Năm 2013, Trung Quốc đã “nhập siêu” những trang bị, vũ khí gì? Thứ sáu 28/02/2014 10:42 ANTĐ - Năm 2013, Trung Quốc đã trở thành nhà nhập khẩu vũ khí lớn nhất trong số các quốc gia ở khu vực đông Á với kim ngạch nhập khẩu 2,3 tỷ USD. Trong đó, chủ yều là các vũ khí và trang bị hàng không. Theo tin đưa ngày 27-02 trên báo Hồng Kông "South China Morning Post", năm 2013 lượng sản phẩm quốc phòng mà Trung Quốc nhập khẩu từ nước ngoài đã lên tới 2,3 tỷ USD, tăng 52,6% so với chỉ số tương tự của năm 2012. Đồng thời, đối thủ cạnh tranh chính của Trung Quốc trong khu vực là Ấn Độ đã lần đầu tiên trở thành nước mua vũ khí Mỹ nhiều nhất thế giới, vượt cả khối lượng mua của Saudi Arabia. Nhập khẩu vũ khí của Ấn Độ 5,9 tỷ USD, trong đó 1/3 là từ các nhà cung cấp Hoa Kỳ. "South China Morning Post" đã viện dẫn số liệu của nhóm nghiên cứu Mỹ IHS Jane's cho biết, chiếm tỷ lệ đáng kể trong phần gia tăng nhập khẩu Trung Quốc là sản phẩm của ngành công nghiệp quốc phòng Nga, cụ thể là động cơ máy bay và các loại vũ khí trên máy bay. Ngoài ra, họ cũng có những hợp tác nhất định với Ukraine và Israel. Trong tương lai, doanh số nhập khẩu sẽ còn cao hơn nữa vì Trung Quốc dự định mua máy bay chiến đấu thế hệ 4++ Su-35, tàu ngầm thông thường động cơ AIP lớp Lada và các hệ thống tên lửa phòng không tầm cao - tầm xa S-400 của Nga. Dự đoán, trong vài năm tới, Trung Quốc vẫn sẽ nhập siêu vũ khí. Cơ bản các loại máy bay chiến đấu Trung Quốc đều sử dụng động cơ của Nga Thời gian qua, Trung Quốc đã nhập khẩu hàng nghìn động cơ AJL-31F và RD-93 của Nga để trang bị trên các máy bay chiến đấu J-10, J-11, JH-7, FC-1… (bán sang cho Pakisstan là JF-17 Thunder) và sử dụng trên các nguyên mẫu thử nghiệm của máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 là J-20 và J-31. Ngoài ra, Trung Quốc còn mua từ Ukraine các động cơ tuốc bin phản lực cánh quạt đẩy AI-222-25, một biến thể của động cơ AL-31F Nga, giúp máy bay huấn luyện cao cấp L-15 của Trung Quốc vươn tới vận tốc siêu âm và loại động cơ hạng nặng D-18T và phiên bản nâng cấp D-18TM giành cho máy bay vận tải và máy bay tiếp dầu, thay thế cho động cơ D-30KP-2 mua của Nga. Cuối tháng 10-2013, phái đoàn quân sự cao cấp của Trung Quốc đã tới nhà máy sản xuất động cơ của Saturn để bàn bạc về việc nhờ Nga cung cấp động cơ cho máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 là J-20. Các chuyên gia Nga cho rằng nhiều khả năng máy bay chiến đấu của Trung Quốc sẽ được trang bị động cơ hiện đại hơn là AL-31F-M1 có lực đẩy 13.500kg, chuyên dụng cho Su-27SM, Su-27SM2, Su-33 và Su-34. Động cơ phản lực siêu âm AI-222-25 dùng trên máy bay huấn luyện cao cấp L-15 Trung Quốc có xuất xứ từ Nga Trong năm 2013, Trung Quốc đã ký một hợp đồng trị giá 50 triệu USD với Nga mua một lô tên lửa chống hạm/chống bức xạ Kh-31A/P, thời hạn hoàn tất giao hàng vào năm 2015. Ngoài ra, phía Trung Quốc còn đề nghị cục thiết kế Raduga cung cấp 1 lô tên lửa hành trình chống hạm dẫn đường bằng radar chủ động Kh-59MK và tên lửa chống bức xạ thế hệ mới nhất Kh-58UShKE. Tổng trị giá của hợp đồng này cũng là 50 triệu USD, thời hạn chót bàn giao tên lửa cho phía Trung Quốc là năm 2015. Với kim ngạch nhập khẩu lên tới 2,3 tỷ USD, Trung Quốc đã trở thành nước nhập siêu vũ khí. Trong vòng vài năm trở lại đây, hàng năm nước này đều năm trong Top 10 nước xuất khẩu vũ khí nhưng chưa bao giờ kim ngạch xuất khẩu của họ lên tới 2,3 tỷ USD. Liên tiếp trong 2 năm 2012 và 2013, kim ngạch xuất khẩu vũ khí của Trung Quốc đều dừng lại ở mức trên dưới 1,9 tỷ USD.