Tiếp theo chuyện "Đi hỏi vợ cho thằng Út"
Sau khi tắm rửa cho bớt nặng người, em ra bàn nước ngồi nhâm nhi ly trà nóng để giết thời gian, vì không có gì để làm. Nghĩ cũng buồn cười, phố thị với nông thôn đúng là khác xa một trời, một vực. Ở phố thị thì thời gian giết mình, trong khi ở vùng quê, nếu không nhậu, thì mình phải tìm cái gì đó để giết thời gian
. Nhưng khổ nỗi thời gian là bất tử, nó không chết được, nó vẫn sống nhăn, nó cứ từ từ chậm chạp trôi qua làm con người ta rất dễ chết vì … chán. Đang rung đùi với những suy nghĩ vẫn vơ của mình, em chợt nghe tiếng anh Hai gọi :”Dượng Bảy về hồi nào vậy? Thấy dượng Bảy ngủ ngon quá nên anh hổng kêu. Em ăn cơm chưa?”. Nhìn ra cổng, em thấy dáng anh Hai đang đi vô nên cũng bước ra trả lời anh :”Em về nãy giờ rồi. Em đuối quá, con Linh làm cho em tô mì mà em ăn hổng nổi. Thôi, để nó giằng xuống một chút, khi nào em đói bụng, em tự đi lục cơm”. Nghe em nói vậy anh Hai cười hề hề, nói :”Hôm qua mấy anh em mình làm quá hớp nhưng hổng sao đâu. Em cầm cái cuốc ra gốc cây, cuốc một hồi là nó văng rượu ra ngoài hết à. Thôi, đi thăm chú Bảy với anh, sẵn anh có công chuyện nhờ chú Bảy. Vận động đi cho nó giã rượu”. Đang buồn hổng có chuyện gì làm, nghe anh Hai rủ đi chơi nên em gật đầu liền. Sẵn con nước đang lớn, hai anh em ra mé lấy xuồng đi qua nhà chú Bảy. Nhờ xuôi theo dòng chảy nên chẳng mấy chốc thì xuồng của hai anh em cũng cập bến nhà chú. Buổi trưa nhà chú thật yên tĩnh, mọi vật như đang đắm chìm vào giấc ngủ trưa. Ngay như con phèn của chú cũng lười biến nằm phơi nắng ngoài sân, bộ lông phủ đầy bụi, thấy em với anh Hai đi vào nó chỉ khẽ ngước mắt lên nhìn, chứ cũng không buồn sủa. Vào tới cửa, thì anh Hai khẽ lên tiếng :”Chú Bảy ơi, chú Bảy” rồi không đợi trả lời, anh Hai bước thẳng vào trong nhà. Đang nằm trên bộ ngựa được kê ở góc nhà, nghe tiếng anh Hai kêu, chú Bảy lồm cồm ngồi dậy :”Thằng T hả con?”. Hai anh em bước lại, khoanh tay chào chú, rồi anh Hai cũng giới thiệu :”Có thằng em rể của con cũng qua đây thăm chú nè. Chú thấy sao rồi chú Bảy, có bớt được miếng nào hôn? (bệnh có giảm không)”. Chú Bảy cũng cố gượng cười, quay sang hỏi em :”Té ra chồng con Th (tên vợ em) qua chơi hả con. Chiều hôm qua, vợ con của con cũng có ghé thăm chú. Chú hỏi thì nó nói con nhậu ở nhà thằng Hai rồi. khà, khà. Mấy anh em bây cơm nước gì chưa, để chú kêu vợ chồng thằng Nh (con của chú Bảy) dọn cơm lên ăn”. Anh Hai khoát tay trước lời mời của chú :”Thôi được rồi chú ơi. Tụi con ăn cơm rồi. Con tính chiều mát mới qua chú, nhưng sợ hổng kịp nên tranh thủ qua giờ này”. Nghe anh Hai thưa chuyện, chú Bảy mới hỏi :”Chuyện gì mà gấp vậy bây?”. Anh Hai trả lời :”Dạ, chuyện đám của thằng Út. Đúng ra, chú Bảy mà khỏe thì chú làm đại diện cho đám là ngon rồi. Hổng có chú, nên nhà con phải nhờ chú Tám. Mà chú Tám thì hổng rành ăn nói, nên chú Tám mới kêu con qua đây nhờ chú viết cho vài câu”. Thực ra gia đình bên vợ em, chỉ có bố vợ em và chú Bảy là tiếp thu được chân truyền của ông nội. Từ việc lễ nghĩa, cúng bái đến việc ăn nói đều phải có bài bản, nguyên tắc. Người dân miền Tây sông nước là vậy, phóng khoáng là phóng khoáng, mà lễ nghĩa thì cũng phải vẹn toàn. Chú Tám thì hồi nào đến giờ, việc dựng vợ, gả chồng cho mấy đứa con của chú đều do một tay của bố vợ em hoặc chú Bảy đứng ra lo hết, nên cái khoản ăn nói, chú Tám có phần yếu thế. Nghe anh Hai trình bày, chú Bảy gật đầu hiểu chuyện nên nói với anh Hai :”À, ra vậy. Con có đem theo giấy bút không, chú đọc cho con viết”. Lúc này thì thằng Nh, con của chú Bảy từ nhà sau bước lên, thấy hai anh, nó reo lên mừng rỡ :”Ủa, anh Hai, anh Bảy qua chơi hả”, và cũng đúng phong cách người miền Tây sông nước, nó mời mọc liền :”Hai anh ngồi uống nước nói chuyện với cha em một lát đi. Em ra sau mần con gà, mấy anh em mình lai rai”. Hai anh em chưa kịp trả lời nó, thì bóng của nó đã nhanh chóng vụt mất vào nhà sau. “Dượng Bảy viết chữ đẹp, chú Bảy đọc, em viết dùm anh nghen. Nhớ viết chữ bự bự nghen em, cho chú Tám dễ đọc”. Anh Hai vừa nói, vừa lấy ra tờ giấy với cây bút đã chuẩn bị sẵn đưa cho em. Sau một hồi “tập rèn chữ” thì bài diễn văn cũng đã được hoàn tất. Phải công nhận, chú Bảy hành văn hay quá trời luôn. Đúng là đám của thằng Út, không có sự hiện diện chú Bảy, là một điều đáng tiếc … (còn tiếp)