Cụ chủ Pic chữa đến đâu rồi. Em gần như khỏi mấy hôm nay lại đang bị tái lại. Đang chưa biết phải làm sao
Bác chủ đỡ chưa? Em cũng đang trong tình trạng này. Thấy khó chịu vô cùng. Đang cố gắng tập thể dục mong qua được thời gian hiện tại
Bệnh các cụ đang bị gọi là rối loạn lo âu, một dạng nhẹ của rối loạn hệ thần kinh thực vật. Bị bệnh này các cụ cần tránh tuyệt đối:
- Các chất kích thích tác động vào hệ thần kinh như: thuốc lá, rượu, chè, cafe, thậm chí nước giải khát...;
- Để/bị lo lắng, stress.
Khi xuất hiện các triệu chứng, các cụ nên dừng công việc hiện tại lại; thả lỏng cơ thể, nghỉ ngơi; lắng nghe trạng thái cơ thể mình; các cụ có thể đi bộ, ra chỗ thoáng ngồi hoặc thiền... nhưng quan trọng, các cụ phải giữ tâm thật tĩnh, gạt bỏ mọi lo lắng ưu phiền ra khỏi đầu để lấy lại được sự ổn định và trạng thái cân bằng trong tâm trí.
Các cụ nên đi khám tại khoa Nội thần kinh của các bệnh viện lớn (bệnh viện Đại Học Y Hà Nội chả hạn) để được chuẩn đoán chính xác về bệnh, đỡ tốn tiền khám và tiền làm xét nghiệm hàng loạt các triệu chứng các cụ cảm thấy đang xảy ra nhưng thực tế cơ thể lại không hề bị.
Bệnh có thể khỏi (các triệu chứng biến mất hoàn toàn), thời gian chữa bệnh dài (từ 6 tháng đến 2 năm, tuỳ vào mức độ bệnh) và bệnh có thể tái phát. Để hạn chế tái phát bệnh (và cũng để bệnh mau khỏi), các cụ bị bệnh này phải thay đổi thói quen sống và cách suy nghĩ để có một cuộc sống lành mạnh cũng như cách tư duy đơn giản, em có thể liệt kê ra như:
- Ngủ đúng và đủ giờ (tránh thức khuya, thiếu ngủ), thói quen này đảm bảo cho các cụ không bị mất ngủ hay khó ngủ, phải ngủ được và ngủ đủ giấc thì mới đẩy lùi được căn bệnh này;
- Ăn uống điều độ, đúng giờ, đủ chất, tránh nhịn đói; không uống rượu bia và các loại đồ uống khác có cồn hay chất kích thích tác động lên hệ thần kinh;
- Không hút thuốc lá, đặc biệt là thuốc lá điện tử;
- Tập thể dục thể thao hàng ngày (đi bộ ngày 2 lần, mỗi lần 30 phút vào buổi sáng và buổi tối cách 2 tiếng trước khi đi ngủ);
- Hãy tập thói quen tư duy và xử lý công việc theo cách đơn giản nhất (ít phải suy nghĩ nhiều), nếu buộc phải suy nghĩ sâu (do tính chất công việc) thì hễ cảm thấy các triệu chứng sắp xuất hiện thì phải dừng lại nghỉ ngơi; thả lỏng toàn thân để đưa tâm trí trở lại trạng thái cân bằng rồi hẵng nghĩ tiếp, tránh kiểu cố nghĩ nốt cho xong khiến các triệu chứng trở nên trầm trọng thì bệnh rất dễ tái phát lại;
- Tránh không để rơi vào trạng thái stress, tức giận, cáu kỉnh khó chịu... (không ăn thua đủ, không cãi nhau, nhường nhịn khi xảy ra xích mích..., trong mọi trường hợp, nếu cho qua được thì cho qua luôn, khỏi bận tâm).
Lúc bị bệnh mới thấm thía giá trị của sức khoẻ là vô giá, nên khi khỏi bệnh các cụ hết sức giữ gìn, không phá sức, không cậy khoẻ mà làm bừa, thay vì điều đó, hãy quan tâm tới những người mà các cụ yêu thương bên cạnh các cụ hàng ngày.
Chúc các cụ mau khỏi bệnh.