì đó rồi bị thất lạc, mất tích từ đó đến giờ. Lúc trở về thì hắn đã độ gần bốn mươi, dân làng cũng chẳng còn nhớ lão là ai nếu không nhờ một vài người họ hàng xa xác nhận.
Lão dẫn theo một cô vợ nói tiếng Bắc, bụng mang dạ chửa, trong khi lão thì bị bệnh khớp đày, miệng than đau lưng, đâu gối oai oái. Thôn cấp cho vợ chồng lão cái miếng đất bồi ngay ngã ba sông này để cắm dùi. Người cho tấm bạt, người cho cây tre, người cho cái xoong, cái nồi, rồi vợ chồng lão cũng có cái gọi là nhà để nương nấu lúc vợ lão sinh. Lão chẳng có đất để trồng trọt hay sản xuất cái gì, thế là lão theo người ta đi làm rẫy thuê, nhưng lão đau khớp, leo núi té lên té xuống không làm được. Thế rồi lão theo người ta đi buôn chè, chẳng có vốn, hai bàn tay không, hắn cũng chỉ lấy công làm lời, nhưng rồi cũng chẳng được mấy ngày với cái bệnh khớp của lão. Người ta chở một lần cả 4 giỏ ki chè, hắn nổi có một giỏ thì chẳng bỏ công.
Rồi có hôm chập choạng tối mùa tháng ba, xe tải chở mía từ nông trường về nhà máy đường, lúc đi ngang qua chỗ nhà lão thì xe cán chết con chó mực của ai không biết, nó sặc máu chết tươi. Ở cái xứ này, người ta nuôi chó để bắt chuột, để giữ nhà chứ chẳng mấy ai biết làm thịt chó, mà cũng chẳng có ai ăn thịt chó. Thế là lão nhặt vào nhà, chỉ trong vài tiếng đồng hồ, qua bàn tay và ngón nghề lão học từ ngoài Bắc, lão cũng bày biện được lên cái bàn gỗ nhỏ đơn sơ một mâm thịt chó mỡ màng, mùi thơm ngào ngạt. Nhưng ăn thịt chó mà thiếu rượu thì phí quá, mà lão lại chẳng có tiền mua rượu. Thế là lão chạy qua dăm ba nhà hàng xóm rủ mấy người bạn nhậu đi mua rượu mang sang nhà lão. Lúc sau căn nhà nhỏ của hắn cũng đủ mặt các đấng ma men.
Tay rót chén rượu gạo trắng đục uống ực, rồi gắp một miếng thịt chó đưa lên miệng cắn, cái món này khiến ai trong cuộc nhậu cũng phê đến ngất người. Hôm đó, người ta chỉ nói về chuyện món thịt chó của lão trong cuộc nhậu đến mãi khuya mới tan. Ai cũng nể tay nghề của hắn.
Vậy là từ đó, lão Phương nảy ra ý định mở quán nhậu thịt chó. Lúc đầu hắn cũng suy nghĩ vì xứ này người ta còn e dè chuyện ăn thịt chó. Cùng với thịt cá chép, thịt rắn, ở đây người ta ăn thịt chó sợ vận đen. Phần vì họ cũng coi chó cũng giống như trâu, không phải là loài để ăn thịt mà là bạn nhà nông.
Nhưng rồi lão cũng làm liều, mượn người này ít tiền mua sắm đồ mở quán, xin người kia ít bụi riềng, bụi xả, mớ rau. Rồi lão mua thiếu bà Ba Lá con chó già gầy trơ xương về làm thịt bán ngày khai trương.
Rồi quán cũng khai trương, ngày đầu tiên cũng chỉ là mấy bạn nhậu kéo tới để thưởng thức lại cái món khoái khẩu mà được lão mớm cho mấy ngày trước. Vẫn như hôm trước, ai cũng khen ngon nức nở. Ngày hôm ấy trừ chi phí lão tính được lãi đến gần cả trăm bạc, vợ chồng lão vui cười đến ngoác cả mồm.
Cái món thịt cầy của lão Phương đúng là ác nghiệt, càng ăn lại càng nghiện, càng nghiện lại càng phải ăn. Tiếng một đồn mười, tiếng mười đồn trăm, khắp cả mấy xã lân cận ai cũng biết tới tiếng quán thịt cầy của lão. Mà cũng vì cả vùng này chỉ có độc một quán của lão, nên người ta thấy lạ, ghé ăn thử thì lại ghiền, hôm sau lại ghé tới. Thành thử quán lão mỗi ngày lại mỗi đông.
