Rồi ngày thứ hai, trên đường từ Núi Sam Châu Đốc về Núi Cấm, theo QL91 được chừng nửa đoạn đường đến Nhà Bàng thì gặp một đội CSGT và công nhân chặn lại:
Đường đang sửa chữa nên các xe phải chạy vòng theo đường tránh N1. Và cũng chính nhờ phải đi đường tránh nầy mà mình lại có dịp nhìn những khung cảnh của một vùng quê hương biên giới tuyệt đẹp.
Nhơn Hưng. Một con đường trải nhựa nhỏ, phẳng phiu với những vườn cây thốt nột xanh mượt chạy dài và trải rộng. Ngôn từ như bất lực để có thể diễn tả được phần nào cái đẹp và đặc biệt là những xúc cảm mà nơi nầy dành cho khách qua đường. Đành gửi các bác vài bức ảnh và mong, chúc các bác có dịp đi qua một nơi tuyệt đẹp nầy để tự trải nghiệm thì mới có thể cản nhận được những gì mà Nhơn Hưng mang lại.
Đường N1 qua Nhơn Hưng - chạy dọc biên giới Việt Nam - Campuchia
Đường vào Đình Nhơn Hưng
Thốt nốt....
Các chai PET dần dà thay thế các ống tre để lấy nước từ bông thốt nốt, đây là nguyên liệu để làm đường thốt nốt, hay rượu thốt nốt...
...Rời đường N1, qua TT Nhà Bàng theo ĐT-948 để về vùng Thất Sơn Huyền Bí mà trung tâm là Núi Cấm - Thiên Cấm Sơn. ĐT-948 tuy không rộng nhưng cũng tráng nhựa khá tốt, mùa hành hương khách thập phương tụ về nên xe cộ cũng khá đông vui, phần nhiều là xe gắn máy. Hai bên đường phong cảnh tươi tốt, thanh bình với những hình ảnh đặc thù của một "Thủy Chân Lạp" dạo nào, những cánh đồng lúa xanh tươi xen lẫn những rừng cây thốt nốt và khá nhiều chùa theo kiến trúc Km'Mer của Phật Giáo Nguyên Thuỷ. Ta cũng sẽ thấy nhiều căn cứ, doanh trại của bộ đội, nó nhắc nhớ về một thời binh lửa đã qua và cũng chừng như về cái giá về sự cảnh giác cho một nền hoà bình quý báu….
Thiên Cấm Sơn
Là ngon núi "phong phú" nhất trong cụm thất sơn của vùng Bảy Núi. Dân gian và các nhà văn phương nam đã có nhiều công bút mực để thêu dệt bao nhiêu huyền thoại về vùng nầy..với bao chuyện rắn thần, ông đạo, thuốc linh và bùa chú…pha trộn của hai nền văn hoá Việt và Kh'Mer…
Ngày nay, Thiên Cấm Sơn đã được Cty Du Lịch An Giang đưa vào khai thác. Đường lên núi đã được làm bằng béton ngon lành. Tuy nhiên khách du lịch, nếu không phải là người muốn thử sức đôi chân với 3 km đường dốc chỉ có hai lựa chọn hoặc đi xe honda ôm để thử thần kinh với cảm giác mạnh hoặc là dùng dịch vụ xe đặc chủng (
SUV 7 chổ máy dầu - Tài xế là thổ địa chạy hàng ngày, quen đường chạy khá an toàn nhưng cảm giác chắc không thua cảm giác ngồi trên đường đua Raily…)của Cty DuLịch. Xe hơi cá nhân, vì lý do an toàn, không được chạy lên núi.
Đêm Long Xuyên
NGƯỜI PHƯƠNG NAM
(Viếng hương hồn người xưa mở đất phương nam)
Trăng phương nam như tan trong sương
Người phương nam cạn chén "hồ trường"
Từ giã kinh kỳ bạt lau lách
Đuổi thú hung tàn dạt biển Đông
Người phương nam ngày xưa áo tơi
Dòng Hàm giang cuộn sóng không lời
Đêm sâu đối ẩm tràn chung rượu
Rượu say tim bốc đến tận trời
Người phương nam đi là cứ đi
Một chiếc ghe con có sá gì
Đời lắm phong trần nên lỗi hẹn
Không cần danh vị, bỏ vinh quy
Người phương nam say thì say trọn
Người phương nam buồn thì buồn sâu
Nỗi nhớ cố hương còn chếnh choáng
Văng vẳng ầu ơ, giọng ví dầu...
Cạn chén này đi rồi bạn về
Bạn ở kinh kỳ, ta ở quê
Phương nam nhuốm khóc tình tri kỷ
Bạn bước xa dần ta tái tê...
