Review đôi khi phải có cảm hứng, nhất là với một cuốn sách dầy cộm hơn 800 trang chất chứa quá nhiều sự kiện, lồng ghép quá nhiều ý kiến của quá nhiều người – những kẻ mà dân of khinh miệt gọi là bọn lý luận – với những lời nói không chỉ tác động mà ngạo mạn hơn chúng xoay chuyển tương lai của chúng ta một cách vô cảm và hững hờ giống như một người đàn bà đẹp lạnh lùng thờ ơ dù y thị ý thức rõ ràng rằng sắc đẹp trời ban đó đang làm khuynh đảo biết bao trái tim của bọn đàn ông yếu mềm trong dục vọng. Em cũng chỉ là một gã đàn ông có trái tim mềm yếu, muốn review một cuốn sách hay nhưng nhiệt huyết chỉ bùng lên khi chạm vào ánh mắt nâu to tròn vửa thần phục vừa kiêu hãnh, lấp lánh điểm tô bằng vài hạt mưa vương trên đôi má tròn bầu bĩnh đang nghiêng tựa trên mặt bàn chờ đợi được thấy người nàng yêu say mê đắm đuối trong một review vội vàng. Cơn mưa chiều xám xịt hóa phút giây ngọc ngà. Haizz.
Giang hồ đồn rằng Henry Kissinger rất giỏi tiếng Quan Thoại. Ừ….. cứ 10 đứa học tiếng Trung thì có đến 15-16 đứa say mê đến độ mệ muội văn hóa Trung Hoa. Kissinger cũng chẳng phải ngoại lệ gì nhưng cái khác biệt của Kiss so với những người còn lại là ông ta sử dụng vốn kiến thức văn hóa đó để thâm nhập và hiểu rõ nền văn hóa chính trị Trung Quốc. Bản dịch tiếng Việt dày hơn 500 trang, chỉ thực sự bàn về Trung Quốc ở chương đầu và chương cuối, những phần còn lại là miêu tả lịch sử và hồi ức của một người đã từng đặt toàn bộ sự nghiệp chính trị của mình vào việc xây dựng mối quan hệ chiến lược Mỹ Trung. Lịch sử chỉ là những câu chuyện khiếm khuyết và hồi ức luôn có chỗ nhạt nhòa và đôi khi: phóng đại.
Ngay từ chương đầu tiên của “On China”, Kiss đã khiến người đọc bất ngờ về sự khái quát thâm sâu nền văn hóa chính trị đó. Không hổ danh là học giả uyên bác về Trung Quốc, Kiss đã dẫn ngay người đọc vào một thế giới quan chính trị khác biệt đến dị thường của Trung Hoa đế chế. Trung Hoa đại diện cho phương Đông, là một nền văn minh kỳ vĩ, nó kỳ vĩ bởi tư tưởng và hệ thống tổ chức nhà nước phong kiến siêu việt. Kiss chắc chắn hiểu rõ Khổng giáo, Tống nho, tuy nhiên có thể ông ta chưa tường lắm một luồng tư tưởng khác tuy đứng thứ hai nhưng vẫn thuộc dòng chủ lưu của Trung quốc - dòng tư tưởng của Lão Tử, Trang tử nên …. Dù vậy, với vốn kiến thức dầy dặn Kiss đã chỉ rõ một đặc tính trong văn hóa chính trị Trung Quốc, đó là đặc tính dối lừa. Thời kỳ phong kiến, Trung Quốc là kẻ thống trị ngạo mạn dựa trên sự lừa dối. Thời kỳ hiện đại, Trung Quốc là tay chơi chính trị luôn biết cách dối lừa để lại có thể ngạo mạn thêm một lần nữa như xa xưa họ đã từng. Kiss biết rõ điều đó nhưng với bản tính của một kẻ đại diện cho một quốc gia truyền giáo, ông ta vẫn mơ tưởng về mối quan hệ tốt đẹp, hợp tác để có thể xoay chuyển và đưa Trung Quốc vào quĩ đạo chung của Hoa Kỳ và quan trọng hơn, phổ quát các giá trị phương Tây cho toàn châu Á.
“Cố tình trồng hoa, hoa không nở/ Vô tình cắm liễu, liễu lại xanh”. Hoa Kỳ trong quan hệ với Trung quốc cũng giống như một kẻ trồng hoa đang chứng kiến rặng liễu xanh um tươi tốt. Hoa sẽ không thể nở bởi các phiên thuộc man di sao có thể sánh cùng một Trung Hoa với nền văn minh kỳ vĩ. Ước vọng biến Trung Quốc trở thành đại cường số một thế giới luôn sục sôi trong tâm khảm của các Hán tử đại trương phu. Kiss không thể không biết các thành ngữ cố Trung Hoa: “một nước không thể có hai vua”, ‘thà làm mỏ gà hơn làm đít trâu’… nên trong khi mơ ước về một trật tự thế giới có cả Mỹ cả Trung, ông ta vẫn để ngỏ một khả năng tranh đấu cho các giá trị truyền thống Âu Mỹ. Tuy nhiên, câu kết của cuốn sách đã biến Kiss, một cựu cố vấn an ninh khôn ngoan và thực dụng thành một ông lão lẩy bẩy lom khom chìm đắm trong ước vọng về một thế giới đại đồng như Mao đã từng mơ ước. Không sao. Sự kiêu hãnh đôi khi ngăn trở chúng ta tự thừa nhận về tác động của ai đó lên tư tưởng của mình. Và thực tế là bất cứ ai khi về già đều sẽ trở thành một utopian chìm đắm trong ký ức về một utopianism nào đó. Tất cả. Chả trừ một ai. Bởi vì … c’est la vie.