Sài Gòn vốn nhiều thứ miễn phí, như cái tính cách hào sảng, thích cho đi của người sống ở Sài Gòn.
Những điều miễn phí giản dị
Có một nhà văn từng viết, "Kể cũng lạ, Sài Gòn là thành phố gì mà kì cục, đi đâu cũng có thể thấy những thứ miễn phí". Miễn phí từ cái công viên được biến thành "quán cà phê lớn nhất Sài Gòn", ngồi miễn phí, hóng gió miễn phí, đến những ngôi nhà rộng lòng đón hàng trăm, hàng ngàn thí sinh từ các tỉnh về "ở nhờ" để thi Đại Học, cũng miễn phí.
Chữ "miễn phí" ở khắp nơi
Mà nhiều nhất là những thùng trà đá miễn phí ven đường, ai khát thì đến uống. Rồi sửa xe miễn phí cho người nghèo, tủ thuốc miễn phí trong vài con hẻm, cơm miễn phí trong bệnh viện, trước cổng trường, rồi gần nhất là cả một tủ bánh mì miễn phí. Người ta tặng những thứ miễn phí kia tự nhiên như "chuyện thường ngày ở huyện", còn người nhận cũng..tự nhiên nhận, trân trọng và gìn giữ.
Đó là cách mà hai từ "miễn phí" được nhân rộng ở Sài Gòn. Đó cũng là cách mà hai từ "miễn phí" hay "từ thiện" trở nên dễ thương, với ý nghĩa dễ thương.
Nhưng "miễn phí" dành cho ai?
Bằng một cách nào đó, thùng trà đá miễn phí, quán cơm 2000 đồng hay tủ bánh mì miễn phí bỗng dưng được mặc định là "để dành" cho những người lao động nghèo, những người có thu nhập chưa cao trong mắt nhiều người.
Dĩ nhiên, điều đó không phải là không đúng, khi mục đích ban đầu của những thứ miễn phí được lập ra là để san sẻ gánh nặng cho người lao động, ổ bánh mì cũng bớt được tiền một bữa ăn, ly trà đá giải nhiệt, không cần phải đi mua nước uống thêm, với người lao động nghèo, tiết kiệm được một khoản nhỏ cũng là một niềm vui lớn.
Rồi chính cái mặc định có phần "cố chấp" đó đã khiến nhiều người có định kiến với chuyện những người "không nghèo" sử dụng "đồ miễn phí". Thấy người ta đi xe hơi, ghé vô thùng trà đá miễn phí uống nước cũng không ưng, thấy đi xe máy, ăn mặc lịch sự vào lấy một ổ bánh mì thì không thích, hay thấy mấy người "thành đạt" ngồi ăn cơm 2000 đồng, hay tự nhiên lấy một hộp cơm chay từ thiện ngồi ăn cũng bảo rằng "không được".
Tự nhiên hai chữ "miễn phí" nó chẳng còn dành cho mọi người nữa, mà bị...rạch ròi mất rồi.
"Miễn phí" dành cho ai?
Nhưng có bao giờ bạn nghĩ, chuyện đi xe gì, mặc đồ ra sao, là ai, đâu thể nhìn qua vẻ bề ngoài, và nếu có thì câu chuyện phía sau của những người nằm trong nhóm "không được sử dụng đồ miễn phí" kia có khi mình chẳng bao giờ biết được. Như một cô chủ tủ bánh mì miễn phí từng nói: "Người ta cần thì người ta mới lấy, chứ không cần thì người ta lấy làm chi?"