Vũ Hồng - 1993
Đêm phương nam ở Long Xuyên bây giờ cũng ngập trong lung linh ngọn đèn hoa phố hội. Mà sao, ngoài kia gió sóng đầu sông Hậu vẫn như cứ miên man một nỗi nhớ thật lạ lùng. Hai thằng bạn già cũng vốn sinh là con dân miền châu thổ… nhẫm tính cũng đã được mấy đời…thế mà đêm nay, trong tiếng đàn kìm bổng trầm của bác nghệ nhân già, thì tận trong lòng sâu vẩn thổn thức một niềm riêng… vẫn mang một chút gì như ray rứt quá !
"đêm rất dài mà câu vong cổ dỡ dang
chim bói cá Tầm Vu áo bà ba Miệt Thứ…"
Vọng cổ…mãi vẫn là "vọng cổ buồn"… cũng như "trường tương tư" là cái tình của Quan Họ vùng Kinh Bắc và "khí khái cương thường" là cái lý của nghệ Tuồng xứ Quảng đàng trong. Có khi chếnh choáng chút rượu nồng và thăng hoa với tình bằng hữu, có người đã "phát minh" ra rằng: Cái chất vọng cổ nó buồn là bởi vì nó là "đặc sản" của những người Việt phương Nam, những người đã vì chén cơm manh áo, vì ân cõi nghĩa bờ…mà hơn 300 năm trước đã để lại sau lưng vùng Kinh Bắc câu Quan Họ người ơi, đã bỏ lại sau lưng biển xanh ngàn mây vùng Ngũ Quảng để hành phương Nam. Nơi phương nam xa xôi biên viễn đó, đêm ngân nga câu vọng cổ….lòng nhớ nhà "thấy bà cố" thì vui sao được mà vui !
Trăng phương nam như tan trong sương
Người phương nam cạn chén "hồ trường"
Nhà thơ Quang Dũng mới rời xứ Đoài đi kháng chiến có mấy năm mà đã nhớ nhà như thế nầy:
Bao giờ trở lại đồng Bương Cấn
Thăm núi Sài Sơn ngóng lúa vàng
Sông Đuống chậm nguồn quanh Phủ Quốc
Sáo diều thao thức suốt canh thâu
Quang Dũng
….còn trong đây, những đứa con phương nam đã xa quê cả một con đường cái quan thiên lý, cả tam bách niên thương hải tang điền…và nẻo về thì sao nó vẫn còn ngao ngán quá khói rơm xưa
. Nên cái buồn của vọng cổ là cái buồn "nhớ nhà" tuyệt vọng. Đã vậy, bác Cao Văn Lầu, khi viết Dạ Cổ Hoài Lang lại cám cảnh tình riêng mà "ấn chứng" cho bài vọng cổ đầu tiên cái nỗi buồn nhớ chồng (ông "nhà" của tui)….thì cái nỗi buồn đó đã buồn thì nay lại càng buồn thấu xương thấu ruột…
"…Đêm càng về khuya câu ca như càng thấm trong sương, tình mới gặp mà đã là tình trắc trở…" giọng ca của đôi uyên ương tài tử xứ Long Xuyên vẫn hoà cùng tiếng đàn kìm đưa người nghe vào một không gian xưa thẳm…Đường đã khuya, luyến lưu từng bước xe người rời…đêm phương Nam buồn tan trong sương.
Ngày 3 Long Xuyên - Cần Thơ - Trà Vinh
Từ Long Xuyên về Cần Thơ thì (trong chuyến nầy) cũng không có gì đáng nói. Kể ra thì cũng xin các bác miễn thứ chứ xứ Trà Vinh thì mãi, lần nầy Phuni tui mới có dịp về qua. Nhìn trên bản đồ, hai thằng già quyết định sau khi qua cầu Cần Thơ sẽ đi theo tuyến QL-54 và 60 để về Trà Vinh. Tuyến đường dẫn ta qua một vùng châu thổ trù phú nằm giữa hạ lưu hai con sông Tiền Và sông Hậu. Trước khi đổ ra Biển Đông với hai cửa Cung Hầu và Định An, hình như còn bao nhiêu mật ngọt phù sa thì dòng Mekong đã hào phóng mà trao tặng hết cho vùng đất nầy.
Đoạn đầu QL-54 phía Cần Thơ là Trà Ôn. Có qua vùng nầy, ta mới thấm vì sao nơi đây lại sinh ra một kỳ tài vọng cổ là Ông Vua ÚT TRÀ ÔN. Đất ngọt lành với những ruộng lúa tuy không mút mắt như vùng An Giang Đồng Tháp, nhưng cảnh quan lại hết sức trữ tình nhờ những vườn trái cây xinh tươi xen lẫn. Mùa tháng ba, người Saigon sẽ như được bớt chút nắng nồng khi đi trên con đường NTMKhai với những xe bán trái Thanh Trà vàng cam rực rỡ….Thì nay, phuni tui mới biết xuất xứ của những trái thanh trà đó chính là vùng đất Trà Ôn nầy. Hai bên đường, những vườn thanh trà cao rợp bóng, những vườn mận, bưởi, cam sành….trĩu quả…
Có đi qua vùng những vùng đất phương Nam nầy thì ta mới càng thấm thía thêm đến nao lòng khi nghe lại khúc Tình Ca của nhạc sỹ Hoàng Việt. Người nghệ sỹ tài hoa của Miền Nam nầy, khi trở lại Miền Nam trong thời khói lửa với ấp ủ là viết bản một bản giao hưởng cho Nam Bộ. Ý nguyện chưa thành thì ông đã hy sinh. Tuy nhiên, lòng yêu quê hương của ông , trong thời gian ngắn ngủi nầy cũng đã kịp để lại cho đời những lời ca bất hủ:
"Sóng nước Cửu Long còn đó em ơi
bãi mía nương dâu còn mãi muôn đời
là còn riêng tình ta với trong tiếng ca
chung thủy thiết tha...."
