Cảm ơn các cụ, mợ đã quan tâm và chia sẻ. Giờ em mới vào đọc được các ý kiến và vodka. Đúng là mỗi nhà mỗi hoàn cảnh. Em thì vẫn tin là mình dễ tính, thoải mái, chỉ là do tính cách và cách sống của cháu này không hợp thôi.
Vì nhà em có cô giúp việc đã ở cùng hơn 5 năm nay và cả hai bên đều rất vui vẻ. Cô giúp việc nhà em thì lại số 1 luôn. Là người vô cùng có trách nhiệm, đi muộn, về sớm, không bao giờ thất hứa. Làm tất cả mọi thứ từ đưa đón con đi học, đi chợ, nấu nướng bếp núc cực ngon, dọn dẹp nhà cửa, sân vườn, giặt giũ... mọi thứ đâu vào đấy như một quy trình khép kín, nói chung là làm tất, như quản gia, vợ chồng không phải nghĩ gì cả.
Đứa cháu cũng được cô ấy phục vụ đến tận răng kiểu cho cơm & thức ăn vào hộp sẵn đúng giờ để cháu mang đi ăn trưa. Cô giúp việc cặm cụi, vất vả, 10-11h đêm có hôm vẫn phải ra vườn tưới cây trong lúc cháu mình thì nằm khểnh ra lướt facebook. Cô gv nhờ cháu gấp quần áo thì 90 phút vẫn chưa xong vì vừa gấp vừa chat. Lần sau khỏi nhờ luôn. Em nhìn thấy vậy nó chướng mắt và không vui, đôi khi phát bực là vì thế.
Em chia sẻ bài này cụ đọc cho vui
Óc lanh lợi
(Bài đào tạo học viện west point số 15)
Gửi: mấy gia nhân ở villa de tony
Lanh lợi là yếu tố quan trọng của một người trẻ. Các công ty thích nhận người lanh lợi vô hơn là người thông minh, người hiểu biết. Và 100% người đạt đỉnh cao của nghề nghiệp như bác sĩ giỏi, giáo viên giỏi, luật sư giỏi, kiến trúc sư giỏi, thợ kỹ thuật giỏi, kỹ sư giỏi, kinh tế giỏi, làm ăn giỏi...đều là người lanh lợi cả. Chưa thấy bác sĩ nào lù đù mà nói là ông đó giỏi lắm. Cũng chưa từng thấy giáo viên nào ngáo ngơ, bận áo dài đi từ phòng giám hiệu đến cửa lớp vấp té mấy lần mà gọi là giáo viên giỏi. Cũng chưa thấy ông bà chủ hay giám đốc doanh nghiệp ăn nên làm ra nào mà khờ khạo, bị đối tác lừa phá thai miết. Không có và không có.
Lanh lợi, tức clever, là tính từ chỉ người có tốc độ tư duy cao hon người bình thường. Tốc độ quét ánh mắt và tốc độ đi tương ứng với tốc độ tư duy. Nhưng nếu quét mắt liên tục thì trở thành người gian xảo, vốn là người lanh lợi nhưng phát triển theo hướng tiêu cực. Đi nhanh chứ không vội vàng mới là người lanh lợi, còn đi đứng vội vàng, hấp tấp...thì do nỗ lực quá mà thành.
Người có được óc lanh lợi là do Kỹ Năng Quan Sát, logic tốt, thực hành nhiều tức phải động tay động chân từ bé. Lanh lợi có thể di truyền, thường từ bà mẹ. Nếu gia đình có bà mẹ lanh lợi và ép con làm việc nhà từ bé thì những đứa con, dù nấu cơm cũng nhanh hơn người. Họ có tư duy tốt để sắp xếp cái gì trước, cái gì sau...trong lúc chờ cơm chín thì nhặt rau, nếu có bếp khác thì trong lúc nhặt rau, nấu nước trước. Nên với 1 thời gian 24h, vốn là cái duy nhất công bằng của tạo hoá cho muôn loài, người lanh lợi sẽ làm được n+1 việc, trong khi người dở chỉ làm mỗi 1 việc vẫn không xong, hoặc không nghĩ ra việc gì để làm cả. Cái này không liên quan đến trình độ học vấn hay bằng cấp. Và dẫn đến kết quả, người thành kẻ bại, chứ không phải do ai nâng đỡ hay may mắn gì cả. Tự mỗi người tư duy và lao động ra sao thì thành người như thế. (bạn trai biết để chọn vợ, nên lấy mấy cô lanh lợi, đừng lấy mấy đứa lù đù hay không biết làm việc nhà, thế hệ sau nghèo khổ bần hàn tội tụi nó).