"Hổng có lòng, hổng có làm người Sài Gòn được đâu"
Giữa hàng loạt thông tin trái chiều, khi người ta đang tranh cãi nhau về chuyện "miễn phí dành cho ai?", lên án những người được cho là "không nghèo" là tham lam, là...hôi của, khi người ta đang rần rần chia sẻ một đoạn clip về chuyện tủ bánh mì từ thiện đang bị nhiều người lợi dụng thế nào, thì những dòng tâm sự từ một địa chỉ Facebook đã khiến nhiều người phải suy nghĩ:
"Mình có quen cậu Hùng, quán cơm 2000 bên quận 10. Mấy lần mình đến hỏi, cậu nói người đeo vòng vàng, xe tay ga đến ăn nhiều lắm nha. Bị vì họ ủng hộ tiền gạo, tới ăn coi chất lượng cơm mình nấu cho bà con có bảo đảm không. Nhiều người giàu có lắm mà có mình ên, thèm cảm giác ấm cúng nên ngồi lặng lẽ ăn với vé số, ve chai. Thấy vui vui, thương gì đâu. Sau mỗi lần có họ, số tiền gạo ủng hộ tăng lên quá trời đất. Toàn những nhà hảo tâm ẩn danh, hông có nói tên tuổi. Bởi vậy, Hùng nói ai tới quán cũng vui, cũng có tâm ý riêng cả. Chớ ai đi ăn chực mà đeo vàng chạy tay ga hà rầm vậy. Thiệt tình.
Hồi mình đi theo chị Lan vô bệnh viện mắt phát cơm miễn phí. Còn dư vài hộp, chị Lan mời mình ăn, mình hổng từ chối. Mấy dì mắt băng một con, một con chạy liến thoắng hỏi chớ con mần báo mà cũng ăn cơm này sao? Mình nói, dạ ăn chớ, mấy dì ăn được thì con ăn được. Ta nói, bữa cơm hộp sân bệnh viện nó ngon quá chừng.
Mình đi viết bánh mì từ thiện. Quần Việt Tiến áo An Phước đường hoàng. Mình với tay lấy một ổ bánh mì gặm. Anh bảo vệ cười toét mắt. "Hiểu rồi nha. Ăn mới hiểu mà thương bà con chớ. Tui cũng ăn nè. Nhà báo quất một bài thiệt ngon để bà con ấm lòng, tới ăn ủng hộ nha".
Bạn thấy đó, có những điều không như mình nghĩ, càng xét đoán càng thấy tiêu cực ngất trời, càng thấy Sài Gòn sao "xấu xí", sao toàn những chuyện buồn lòng.
Nhưng mà, "Người Sài Gòn hào hiệp dễ thương lắm à. Người Sài Gòn hổng có lấy không của ai cái gì đâu".
Nếu mà ai cũng phải suy nghĩ cái này dành cho ai, không dành cho ai, thì chắc chẳng còn ai muốn mở ra bất cứ điều gì "miễn phí" nữa. Vì sợ, sợ người ta không "nghèo" mà vẫn lấy, vì mệt, mệt vì phải ngồi canh chừng coi ai vào lấy.
Bạn có bao giờ nhìn những tấm biển miễn phí không? Nó sẽ như vầy: "Bánh mì miễn phí, mỗi người một ổ", "Trà đá miễn phí, uống thoải mái", "Cơm chay miễn phí, cho người cần", chứ đi hết Sài Gòn, tìm mòn mỏi cũng không thấy ở đâu người ta để thêm "dành cho người nghèo, người lao động, người thu nhập thấp" cả. Nếu có, cũng là "dành cho người thu nhập chưa cao". Như một sự tôn trọng, như một sự cởi mở rất Sài Gòn.
Cơm dành cho người có thu nhập chưa cao, cón bạn đã có thu nhập..cao rồi, thì vẫn cứ ăn, để biết, rồi ủng hộ quán cơm
Chỉ đường miễn phí, ai cần thì thấy
Đối với Sài Gòn, miễn phí cho người nào cần, đơn giản vậy thôi.
Có khi "cần" ở đây là cần để hiểu, để cảm thông, hiểu rồi thì người ta ủng hộ, rồi nhân rộng những thứ miễn phí này cho những người đang cần khác. Chứ có gì đâu!