Trước đó, chúng tôi gọi mỗi chiếc EB-66 là một "nhà máy điện tử di động" trên không. Đây là loại máy bay trinh sát điện tử hiện đại của không quân Mỹ với năm nhân viên điện tử ngồi trên máy bay. Vào những năm 1966, 1967, mỗi đợt đánh lớn vào Hà Nội, chúng chỉ dùng từ ba đến năm chiếc EB-66 là có thể nhiễu trắng hầu hết các màn ra-đa của ta, làm bức màn cho bọn cường kích đi bắn phá. Có thể nói trong lòng mỗi chiếc B-52 chứa gọn một chiếc EB-66. Điều này không những đúng cả về kích thước, vì mỗi chiếc B-52 to gấp bốn lần chiếc EB-66, mà đúng cả về tính chất của nó. Nếu mỗi chiếc EB-66 chỉ có 16 loại máy điện tử thì mỗi chiếc B-52 có đến 17 loại và tất nhiên là tinh vi hơn, hiện đại hơn nhiều.
Như vậy vân xchưa thật yên tâm. "Những bộ óc thông minh nhất nước Mỹ" còn trang bị thêm cho mỗi chiếc B-52 hai máy gây nhiễu tiêu cực, mỗi máy đựng 450 bó nhiễu, mỗi bó có hàng vạn sợi kim loại, khi đwocj tung ra nó sẽ biến thành một khu vực nhiễu có thể che kín cả đội hình B-52 trong một thời gian nhất định.Tin tưởng vào những máy móc mà cả nền công nghiệp điện tử của Mỹ đã dốc hết sức mới có được, bọn chỉ huy Mỹ đã trấn an bọn phi công B-52: "Các anh yên trí. Các sân bay của Bắc Việt sẽ bị tê liệt trước khi các anh vào, còn các trạm tên lửa SAM thì sẽ bị hoàn toàn vô hiệu do các máy gây nhiễu của ta".
Tưởng cũng nên kể qua một chút về cuộc hành trình của bọn "siêu pháp đài bay" này để bạn đọc có thể hình dung được phần nào hệ thống tổ chức chỉ huy hiện đại của lực lượng không quân chiến lược Mỹ.Đoạn đường từ đảo Gu-am ở trung tâm Thái Bình Dương đến gần vùng biển Việt Nam dài trên 4.000km, B-52 bay theo một đường bay định sẵn. Bọn giặc lái chỉ việc mở máy tự động rồi ung dung ngồi đọc tiểu thuyết hoặc xem họa báo. Thỉnh thoảng tên sĩ quan dẫn đường nhìn qua cửa kính đối chiếu với trăng sao trên trời, nếu cần thiết thì điều chỉnh lại hướng bay. Đến mỗi điểm quy định có đánh dấu trên bản đồ bay, những ngọn đèn có màu sắc khác nhau lần lượt bật sáng, báo cho kíp bay biết cuộc hành trình đang được thực hiện tốt đẹp.
Khi tới vùng trời phía bắc Phi-lip-pin 180km, theo kế hoạch hiệp đồng, những chiếc KC-135 từ Philip-pin cũng vừa bay đến, bắt đầu làm nhiệm vụ tiếp dầu cho B-52. Công việc phức tạp này được tiến hành trên độ cao mười ngàn mét, trong lúc những chiếc B-52 vẫn tiếp tục bay về hướng Việt Nam. Đến khu vực nam Đà Nẵng, kíp bay mở máy liên lạc với đài dẫn đường Lo-ran đặt ở bán đảo Sơn Trà rồi tiếp tục bay qua Lào, đến vùng trời sông Mê Kông. Tại đây, bọn cường kích, tiêm kích từ các sân bay trên đất Thái Lan cũng vừa bay đến, nhập vào đội hình với B-52 rồi theo dọc sông Mê Kông bay lên phía bắc. Chúng bay qua Xiêng - Khoảng, Sầm Nưa, vượt biên giới phía tây vào Tuyên Quang, Phú Thọ, xuống Việt Trì, Tam Đảo, vào đánh Hà Nội. Bọn F-105G được giao nhiệm vụ chế áp trận địa tên lửa, cao xạ, bọn F-4E làm nhiệm vụ chặn kích chống lại Míc để bảo vệ đội hình B-52. Theo quy định, mỗi tốp B-52 được một tốp F-4 hai chiếc đi hộ tống. Bọn này sau khi gặp các tốp B-52 ở điểm hẹn trên vùng trời sông Mê Kông, bay cách các tốp B-52 từ 18 đến 20km ở hai bên sườn, theo một đường bay đã tính sẵn, sao cho luôn bán sát được các tốp B-52 lúc bay vào cũng như bay ra, mặc dầu tốc độ của bọn tiêm kích bao giờ cũng lớn hơn B-52.