Óc lanh lợi cũng hoàn toàn có được nhờ tự đào tạo. Quan sát là cái đầu tiên của người lanh lợi phải có. Nhìn xung quanh bán kính 1m rồi xa hơn, sẽ thấy những cái bất thường cần phải thay đổi. Bật điều hoà mà vẫn mở cửa sổ, rác chưa đổ, bức tranh bị treo nghiêng, vị trí đó nên đặt cái tủ sẽ chừa một khoảng trống để làm việc, cái hốc đó nên đóng thêm 1 cái tủ sẽ hợp lý hơn. Nhìn lên trần, váng nhện đó cần phải dọn, chỗ đó nắng vào cần để cái cây xanh, chỗ đó mưa tạt cần phải che, chỗ đó tối quá cần bắt thêm bóng đèn, bóng cháy rồi thay bóng mới. Thực tế có công ty cả chục nhân viên ngồi dưới cái bóng chớp tắt miết...mà vẫn say sưa làm việc, nhìn ớn quá.
Đến một ngôi nhà, một môi trường khác...thì lập tức quan sát trật tự của họ. Giày dép họ cho mang vô nhà hay để ngoài, ra khỏi toilet nên đóng cửa lại, tiêu tiểu xong nên rửa sạch, lấy giấy lau khô bồn cầu lẫn nơi mình rớt nước xuống...trả lại nguyên vẹn y chang như lúc mới vào. Cái bếp phải dọn dẹp, vị trí nào để cái gì sao cho hợp lý. Các bạn gia nhân ở villa hầu như xài 1 kg đường ăn chỉ trong 1 ngày. Vì mở ra, lấy chút xíu pha cà phê xong quên đóng nắp lại, hoặc đóng không chặt, hoặc bỏ bên ngoài...và kiến đen vô nhiều hơn màu trắng của đường, phải đổ bỏ. Nhiều bạn tới ngồi 1 vị trí nào đó thì bật quạt cho mát, bật tivi xem, xong đứng dậy chả buồn tắt, nghĩ là chút xíu quay lại, xong cái có ai điện thoại, vọt đi chơi luôn. Có bạn rửa bát tốn nước kinh khủng. Nước thì cứ cho chảy róc rách liên tục. Sao không dồn vào cái thau hoặc chặn cái thoát nước trong bồn để rửa cho tiết kiệm nước hơn?
Chỗ ngủ cũng vậy. Sắp xếp sao cho nằm ở 1 góc nào đó cho hợp lý, chừa khoảng không cho sinh hoạt, bàn này tủ kia. Máy điều hoà máy quạt sao cho làm không khí dễ chịu, chứ không phải chĩa thẳng vào người, đã có nhiều bạn trẻ ở nhà trọ, nhậu xong về cởi áo ngủ giữa nhà, lấy quạt hay máy lạnh chĩa thẳng vô cho mát...và sáng mai vĩnh viễn không dậy được nữa.
Khi ở với người khác, nên nghĩ về người khác trước khi nghĩ về mình. Có nhiều gia nhân ở villa 1 thời gian bị đuổi. Buổi sáng ngủ dậy, chẳng quan tâm đến ai ăn gì uống gì, bạn tự pha ly cà phê, tự nấu tô mì tôm ăn rồi bỏ đi. Buổi tối về là lên phòng ôm laptop, mặc con Lu cả ngày chưa ăn gì, nhà cửa thì bề bộn dơ dáy, quạt máy đứa bật từ sáng đi quên tắt vẫn quay vù vù. Vô phòng ngủ thì quần lót góc trái, quần đùi góc phải, bít tất (vớ) mang 2 lần (lẽ ra là chỉ mang 1 ngày phải giặt), giấy ăn vứt lung tung, cả phòng xộc lên mùi hôi thối. Nhưng vẫn ngủ được. Nên đuổi, villa không phải trại gia súc gia cầm.
