Có 1 tay phây búc kờ ca ngợi trí tuệ TQ dữ lắm. Các cụ đọc bao giờ chưa?
https://www.facebook.com/vinhhuy.le.967/posts/142263026802721
Em để ý lão ấy từ bài này. Giọng cực khó chịu, láo toét, nhưng..tiếc là (theo những dẫn chứng đưa ra) ...khó bắt bẻ.
Dù sao cũng có một bài học rút ra. Đọc nhiều, để lòng tin không bị một chiều.
TRÒ “ĐẠO THI” CỦA TỤI THI NHÂN TÀU
#Thơ_phú_bìm_bìm
Trong kho tàng văn học An Nam, có một dòng văn học cao sang, tuyệt 108 cái vời, nhưng ít được biết tới, là thơ văn chữ Hán. Vì ít được quan tâm nên thơ chữ Hán của An Nam đã bị lũ thi nhân Đại Hán ăn cắp từ lâu, nhưng ta cứ làm lơ để mặc chúng khai thác. Thớt này nhằm đòi công đạo, lấy lại bản quyền một số bài thơ của ta đã bị Tàu ăn cắp trắng trợn.
....
(Bài dài nên em chỉ trích mấy đoạn)
2- BÀI “NGƯ NHÀN” CỦA DƯƠNG KHÔNG LỘ
Dương Không Lộ (1016-1094) là quốc sư triều Lý. Bài “Ngư nhàn” của sư được Phật giáo Việt Nam đánh giá tuyệt tác thơ Thiền đời Lý-Trần. Vết tích sớm nhất về bài này là trong tuyển tập Toàn Việt thi lục 全越詩錄 của Lê Quý Đôn (1726-1784), nguyên văn như sau:
《漁閒》 NGƯ NHÀN
萬里清江萬里天 Vạn lý thanh giang vạn lý thiên
一村桑柘一村煙 Nhất thôn tang giá nhất thôn yên
漁翁睡著無人喚 Ngư ông thụy trước vô nhân hoán
過午醒來雪滿船 Quá ngọ tỉnh lai tuyết mãn thuyền
(NHÀ CHÀI RẢNH RỖI
Sông trong muôn dặm, trời muôn dặm
Một làng trồng dâu gai, làng [ẩn trong] khói mây
Ông chài ngủ say, không ai kêu dậy
Quá trưa thức giấc thì tuyết đã đầy thuyền).
Bài thơ này cũng bị ăn cắp bởi Hàn Ác 韓偓 (844-923) đời Đường. Ác sinh trước Không Lộ khoảng 200 năm, là tiến sĩ xuất thân. Tên này có anh ruột là Hàn Nghi 韓儀, dượng rể là Lý Thương Ẩn 李商隱, cùng có tên trong “Toàn Đường thi”. Về hoạn lộ, Ác từng làm đến Binh bộ Thị lang, Hàn lâm Thừa chỉ; sau bị biếm ra đất Thục. Cuối đời, Ác ở nhờ chùa Diên Phúc trên Cửu Nhật sơn (nay thuộc Tuyền Châu, tỉnh Phúc Kiến); qua đời trong chùa Long Hưng (Phong châu, Phúc Kiến). Vậy mà hắn lại đang tâm ăn cắp thơ của thầy chùa Không Lộ.
Hành vi đạo thi của tên này cực kỳ trơ trẽn: chép lại y chang nguyên bài, chỉ đổi nhan đề thành “Túy trước” 醉著 (Thơ làm lúc say), được đưa vào tuyển tập “Đường âm thống thiêm” 唐音統簽 của Hồ Chấn Hanh 胡震亨 (1569-1645).
3- BÀI KỆ “HƯU HƯỚNG NHƯ LAI” CỦA NGUYỄN QUẢNG NGHIÊM:
Quảng Nghiêm thiền sư (1121-1191) chùa Thánh Ân (huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh), là cao tăng Đại Việt. Sư chỉ lưu lại một bài kệ duy nhất, được chép trong “Thiền uyển tập anh” 禪苑集英, do Thông Biện thiền sư (?-1134) soạn:
《休向如來》 HƯU HƯỚNG NHƯ LAI
離寂方言寂滅去 Ly tịch phương ngôn tịch diệt khứ
生無生后說無生 Sinh vô sinh hậu thuyết vô sinh
男兒自有沖天志 Nam nhi tự hữu xung thiên chí
休向如來行處行 Hưu hương Như Lai hành xứ hành
(ĐỪNG THEO GÓT NHƯ LAI
Có lìa xa được cõi tịch[1] mới có thể nói tới tịch diệt[2]
Sinh vào cõi vô sinh mới bàn thấu vô sinh[3]
Làm trai phải có chí xông lên trời cao
Há chịu lẽo đẽo theo vết Như Lai).
