Máy rửa bát nội địa Nhật – model cũ và mới.
Nhật có nhiều thương hiệu máy rửa bát: Toshiba, Zojirushi, Mitsubishi... nhưng ở VN ưu dùng và dùng nhiều là Panasonic nên nhà cháu sẽ tập chung phân tích thương hiệu này. Sau nhiều thời gian bán tìm hiểu, nghiên cứu và trao đổi với 1 số anh em cùng ngành nghề. Thời gian này rảnh cháu tổng hợp lại các kiến thức cho cụ nào quan tâm tìm hiểu về dòng máy rửa bát Nhật như Nồi cơm Nhật cháu từng viết.
Model thế hệ cũ là Pana TR và model mới là Pana TH, TZ ( còn có TM ( Phân khúc tương đương với TZ),TA và TZ Model cao cấp nhất của Panasonic )
1. Kiểu dáng – Đều là máy độc lập kiểu để bàn. Máy TR với 2 cửa mở lên trên và xuống dưới. Máy TH cả 2 cánh đều mở xuống dưới, giống như dòng TM của thế hệ cũ.
2. Kích thước và dung tích – Vẫn theo tiêu chuẩn kê đồ của họ, chiều rộng 550-560mm, chiều sâu 340-350mm. Chiều cao máy TH cố định 598mm, với máy TR khi mở cánh hất lên thành 630mm.
Dung tích xếp đồ trong lòng máy tương đương nhau, máy TH, TM, TZ hình vuông nên cảm giác rộng hơn chút, xếp đồ khay trên dễ hơn chút.
Ba vị trí tay phun nước và vị trí phun cố định không có gì thay đổi.
3. Chất liệu – không thay đổi gì, chủ yếu là nhựa, trong lòng máy hoàn toàn bằng nhựa. Cả máy chỉ còn chi tiết bản lề cửa là inox. Cá nhân mình thích lòng máy và đáy máy bằng inox toàn bộ, sẽ sạch sẽ và dễ vệ sinh hơn.
Nếu bê máy và cảm nhận thì thấy máy mới nhẹ hơn so với máy cũ.
4. Thiết kế - đây là phần thay đổi nhiều nhất của thế hệ mới này.
- Phin lọc rác – Máy TR hoặc TM thiết kế kiểu giữ rác bằng tấm lưới, rác sẽ được giữ lại từ đầu đến cuối, nước tuần hoàn luôn đi qua phần rác này, kể cả giai đoạn tráng cuối cùng, nước bẩn hay nước sạch thì cũng đều đi qua phần rác này rồi mới phun lên đồ rửa. Sau mỗi lần rửa sẽ mang lưới lọc ra vệ sinh, tránh tắc nước tuần hoàn những lần rửa sau. Thiết kế kiểu này làm lòng máy luôn bị váng mỡ, bẩn và gây mùi, khuyên mọi người nên vệ sinh thường xuyên. ( Rất nhiêù trường hợp không vệ sinh rác bị mủn, lọt xuống bên dưới đi qua bơm, gây tắc bơm xả)
- Máy mới đã cải tiến phần này, chuyển sang dùng phin lọc 3 lớp giống như máy châu Âu và TQ. Rác nhỏ không còn giữ lại nữa mà được thải đi, rác to thô mới giữ lại. Lòng máy sẽ sạch hơn nhiều, và ít mùi hơn. Thời gian làm vệ sinh phin lọc cũng dài hơn. Với kiểu cũ là làm vệ sinh hàng ngày sau mỗi lần rửa, còn kiểu mới có thể để 7 đến 10 ngày mới phải làm vệ sinh. Chỉ tiếc chi tiết lưới lọc cũng bằng nhựa, mà không làm bằng inox cho sạch sẽ hơn.
- Sợi đốt gia nhiệt đun nước không còn nằm trong khoang rửa nữa, mà chuyển xuống gắn ở đầu bơm, giống như máy châu Âu và TQ. Thiết kế này có ưu điểm tránh trường hợp đồ nhựa rơi vào thanh đốt làm hỏng đồ. Đồ ăn thừa không bám két vào gây mùi như máy cũ.
- Bơm xả - máy thế hệ cũ dùng chung bơm xả và bơm phun rửa với nhau. Máy mới đã tách rời ra, dùng bơm xả riêng, giống như máy châu Âu và TQ. Như model TH thì dùng bơm của Hanyu TQ, xem hình đính kèm.
