07.30 Am ngày 3/6 tỉnh dậy sau một đêm mệt mỏi giã rời, đi dạo quanh quanh khach sạn hóa ra đây là khách sạn 4 sao nằm cạnh hồ Starnberg thuộc thị trấn sát thành phố Munich.
Khách sạn 4 sao tại 28 Starnberg
Phòng ốc rộng rãi, không gian thoáng đãng, nội thất khá sang trọng.
Ăn sáng hoành tráng tại khách sạn, bù lại bữa mỳ tôm tối qua. Chúng tôi thu dọn đồ đạc trả phòng và lên đường, vì đêm qua đã vào Thành phố Munich không thấy có gì cuốn hút và sợ lại xảy ra chuyện nhầm lẫn như hôm qua khi sang áo, nên chúng tôi quyết định chỉ thăm thú thị trấn Starnberg qua qua rồi lên đường sang Salzberg nước Áo cho sớm chợ.
09.00 am ngày 3/6 bắt đầu khởi hành bằng cách chạy vòng quanh thị trấn và dừng chân tại trung tâm thị trấn.
Starnberg là một thị trấn, thủ phủ của một huyện cùng tên ở bang
Bayern,
Đức. Starnberg nằm ở đầu phía Bắc của
hồ Starnberg, cách München khoảng 25 km về phía Tây Nam, là một nơi du lịch và nghỉ mát. Huyện Starnberg có thu nhập đầu người cao nhất trong các huyện của Đức. Nơi này còn được gọi là vùng 5 hồ (
Fünfseenland) vì có các hồ: Starnberger See và Ammersee, cũng như các hồ nhỏ hơn
Weßlinger See,
Wörthsee và
Pilsensee. Các hồ này được các sông băng tạo ra vào giai đoạn cuối
Thời kỳ băng hà.
Hồ Starnberger See là hồ lớn thứ 5 của Đức về diện tích sau hồ Bodensee, Müritz, Chiemsee và Schweriner See.
Sau này do vô tình đoàn chúng tôi có cơ hội tham quan và thưởng thức beer Đức bên hồ lớn thứ 3 nước Đức đó là Chiemsee, vùng chung quanh hồ được gọi là
Chiemgau và là một vùng nghỉ mát nổi tiếng.
Thủ phủ thị trấn du lịch và nghỉ mát Starnberg.
09.45 am ngày 3/6, chúng tôi đã trên đường cao tốc Autobahn để đến với nước Áo. Theo kế hoạch Salzberg cách Munich 145 km đi mất 01giờ 30 phút, nên sẽ ăn trưa thoải mái ở Áo. Trước hết cho xe ăn và mua tý nước ở trạm nghỉ chân dọc đường.
Một trạm dừng chân trên Autobanh, họ quy hoạch khoảng 50 km lại có một trạm như thế này
Có lẽ duy nhất trạm dừng chân này có thu phí vệ sinh ở Châu Âu.
Đổ đầy bình xăng 46 l hết 65 ơ
Đồ ăn nhanh đặc trưng ở Châu Âu trên cao tốc.
Trên tuyến cao tốc thỉnh thoảng có những đoàn xe máy phân khối lớn rú ga ầm ĩ phòng vượt qua ô tô, tốc độ của những xe máy này phải xấp xỉ 130 km/h.
Đi được khoảng 15 phút thì tắc đường, cao tốc của Đức cũng tắc đường đấy chứ. Chờ đợi 30 phút không nhúc nhích, xe cộ thành một hàng dài, chiều đối diện thỉnh thoảng mới có chiếc xe chạy ngược lại. Đoán già đoán non chắc có tai nạn mà phải khủng lắm mới làm tắc cả hai chiều như thế này. Một lúc sau có tiếng rú còi cấp cứu ầm ĩ từ phía sau vọng tới, có 1 xe cứu thương chạy ngay sau một chiếc xe cứu hỏa đang đi lên từ lane giữ của cao tốc. May mà được trải nghiệm để biết được thế nào tắc đường cao tốc và nhường đường cho xe ưu tiên ở Châu Âu.
.