Hai câu kết bài này tạo ấn tượng mạnh, ở chỗ siêu việt cả Phật tổ, nên đã bị một thầy chùa bên Tàu ăn cắp.
Số là trên núi Phụng Tê 鳳棲 ở huyện Đồng An tỉnh Phúc Kiến, có ngôi chùa Đồng An. Chùa này nổi danh nhờ thời Ngũ đại Thập quốc (907-979) có sư trụ trì pháp hiệu Thường Sát 常察, được cho là thánh tăng.
Dè đâu, Thường Sát chỉ cạo đầu mà không cạo lông nách, đã xuất hồn lãng đãng xuyên không tới trăm năm sau, ăn cắp hai câu nói trên, để làm kết cho bài thứ tư trong chùm kệ “Đồng An Sát thiền sư Thập huyền đàm” 同安察禪師十玄談. Bài thuyết pháp này sau được đưa vào “Cảnh Đức truyền đăng lục” 景德傳燈錄, bộ sử Thiền tông Trung Hoa (hoàn thành năm 1004).
Bài kệ của Thường Sát như vầy:
《塵異》 TRẦN DỊ
濁者自濁清者清 Trọc giả tự trọc, thanh giả thanh
菩提煩惱等空平 Bồ đề phiền não đẳng không bình
誰言卞璧無人鑒 Thùy ngôn Biện bích vô nhân giám
我道驪珠到處晶 Ngã đạo Ly châu đáo xứ tinh
萬法泯時全體現 Vạn pháp mẫn thời toàn thể hiện
三乘分別強安名 Tam thừa phân biệt cưỡng an danh
丈夫皆有沖天志 Trượng phu tự hữu xung thiên chí
莫向如來行處行 Mạc hướng Như Lai hành xứ hành
(KHÁC BIỆT TRONG CÕI TRẦN
Người đục cứ đục, người trong cứ trong
Bồ đề và phiền não đều như nhau
Ai nói ngọc Biện Hòa không người kiểm định?
Ta bảo viên Ly châu[4] chiếu sáng khắp nơi
Thời loạn lạc thì muôn pháp càng hiển lộ
Ba thừa[5] chia nhau tận lực vỗ yên mọi người
Đấng trượng phu phải có chí xông lên trời cao
Đừng thèm lẽo đẽo theo vết Như Lai).
[1] Cõi tịch: tức Niết bàn.
[2] Tịch diệt: nhập Niết bàn.
[3] Vô sinh: thoát vòng luân hồi.
[4] Ly châu 驪珠: Ly 驪 là con ngựa ô. “Ly châu” là tên viên ngọc quý trên yết hầu con rồng đen trong tích xưa.
[5] Tam thừa 三乘: ba cỗ xe. Theo kinh Diệu pháp Liên hoa, Phật tùy căn cơ chúng sinh mà truyền Thanh văn thừa, Độc giác thừa, hoặc Bồ tát thừa để phổ độ chánh pháp.
Đại Việt ta có 4.000 năm văn hiến, là siêu cường quốc thơ. Ở xứ này, không chỉ nhà thơ mới biết mần thơ, mà tuốt trên xuống dưới, từ chủ tịch bí thư tới phụ hồ vịt lộn, ai cũng có tài phun vần khạc điệu.
Thơ ta vì thế thường bị thế giới, nhất là tụi Tàu, dòm ngó. Số lượng thơ của ta bị Tàu ăn cắp không chỉ mấy bài trong thớt, chắc chắn phải còn nhiều trường hợp khác. Bọn mọi rợ chó má phương Bắc này lại cực kỳ gian ngoan thâm độc. Thói thường, muốn đạo thi, người ta thường chỉ trộm thơ của người thời trước, hoặc liều mạng hơn thì lấy của người cùng thời; riêng tụi Tàu tinh vi, chuyên môn ăn cắp thơ của đời sau, nên đương thời vô phương phát hiện.