Hoàng Việt
Về miền tây trong những năm gần đây, nếu tinh ý, ta sẽ thấy có những đổi thay trên những cánh đồng nam bộ.: Ruộng như ngày càng lớn, càng phẳng, bờ ngày càng ít, máy ngày càng nhiều, người ngày càng vắng, càng như thãnh thơi hơn và lúa thì ngày càng nhiều…Người nông dân vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long đã biết ứng dụng công nghệ làm cho đất thật phẳng với máy làm đất, điều khiển/kiểm soát với tia laser, họ đã tìm tòi lai tạo nhiều giống lúa mới, cho đẻ nhân tạo hầu hết các giống cá có giá trị thương phẩm cao để phần thi nuôi bán và cũng không quên hào phóng hàng năm thả về tự nhiên hàng triệu con cá giống và đặc biệt là họ đã có thể thực sự hợp tác để làm được mô hình "cánh đồng lớn". Hàng chục, hàng trăm nông dân có đất đã tổ chức lại để cho ruộng đất liền nhau thành những cánh đồng hàng trăm mẫu…từ đó chi phí giãm 30%, doanh thu tăng từ 30 - 50% và bán chắc ăn vì có đầu ra ổn định, tin cậy. Ảnh trong bài cho thấy là các máy gặt đập liên hợp đã trở thành "chuyện thường ngày ở huyện" và người nông dân trong mùa thu hoạch bây giờ thì tập trung vào mỗi việc coi lúa vô bao chứ không "vái trời bái đất" "bụng thóp lưng cong" như trước đây…
Cha Quangdung1955 chừng như vẫn còn "tủi thân" về cái thời dân Nam Kỳ Lục Tỉnh mà phải ăn bobo nên hỏi bâng quơ một câu trớt quớt:
- Ủa! cũng mấy cha nầy mà sao thời 77 - 80 kêu gom ruộng vô tập đoàn mấy chã trốn mất mà giờ tự nhiên làng nước hỏng biễu mà lại tụ tập làm "Cánh Đồng Lớn" ta ? Khó hiểu, khó hiểu….
- Ông hỏi tui thì tui biết hỏi ai? thôi nhảy xuống chụp hình đi cha nội. Sau nầy con cháu mình, nếu trời phù hộ tụi nó chịu học sử, sẽ có đứa lý giải cho nghe. Đừng có chưa già mà sinh sự chi cho mệt.
Qua Trà Ôn rồi Cầu Kè - Tiểu Cần… cung đường đang được làm mới rộng hơn và chắc là sẽ đẹp hơn, nhưng đó là chuyện sau nầy, chứ còn bây giờ thì bò hơi mệt vì đường toàn đá dăm.
Vào thị xã Trà Vinh….không hiểu sao lúc ấy lại liên tưởng đến câu:
"Một hôm bước chân về phố nhỏ - thành phố đã đi ngủ trưa" TCS
Đường vào TX Trà Vinh rợp bóng hàng cây dầu cổ thụ xen những hàng phượng vĩ đang mùa hoa. Thị xã nhỏ và tĩnh lặng…nhẹ nhàng buồn như mặt nước ao Bà Om và trầm mặc như những ngôi chùa Miên trăm tuổi.
Rời Trà Vinh, nơi một lần ghé qua cho biết….về lại Saigon theo hướng QL 60 qua phà Cổ Chiên…Cách nhau có một con sông, nhưng Bến Tre bây giờ nhờ giao thông thuận lợi nên đã trông có vẻ xuân sắc hơn nhiều so với người láng giền bên kia sông, Trà Vinh. Nghe tin công trình cầu Cổ Chiên cũng đã khởi động. Mong rằng rồi đây giao thông miền đồng bằng sẽ thông thương, để cảnh và người đồng bằng sẽ càng ngày càng thanh tân mỹ lệ như nó vốn đáng được như thế.
Cũng không ngờ rằng, đây là hình ảnh cuối cùng Phuni chụp chung với người bạn đường Honda Prelude sau nhiều năm với bao phong trần gắn bó…
(Hết)