Từ dạo ấy, vợ chồng lão Phương phát tướng, da dẻ trắng trẻo, người mập mạp hồng hào. Bệnh khớp của lão cũng biến đâu mất, lão chẳng còn đau đớn gì nữa. Ôm đứa con gái vợ sinh được một tuổi trên tay, lão cưng nựng, trong lòng thầm nghĩ, có lẽ đứa con này đã mang đến phát tài cho lão.
Nhà lão bây giờ đã được xây khang trang, quán cũng được xây lại sạch sẽ, gọn gàng hơn. Vợ chồng lão có của ăn, của để, ăn trắng mặc trơn, giàu có hẳn lên.
Lão thì hàng ngày dậy từ gà gáy, chọn con chó xấu số hôm nay trong lồng, lấy cái gậy đòn đập cái phụp vào đầu nó một cái thật chắc tay. Con chó tru ẳng lên thảm thiết, giãy đạch đạch, máu từ hốc tai, hốc mắt túa ra phì bong bóng bọt. Rồi lão kẹp cổ thọc tiết thêm nhát nữa để lấy máu, rồi lão mới bắt đầu cạo lông, ra thịt.
Vợ lão thì đi chợ sớm lúc tờ mờ để mua mấy thứ rau chuối chác, lá mơ, xả để nấu món.
Đến gần trưa thì quán bắt đầu mở cửa, cũng là lúc vợ chồng lão tay xắc tay thịt thoăn thoắt lên món, miệng cười nói đon đả chào khách phục vụ tới tận tối khuya mới đóng cửa.
Lúc đầu ngày hắn chỉ thịt một con là đủ bán. Trải qua hai năm sau, thì hắn phải thịt hai con mới đủ phục vụ cho bợm nhậu khắp nơi mỗi chiều ghé quán.
Rồi bắt đầu từ cái đêm hôm ấy, thằng sáu Cọt đập cửa nhà hắn nửa đêm. Nó mở cái bao đựng lúa, lấy ra một con chó ghẻ đã chết queo.
- Không biết chó ai, chắc của mấy người xóm trên bị trôi dưới suối, nó bơi chập chà chập chững, tui đập nó được đó !
- Mày thật không đấy, hay trộm của ai ?
- Trời đất ! Chó người ta đang mạnh khỏe làm sao em đập cho được !
- Rồi giờ muốn sao đây ?
- Anh đưa em được bao nhiêu đưa !
- Con này ghẻ không, lại bị mày đập chết rồi, thôi đưa cho chín chục là được !
- Anh cho em thêm chút đi chứ nó mập mà !
- Cái thằng này không lẽ tao đưa mày cầm về chứ lại ! Chó này mà tao thèm đi trả giá với mày à ! Bà lấy thêm đưa nó cho đủ một trăm cho nó đi lẹ đi !
Cầm đủ tiền, thằng Cọt cảm ơn rối rít. Thằng Cọt này vốn nghiện rượu đến nỗi vợ bỏ, chòm xóm xa lánh nên hắn như thằng Chí phèo ở đây, hắn ngày nào cũng uống thứ rượu gạo rẻ tiền đến mờ cả mắt, người lúc nào cũng lừ đừ. Chỉ cần có thứ gì chấm chấm, mút mút, là bao nhiêu rượu hắn cũng uống được. Ngày nào không có rượu lại than nhạt mồm, tay chân bủn rủn. Nó chuyên ăn hôi mấy thứ như này, gà dịch ai vứt nó cũng lượm về nướng, đến heo bệnh người ta chôn nó cũng đào lên nướng nhậu được, thấy ai chuối xanh, ổi già cũng xin xỏ, miễn thứ gì ăn không chết, là đều trở thành đồ nhắm của thằng Cọt hết. Hôm nay trúng mánh, cầm trong tay cả trăm ngàn bạc, nó sướng hết cả người, tự hứa chiều nay nó sẽ tới quán lão Phương, để thưởng thức cái món ngon nhất trần đời kia cùng với rượu chuối hột một lần trong đời rồi chết cũng được.
Ấy thế mà Cọt chết thật. Một cái chết khủng khiếp, ghê rợn...