'Tác dụng phụ' của Covid-19
Khi Covid-19 qua đi, con người sẽ thay đổi hành vi hay lại điên cuồng phát triển kinh tế, khôi phục đời sống mà không quan tâm đến môi trường.
Đồng cảm với tác giả bài viết "Nghĩ lại về Trái đất", độc giả Hòa Thuận Nguyễn chia sẻ góc nhìn tích cực của bản thân về những tác động đại dịch Covid-19 với cuộc sống của con người:
Dù biết nhiều người còn điêu đứng do Covid 19, nhưng cá nhân tôi, công tâm mà nói tôi, đang khá lạc quan nhờ "tác dụng phụ" của Covid-19. Thu nhập của tôi vẫn đảm bảo (tôi may mắn khi nghề tôi làm ít bị ảnh hưởng bởi dịch), được ở bên cạnh vợ và con gái nhỏ, lâu lâu chạy vào ôm con. Mỗi khi có dịp ra đường, tôi thấy đường thông thoáng, đi nhanh về nhanh, không thấy cảnh chen lấn, đỡ mệt mỏi, không khí trong lành, đường phố sạch hơn.
Trong hẻm tôi ở, con nít chơi đùa rất vui và nhộn nhịp, trong khi bình thường, ban ngày chúng phải đi học, chiều về tối thì ôm điện thoại. Ra chợ mua đồ cũng đỡ ngại rau củ, trái cây Trung Quốc, giá cũng rẻ hơn... và hàng tá mặt tích cực khác mà cộng đồng đã và đang nhìn thấy.
Đánh giá cách con người đối xử với môi trường, tự nhiên, bạn đọc Le Ton chỉ ra những bất cập trong thời đại phát triển:
Sự giàu lên của con người đồng nghĩa với sự bóc lột trái đất càng nhiều hơn. Giả sử nếu sống như nguyên thủy, rõ ràng sẽ có sự cân bằng tự nhiên. Thời đại phát triển mới khi mà con người đều được gán các mục tiêu để phấn đấu thì đi kèm đó là sự bóc lột quả đất là điều không tránh khỏi. Nhưng bài toàn ngược lại, chúng ta không biết gìn giữ trái đất, đồng nghĩa với đang giết chết nguồn sống cho các thế hệ sau.
Nhưng sẽ chẳng có một cách thức nào trong thời điểm hiện tại khi các quốc gia, toàn thế giới đồng lòng để giải bài toán 4.0 = 0.0. Như cái cách cậu học sinh đưa ra một ý nghĩ nhưng nó cũng là tất yếu khi sự phát triển đến cực thịnh và trái đất không còn chịu đựng được nữa. Sau đại dịch để cho con người nhìn lại mục tiêu sống, mục tiêu tăng trưởng có thay đổi hay không hay lại tăng cường bóc lột để đạt lại chỉ số trước khi dịch.
Cùng chung quan điểm, độc giả Nhat Viet Nguyen cho rằng Covid-19 chính là cơ hội để con người điều chỉnh lại hành vi sống:
Phát triển bền vững hay nền kinh tế xanh không phải là khái niệm mới, song loài người luôn bỏ qua nó hoặc tìm cách lách qua bới chúng ta luôn có tham vọng phải phát triển vươn lên, tạo ảnh hưởng, thống trị thế giới... Đấy là tính ích kỷ tự nhiên từ khi loài người có chiếm hữu tư nhân. Chỉ một số quốc gia có thể tạm coi là phát triển bền vững như Đan Mạch, Thụy Điển, nhưng chắc chắn là hệ số của họ vẫn lớn hơn 1. Suy cho cùng, vật chất quyết định ý thức và con virus này là một tác nhân vật chất quan trọng giúp con người tạm gác bỏ tham vọng để cứu lấy sự sinh tồn của mình - một bài học để thấy rằng chỉ cần chúng ta lùi lại một chút, sống chậm hơn, là mọi chuyện lại ổn.
Tuy nhiên, điều đó là bất khả thi nếu các nước không dám xây dựng lộ trình chuyển dịch dần dần cơ cấu nền kinh tế để phát triển bền vững, và trên hết phải xây dựng một hệ thống bền vững và đoàn kết tương trợ nhau để không có ai có thể chơi trội, lấn át phần còn lại. Trái đất này còn nhiều chỗ trống lắm, chúng ta đừng để cho tham vọng của mình điền vào những chỗ đấy là được.
Trong khi đó, bạn đọc Nguyễn Văn Đông lại cảnh báo những nguy cơ hiện hữu trong tương lai ngay cả khi dịch Covid-19 được dập tắt:
Thật ra những tác hại khủng khiếp của con người đối với thiên nhiên đã được nhìn nhận từ rất lâu. Nhưng vì lòng tham, con người phớt lờ nó, các chỉ số tăng trưởng kinh tế vẫn quan trọng hơn các chỉ số về môi trường. Khi Covid-19 qua đi, con người sẽ lại điên cuồng phát triển kinh tế, viện lý do khôi phục kinh tế, khôi phục đời sống mà không cần quan tâm đến môi trường.
Chia sẻ giải pháp thay đỏi hành vi của con người với môi trường tự nhiên trong tương lai, độc giả quangtrinhtan nhận định:
Loài người đang có những tiến bộ khoa học công nghệ như vũ bão nhưng ý thức và trách nhiệm với môi trường vẫn còn ở thời kỳ mông muội. Tôi vẫn đang bảo vệ môi trường bằng hết khả năng của mình. Thực ra, bảo vệ môi trường là việc chúng ta có thể làm được, từ những việc nhỏ như bớt chi tiêu cho quần áo, giày dép, đồ ăn... cho đến các gia đình hạn chế việc sinh đẻ không quá hai con.
Tất cả những điều này chỉ được giải quyết khi hệ thống giáo dục làm tốt, những công dân hiểu được từ khi còn nhỏ, do vậy nó cần phải là môn học quan trọng, sánh ngang với Toán, Văn... và giảm bớt khối lượng ở một số môn học khác. Môn học này không trực tiếp tạo ra của cải vật chất nhưng nó góp phần tạo nên nền tảng hạnh phúc, là mục đích mà con người muốn hướng tới ở vị trí cao nhất.
https://vnexpress.net/tac-dung-phu-cua-covid-19-4086324.html