- Bơm chính - máy thế hệ cũ dùng động cơ Inverter, thay đổi tốc độ. Máy mới dùng kiểu động cơ không đồng bộ, hãng Nidec, không thay đổi tốc độ. Kiểu bơm này có nhiều trên các máy của châu Âu, vd như Elec ESF5511.
Như thế với máy thế hệ mới này không còn chi tiết nào gọi là Inverter nữa, mọi người khi tìm hiểu về máy này, nếu người bán nói máy có Interver tiết kiệm điện nọ kia … thì nói họ chỉ cho Inverter nó ở chỗ nào.
- Sấy khô – máy cũ sử dung thanh đốt đun nước gia nhiệt ở chu trình sấy kèm quạt thổi, kiểu thiết kế này bắt buộc thanh nhiệt phải nằm nổi khi xả hết nước. Vì nằm nổi nên khi xả nước đi sẽ hay bị đồ ăn bám vào … đến chu trình sấy thì đồ ăn thừa sẽ bị đun nóng và cháy lên, nên mọi người dùng sẽ hay ngửi thấy mùi khét, hoặc hoi hoi nồng nồng là vì thế. Chịu khó vệ sinh sẽ đỡ đi phần nào.
Máy kiểu mới đã tách biệt phần sấy riêng, đặt bên hông phải máy, dùng sợi đốt gia nhiệt và 1 quạt thổi bên hông, không sợ bị mùi hoi nồng của đồ ăn nữa. Kiểu thiết kế này giống như các máy 8 bộ TQ, vd như Texgio hay Fujishan. Nếu so sánh kỹ nữa, thì máy Pana TH này phần sấy sẽ kém chút so với máy Texgio model mới ra, nó sử dụng 2 quạt, 1 thổi và thêm 1 hút nữa.
5. Vận hành – Máy TR theo nguyên lý chung ; Phun sương làm ẩm – rửa – tráng – sấy khô. Máy TH bỏ đi phần phun sương , chạy rửa luôn.
Bấm nút vẫn khó cho người không biết tiếng, khắc phục bằng cách Việt hóa bàn phím. Máy mới phần đèn hiển thị chương trình rửa hơi mờ, khó nhìn cho người già. Vẫn không có tùy biến điều chỉnh chọn chương trình rửa măc định để thao tác nhanh cho người dùng, vd chỉ cần 2 thao tác On và Start như máy châu Âu hay TQ.
Vẫn chung thủy khi tắt nguồn hoặc mất điện thì chạy lại từ đầu, chứ không nhớ chương trình để chạy tiếp.
6. Độ ồn của máy vẫn thế, vẫn phun rào rào và nghe rõ tiếng phun.
7. Bột rửa – Vẫn sử dụng như cũ, đều cần có bột để rửa, hình ảnh đính kèm mình có đánh dấu vị trí cho bột của máy TH.
8. Độ sạch – máy rửa sạch, với điều kiện cần có bột rửa như yêu cầu và nguồn nước cấp cho máy là nước sạch.
Cả 2 máy đều không có phần làm mềm nước, xử lý đá vôi. Nếu là model máy dùng cho thị trường TQ sẽ có hộc chứa muối ở đáy, vd model TH1SECN.
Có nhiều bạn nhầm lẫn cứ nghĩ lắp thêm lọc thô là sẽ sử lý được đá vôi trong nước, Có thêm lọc thô là tốt, nhưng để xử lý đá vôi phải là lõi hạt nhựa Cation, sẽ thay mới hoặc dùng muối để hoàn nguyên tái sử dụng.
9. Tiêu thụ điện - ở chế độ tiêu chuẩn, mức trung bình 0,6 – 0,7kWh bao gồm cả phần sấy khô. Máy mới tiêu thụ điện nhỉnh hơn chút xíu so với cũ, đo trong cùng điều kiện nguồn nước và điện như nhau.
10. Với các thay đổi của máy thế hệ mới như thế mình thấy là ổn. Đặc biệt là phần thiết kế, nhà sx không bảo thủ kiểu cũ nữa, mà thay đổi giống như máy châu Âu và TQ, lòng máy sạch hơn nhiều và cũng dễ vệ sinh hơn.