Nhằm tiếp tục nâng cao một bước cải cách thủ tục hành chính, giảm bớt các thủ tục, giấy tờ không cần thiết, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi giải quyết vụ việc vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông (TTATGT), đồng thời đáp ứng yêu cầu thực tiễn công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm về TTATGT đường bộ trong tình hình mới theo hướng đảm bảo công khai, minh bạch; ngày 04/01/2016, Bộ Công an đã ban hành Thông tư số 01/2016/TT-BCA quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông (gọi tắt là Thông tư 01) thay thế cho Thông tư số 65/2012/TT-BCA và ban hành Thông tư số 02/2016/TT-BCA quy định về quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông (gọi tắt là Thông tư 02) thay thế cho Thông tư số 66/2012/TT-BCA.
Thông tư 01 và Thông tư 02 đã có những điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực TTATGT. Nổi bật là một số nội dung trọng tâm sau:
Thứ nhất, Thông tư 01 vẫn giữ nguyên các trường hợp được dừng phương tiện, tuy nhiên, đã sửa đổi nội dung theo hướng mở rộng phạm vi căn cứ dừng phương tiện cho lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT), tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng CSGT trong việc triển khai các kế hoạch, cao điểm chuyên đề nhằm đảm bảo TTATGT.
Thứ hai, mở rộng phạm vi tuần tra, kiểm soát ở địa bàn giáp ranh giữa các đơn vị, địa phương. Thông tư 02 quy định không được tổ chức kiểm soát tại một điểm trong phạm vi 02km đối với địa bàn tuần tra, kiểm soát của Phòng Cảnh sát giao thông (theo quy định cũ là 10km), 01km đối với địa bàn tuần tra, kiểm soát của Công an cấp huyện (theo quy định cũ là 05 km) về mỗi phía tính từ vị trí phân chia địa giới hành chính, để phù hợp với thực tiễn công tác.
Thứ ba, Thông tư 02 quy định áp dụng hình thức tuần tra, kiểm soát cơ động trên tuyến, địa bàn được phân công, kết hợp kiểm soát tại một điểm trước khi xe lên hoặc xuống đèo, dốc; trước khi đi vào hoặc sau khi ra khỏi hầm đường bộ, cầu đường bộ; cách chân đèo, dốc, cửa hầm đường bộ hoặc điểm đầu của cầu đường bộ một khoảng cách thích hợp để phòng ngừa tai nạn giao thông.
Như vậy, so với Thông tư 66, quy định vị trí kiểm soát tại một điểm cách chân đèo, dốc, cửa hầm đường bộ hoặc điểm đầu của cầu đường bộ tối thiểu 01km thì Thông tư 02 đã sửa đổi vị trí kiểm soát tại một điểm theo hướng mở (không quy định khoảng cách cụ thể), để đảm bảo tính linh hoạt cho địa phương chủ động áp dụng phù hợp với từng loại đèo, dốc, cầu, hầm đường bộ.
Thứ tư, Thông tư 02 quy định khi cá nhân, tổ chức vi phạm đã thực hiện việc nộp tiền phạt, cán bộ thực hiện nhiệm vụ xử lý vi phạm hành chính tại đơn vị sau khi tiếp nhận biên lai thu tiền phạt thì tiến hành kiểm tra, đối chiếu biên lai thu tiền phạt với hồ sơ vi phạm hành chính và lưu hồ sơ; trả lại giấy tờ đã tạm giữ cho người vi phạm hoặc đại diện tổ chức, cá nhân vi phạm (trừ trường hợp bị tước quyền sử dụng), yêu cầu người vi phạm hoặc đại diện tổ chức, cá nhân vi phạm ký nhận vào mặt sau biên bản vi phạm hành chính hoặc quyết định xử phạt vi phạm hành chính (bản lưu hồ sơ cơ quan xử lý vi phạm hành chính) về việc đã nhận lại giấy tờ.
Như vậy, nếu tại Thông tư 66 quy định phải lập biên bản trả lại giấy tờ bị tạm giữ cho người vi phạm thì tại Thông tư 02 đã sửa đổi không phải lập biên bản trả lại giấy tờ đã bị tạm giữ cho người vi phạm mà chỉ cần yêu cầu họ ký vào mặt sau biên bản vi phạm hành chính hoặc quyết định xử phạt vi phạm hành chính, để đảm bảo thực hiện chủ trương cải cách thủ tục hành chính, giảm bớt các loại giấy tờ không cần thiết, giảm bớt chi phí in ấn biểu mẫu, nhưng vẫn đúng pháp luật và phù hợp với thực tiễn công tác xử lý vi phạm hành chính như kiến nghị của nhiều địa phương.
Thứ năm, Thông tư 02 sửa đổi theo hướng mở, không quy định bắt buộc cán bộ được phân công làm nhiệm vụ kiểm soát phải thực hiện động tác chào theo điều lệnh Công an nhân dân đối với người lái xe, người vi phạm, mà tùy từng trường hợp cụ thể, có thể thực hiện động tác chào theo Điều lệnh Công an nhân dân, sau đó nói lời: Chào ông (bà, anh, chị…), yêu cầu ông (bà, anh, chị...) cho chúng tôi kiểm soát các loại giấy tờ có liên quan và kiểm soát phương tiện./.
Phòng PC67 CATP