Cách đây hơn 10 năm cứ đêm đêm làng em lại có một bác bán bánh mì đạp xe bán bánh trong làng. Ngày nào cũng như ngày nào. Đến nỗi cứ nghe "Mì nọọọọc (nóng - tiếng Hà Đông) đê" là cả xóm biết mấy giờ rồi. Mưa gió cắt da, đêm hôm khuya khoắt không nghỉ ngày nào. Em vẫn thường mua bánh ủng hộ bác rồi có một lần vui miệng hỏi thăm. Bác vừa lấy bánh vừa kể rất tự hào: dạ nhà cháu có 2 thằng con đang học đại học, cháu đi bán để thêm thắt nuôi hai đứa chúng nó. Thằng lớn sắp ra trường rồi còn thằng bé mới năm thứ 2. Mẹ các cháu ở nhà làm nông...Thực sự câu chuyện chạm đến trái tim bất cứ ai được nghe.
Rồi em lại được biết có ông bố ở Thanh Hoá lên Hà Nội làm đủ thứ nghề vất vả cực nhọc để kiếm tiền, đêm ngủ ống cống nuôi hai con học đại học y khoa.
Sau đó em có một cái khách sạn nhỏ ở Sài Gòn, cứ định kỳ có một nhóm công nhân đến móc cống trước cửa khách sạn. Họ mặc quần áo bảo hộ bằng cao su và nhẩy xuống nạo vét trong làn nước sình lầy hôi thối. Cũng có những lần nước ngập cống, bộ quần áo trở nên vô tác dụng, họ cởi trần nhảy đại xuống moi móc rồi xin nước dội sau. Một lần em thấy một cậu thanh niên trẻ nói với bác thợ già: Ba để đó con xuống cho. Chỗ đó sâu lắm ba. Rồi cậu nhảy xuống. Em mới hỏi bác thợ. Em đó là con bác hả bác? Bác bảo ừ nó là thằng thứ 2 nhà tôi đó. Hai thằng nhà tôi làm cùng mà hôm nay thằng lớn nó đi tổ khác. Lúc đó em thấy đau, thấy thương. Thương và cảm kích tình cha con của bác thợ móc cống già. Người ta nghèo nhưng người ta nuôi được đứa con dù móc cống nhưng vẹn toàn nhân cách.
Nhưng mà nói gì thì nói, đúng là cuộc sống bây giờ quá nhiều áp lực. Cơm áo gạo tiền đè nặng trên vai những người làm cha mẹ. Nuôi con đã khó, dạy con còn nghìn vạn lần khó hơn khi xã hội đã thay đổi. Những giá trị văn hoá cũng dần mất đi. Quan điểm về cuộc sống lại càng ngày càng khác biệt. Thế nên em nghĩ đứa con là động lực hay là gánh nặng tuỳ quan điểm mỗi người.