Đó là chưa kể trước khi các tốp B-52 vào, đã có các tốp máy bay chiến thuật đi đánh các sân bay và các trận địa phòng không của ta theo một kế hoạch chung, thống nhất của bộ chỉ huy tập đoàn không quân số 7 Mỹ.
Điều đáng chú ý là cả một kế hoạc hiệp đồng lớn và hết sức tỉ mỉ như vậy, từ căn cứ Gu-am ở trung tâm Thái Bình Dương, đến các sân bay U-ta-pao, U-đôn, U-bôn, Tắc-li, Cò-rạt ở Thái Lan, các căn cứ ở Nhật Bản, ở Phi-lip-pin, các tàu sân bay ở Vịnh Bắc Bộ... chỉ được bộ chỉ huy tập đoàn không quân số 7 Mỹ đóng ở Tân Sơn Nhất phổ biến trước có sáu tiếng đồng hồ bằng điện tín. Tuy vậy, như chúng ta biết, kế hoạch đã được thực hiện với độ chính xác cao.
[FONT="]Tính trung bình mỗi chiếc B-52 đi ném bom Bắc Việt Nam phải huy động thêm bảy chiếc máy bay các loại đi theo để phục vụ, bảo vệ và phối hợp tác chiến. Mức đọ tập trung máy bay của Mỹ vào cuộc tập kích chiến lược 12 ngày đêm cuối tháng 12 năm 1972 trên vùng trời Bắc Việt Nam lớn đến nỗi các hãng thông tin phương Tây phải thốt lên "chưa bao giờ nhà cầm quyền Mỹ lại huy động một lực lượng không quân lớn đến như thế để oanh kích Bắc Việt Nam" và "các chiến trường khác hầu như không còn máy bay để hoạt động".[/FONT]
[FONT="]
Như vậy là trong những ngày đêm cuối năm 1972 đáng ghi nhớ đó, hầu như cùng một lúc trên bầu trời Bắc Việt Nam có từ 400 đến 500 máy bay Mỹ hoạt động, vừa ném bom chế áp trận địa, vừa thả nhiễu, chặn kích, nhìn qua tưởng chúng bay một cách hỗn loạn, nhưng thực ra đã được tính toán tỉ mỉ. Khi chiếc B-52 cuối cùng rút khỏi chiến trường thì tất cả bọn lau nhau đều đã trên đường trở về căn cứ.
Hàng mấy trăm chiếc máy bay phản lực cùng một lúc hoạt động trên một vùng trời nhỏ hẹp, cách căn cứ hàng trăm, hàng nghìn km, giữa trời đêm mù mịt, nhưng không hề va chạm nhau, không hề bị thất lạc, chứng tỏ hệ thống chỉ huy của chúng hiện đại, tinh vi biết nhường nào.
Nước Mỹ với nền công nghiệp hiện đại vào bậc nhất thế giới thực sự đã trang bị cho bộ máy chiến tranh của nó và riêng lực lượng không quân những phương tiện lý tưởng để đi xâm lược nước ngoài và răn đe thế giới.
[/FONT]