Villa nuôi 5 con gà Đông Tảo lúc mới 1 tháng tuổi, cho nằm trong cái rổ úp lại. 3 tháng sau, vẫn cái rổ đấy, 5 con bây giờ đã hơn kí lô nằm chen chúc nhau, la ỏm tỏi, cả chục đứa villa nhìn cười. Auto Farm tức hệ thống trồng rau thuỷ canh trên lầu có mấy chậu đã già quá, xơ xác nhưng vẫn không thay chậu mới. Một số chậu không còn cây gì, một số chậu thì cây mọc chen chúc...nhưng không biết phải tách ra. Túi nylong bay đầy sân thượng. Quần áo bao giờ cũng giặt 2-3 lần, vì giặt xong đem phơi, đi làm đi học không chịu lấy vô chỗ khuất gió, chiều về thấy bay tứ tung cả, quần lót 7 sắc cầu vồng bay qua villa bên cạnh, con chó nhà bên cắn lủng hết mấy chỗ nhạy cảm, rồi phải qua xin lại, nửa đêm thắp đèn ngồi vá...
Vô một trung tâm mua sắm hay tiệc tùng đông người, mình quan sát các cửa thoát hiểm, ví dụ đột ngột cháy thì sẽ men theo bức tường nào để tìm cửa thoát nạn. Nhìn mối điện bị hở, nguy cơ cháy nổ rất cao, nên báo cho người ta sửa. Lái xe trên đường thì càng quan sát kinh hơn nữa, vì mô hình thị trấn mở rộng cho mọi đô thị nước ta nên người ta sẽ vừa lái xe máy vừa chạy tìm cửa hiệu bán cái gì đó mà mình cần mua. Có khi đang chạy thì nhác thấy, nên phanh lại cái két, rẽ vô ngay, phía sau không phản ứng kịp là tèo đứa đi xe máy trước. Nên phải quan sát, thấy nó dáo dác thì mình chuẩn bị tinh thần lách hoặc phanh lại bất cứ lúc nào.
Mệt quá, nói chung tụi mày không lao động chân tay thì sẽ không có óc quan sát. Mà không có óc quan sát thì cả đời khổ, không kiếm tiền được, không thành công được. Sai lầm lớn nhất của giáo dục mỗi gia đình là từ lớp 10, chỉ ngồi bàn giấy "ô mê ga tê cộng phi" từ sáng đến khuya để vô đại học cho bằng được, và hậu quả là 199 ngàn kỹ sư cử nhân thạc sĩ thất nghiệp như thống kê trên báo sáng nay. Số còn lại lao động không có năng suất mấy, doanh nghiệp hay cơ quan phải gồng mình chịu đựng, đuổi riết cũng mỏi miệng. Chỉ có một số ít là lao động cực giỏi, doanh nghiệp giành giật bắt mệt. Đặc trưng của nhóm lao động giỏi này là được gia đình cho lao động chân tay từ bé, nên người khoẻ khoắn cân đối, tư duy lanh lẹ hơn người, làm được việc cho cơ quan doanh nghiệp nên ai cũng ưa cũng thích. Từ năm 2 năm 3 là đã đi làm thêm, đã được người ta đặt cọc. Còn tốt nghiệp rồi mà thất nghiệp, hay phải nhờ ai xin việc làm cho, thì là đứa dở, dở ẹt. Do nó, 100% do nó cả.
Nói túm lại là: phải sửa đổi. Bắt đầu làm tay chân mọi thứ, không nhờ người khác nữa. Phải có óc quan sát. Chứ cái gì cũng chỉ cụ thể thì tới tết Công Gô vẫn không nói hết được.