- Biển số
- OF-554558
- Ngày cấp bằng
- 19/2/18
- Số km
- 861
- Động cơ
- 165,857 Mã lực
Tại sao em lại hứa hẹn với mợ review một cuốn sách khô khan trên mảnh đất vui tươi có quán cà phê ao ảo này nhỉ? Lẽ nào là tại duyên trời định? Hai ta không thể biết được và cũng không thể trả lời nhưng... địa lý đúng là do trời định thật."Bàn cờ lớn" của em đâu cụ? Cụ hẹn cuối tuần xong cụ mất tích luôn mấy tuần ạ .
Cuốn sách mà em chót nhận review là của một tay người Mỹ gốc Ba Lan mang dòng máu Do thái - Zbigniew Brzezinski – cựu cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ, một siêu diều hâu thực sự. Địa chính trị là chủ đề đã có nhiều người bàn đến, mới đây nhất là cuốn “Sự minh định địa lý” của Kaplan ... tuy nhiên, khi giới học giả nói về địa chính trị người ta chỉ nghe thấy những tiếng phều phào, còn khi giới chính trị gia nói về nó, ta nghe có tiếng trống trận sục sôi kìm nén.
Lịch sử chính trị và quân sự thế giới chính là lịch sử của khu vực Á – Âu. Thế nên sẽ không bất ngờ khi Brzezinski vẽ Á-Âu thành một bàn cờ lớn. Xuất hiện năm 1997, ‘Bàn cờ lớn’ cũng đề cập đến những vấn đề quốc tế hậu chiến tranh lanh, dù vậy viễn kiến của nó còn đi xa hơn với mục đích thực sự là góp phần xây dựng nên một địa chiến lược Á – Âu thích hợp và toàn diện nhằm đảm bảo cho Hoa Kỳ (siêu cường toàn cầu đầu tiên và duy nhất nằm ngoài khu vực Đảo Trung tâm) duy trì được tính ưu việt của nó trong (ít nhất) một tương lai nhìn thấy được. Muốn đạt được điều đó, Hoa Kỳ phải giữ/ kiểm soát được các khu vực ngoại vi ở cả châu Âu (thông qua NATO) và châu Á (thông qua Hiệp ước an ninh Mỹ Nhật, đồng thời chung sống với chế độ nhà nước Trung Hoa). Ngoài ra, hai cực chính trong chiến lược địa chính trị của Brzezinski là châu Âu và Trung quốc phải được kết nối và có sự cân bằng quyền lực dưới tác động và định hướng của Hoa Kỳ, tức là Hoa Kỳ phải có sự gắn bó mật thiết với hai khu vực này. Khi sự gắn bó của Hoa Kỳ với hai cực này đủ lớn thì các đối thủ chính là Nga, Đức, Pháp, Trung quốc và Anh sẽ bị cuốn theo lối chơi của người Mỹ.
Bàn cờ lớn là nơi người chơi cờ cũng là quân cờ mà quân tốt có thể hóa Hậu khi đạt đến hàng thứ 8. Thế nên, không nên trách Zbigniew Brzezinski đã thiển cận khi phớt qua vai trò các khu vực ngoại vi như Trung đông, Nam Á, Đông Nam Á…. Thực tiễn 22 năm sau khi “Bàn cờ lớn’ ra đời, vai trò của các khu vực này ngày trở nên quan trọng hơn trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ và những quân tốt năm xưa giờ đã hóa thành xe, thành tượng. Tuy nhiên, sự thiển cận ấy cũng có tác dụng gợi mở cho những người đi sau xem xét tác động của các khu vực ngoại vi lên chính sách đối ngoại của các siêu cường, cũng như xem xét đường hướng đối ngoại của nước Nga hiện nay tại các khu vực giáp Balkans và rìa Trung đông, đồng thời lý giải tình trạng tiến thoái lương nan của Trung quốc trên bàn cờ quốc tế
Cuốn sách này rất quan trọng cho các bạn mơ ước trở thành sỹ quan hay nhân viên ngoại giao hoặc các bạn đang nghiên cứu lịch sử thế giới. Tuy nhiên để hiểu nó một cách thấu đáo và thực tế, thì phải đọc thêm các tác phẩm khác của Zbigniew Brzezinski trong mối tương quan với Henry Kissinger – hai học giả theo trường phái hiện thực đã từng có vai trò quan trọng hơn cả các tổng thống Mỹ trong các vấn đề đối ngoại. Trước tiên nên nhớ, cuôn sách này rất sinh động trong thế giới ngày nay.