Thu nhập chưa tương xứng để sở hữu ôtô, cho dù có những gói kích cầu của Chính phủ, thì cũng dẫn đến rất nhiều hệ quả.
Đọc bài về hệ quả của Thái Lan sau thời gian phát triển nóng ôtô mới thấy chính sách hạn chế xe ở Việt Nam là đúng đắn. Nếu không kìm hãm, Việt Nam cũng sẽ rơi vào tình trạng tương tự Thái Lan, thậm chí còn bết bát hơn.
Trước hết, để người dân có thể mua ôtô, những thuế phí, lệ phi phải giảm xuống. Nhưng đó mới chỉ là một phần, dù có bỏ hết thuế phí thì giá xe vẫn còn cao hơn rất nhiều so với thu nhập trung bình của người Việt. Do đó cần có chương trình kích cầu bằng cách hỗ trợ cho vay hoặc thu nhập.
Lấy ví dụ chiếc Toyota Camry ở Thái Lan giá 40.723 USD, thu nhập bình quân đầu người là 5.779 USD, trong khi giá xe ở Việt Nam cao hơn, mức 49.944 USD, nhưng thu nhập lại thấp hơn, chỉ là 1.910 USD. Nếu không ăn tiêu, người Thái mất 7 năm để mua xe, còn người Việt là 26,1 năm. Như vậy nếu làm phép tính đơn giản, muốn người Việt mua được xe dễ dàng như người Thái, cần gói kích cầu gấp gần 4 lần những gì mà chính phủ Thái làm năm 2011.
Nhưng kích cầu đi cùng với bội chi ngân sách, đồng thời vì giảm thuế nên thu giảm, từ đó dẫn tới thâm hụt ngân sách là điều dễ hiểu. Để bù vào khoản này, lại phải tăng thuế phí ở đâu đó, kết quả như nhau. Khi chính phủ không có tiền để hỗ trợ ngân hàng cho vay, thì không ngân hàng nào dám cho người dân vay tiền lâu dài để mua xe một cách dễ dàng cả.
Khi chính phủ không còn nhiều tiền, thì đồng nghĩa với việc không có vốn đầu tư vào hạ tầng giao thông. Vậy cứ mua xe ồ ạt, rồi không có đường đi, thì có phải là cách hay? Những người trọng lý thuyết "có gà thì có trứng", cứ có xe sẽ phải có đường chắc hẳn không thích điều này.
Dù mong ước ôtô, nhưng cần nhìn nhận thực tế và công bằng. Phát triển ồ ạt thời gian đầu, rồi đến lúc vỡ, xuống dốc không phanh như nền công nghiệp ôtô Thái Lan hiện nay, thì ảnh hưởng trực tiếp đến người lao động. Đơn cử, một hãng xe giảm nửa công suất, đã có rất nhiều công nhân thất nghiệp.
Như vậy các bạn muốn đi ôtô, thì tốt nhất nên làm việc chăm chỉ, mang nhiều ngoại tệ về cho đất nước, đẩy thu nhập của mình lên. Khi đó khoảng cách đến giá xe sẽ không còn xa, cơ hội sẽ hẹp lại, mọi thứ đều có con đường phát triển tuần tự của nó, không thể đốt cháy giai đoạn.
Hân Phạm
Comment:
Phân tích thiếu cơ sở, chỉ nhìn nhận ở một phía cạnh của vấn đề. Tuy nhiên, một thực tế là đa phần người Việt còn cách rất xa giấc mơ 4 bánh, khi nào chưa giải quyết được những vấn đề thượng tầng thì mãi mãi sẽ là kẻ đi sau, kinh tế kém phát triển/phát triển kém bền vững. Kéo theo là nhu cầu dân sinh không thể đáp ứng, trong đó có ô tô cho người dân.
Jack Le - 09:11 29/07
Đáng suy nghĩ...