Rất ngạc nhiên, đầy khâm phục cách tổ chức giao thông và tính kỷ luật của người Đức, trong hoàn cảnh đang tắc đường, phía sau chúng tôi xe ô tô đứng chờ ken đặc trên tất cả 3 lane đường cao tốc, nhưng khi nghe thấy tiếng còi rú chúng tôi ra khỏi xe và trèo lên lan can đường quan sát, thấy xe cứu hỏa và xe cứu thương chạy băng băng ở lane giữa, các xe đang đứng ở lane này tự động dạt sang hai bên lane bên cạnh một cách nhanh chóng để nhường đường. Khi hai xe này chạy ngang qua xe chúng tôi, quan sát thấy phía sau 2 xe đó có vài xe dân sự lợi dụng chạy theo. Xe cứu thương liền dừng lại và cửa đằng sau mở ra, một người đàn ông ra đứng cửa xe xì sồ quát tháo gì đó, vì là tiếng Đức nên tôi không nghe được gì, đoán là chửi những xe lợi dụng chạy đằng sau không được bám theo như thế.
Rất nể khi được chứng kiến giữa biển xe cộ xếp hàng hàng chục km, chèn cứng cả 3 lane đường, nhưng xe cứu thương, cứu hỏa vẫn có thể đi đến điểm xảy ra sự cố ở lane đường giữa.
Mất 2 tiếng chạy với tốc độ như tắc đường ở Hà nội, chúng tôi mới xác định được nguyên nhân tắc đường, hóa ra chúng tôi đi sang Châu âu đúng đợt lũ lụt lịch sử ở đây, đường cao tốc bị ngập, nhà chức trách ứng cứu và có cảnh sát đứng chỉ đường cho xe trên cao tốc đi vào các nhánh nhỏ để tránh lũ lụt.
Và một lần nữa lại phải trầm trồ cách tổ chức và ứng cứu sự cố của nước Đức, khi mà tất cả các con đường, ngã ba, ngã tư ở vùng thôn quê đều có biển hiệu tạm thời chỉ dẫn đàng hoàng.
Cảnh sát đứng chỉ đường ở những ngã ba, ngã tư hướng dẫn xe cộ qua lại những con đường tạm thời.
Trên những chiếc xe này luôn có sẵn những tấm biển tạm thời để nếu cần là có ngay phục vụ hướng dẫn thông, thoát giao thông, chỉ còn biết nói là họ rất chuyên nghiệp.
Theo bảng chỉ dẫn tạm thời đi đường vòng để sang Áo, chúng tôi di chuyển vào một con đường nhỏ chạy vòng qua hồ Chiemsees.
Toàn cảnh hồ Chiem see, hồ lớn thứ 3 nước Đức, là địa điểm du lịch và nghỉ mát nổi tiếng của người Đức.
Do lũ lụt đường cao tốc E60 mà chúng tôi đi một vòng hồ để bắt vào đường cao tốc E52, điều này làm mất rất nhiều thời gian và mọi kế hoạch bị đảo lộn. Chúng tôi quyết định tranh thủ thăm thú hồ và ăn trưa, mặc dù bây giờ đã là 3 giờ chiều.
Chiemsee là một thị trấn nhỏ nằm ở giữa Munich và Sazburg – nơi ba con sông Tiroler Achen, Prien và sông Alz cùng chảy vào một cái hồ lớn được gọi là biển Bavarian. Nơi đây được thiên nhiên ưu ái cho khung cảnh thiên nhiên đẹp thích hợp để đi dã ngoại, nghỉ dưỡng hoặc ngắm cảnh. Mức sống cao ở
Đức cho phép người dân nước này có nhiều thời gian và nhiều hoạt động vui chơi giải trí. Người Đức dùng thì giờ rãnh rỗi trong tuần theo nhiều cách khác nhau, và họ thường đến các câu lạc bộ nơi có các trò chơi giải trí mà họ ưa thích. Những hoạt động giải trí trong thời gian rãnh rỗi ở Đức chiếm 20% tổng số chi tiêu của một người dân Đức bình thường, và giải trí bản thân nó đã trở thành một ngành công nghiệp quan trọng.
Cảnh thôn quê nước Đức. Người Đức thích ôm đồm nhiều loại hoạt động giải trí khác nhau vì những hoạt động này đưa họ đến gần hơn với không gian tự do của đồi núi và rừng cây.
Là một nước phát triển, nhưng hầu hết các căn nhà tại đây đều trang bị pin mặt trời trên mái nhà
Nhà hàng phục vụ cho khách du lịch đồng quê tại Đức.
Đi bộ, đi dã ngoại, leo vách đá là những trò tiêu khiển vào cuối tuần và ngày nghỉ được nhiều người ưa thích, nhất là vùng đồi núi miền nam nước Đức. Những quy định ngặt nghèo về đi lại ở Đông Đức cũ đã gây bực bội cho những người thích đi du lịch thăm những danh thắng, và cũng là một nhân tố kích hoạt những bước tiến đầu tiên của cuộc cách mạng hòa bình năm 1989 thống nhất nước Đức. Trong nước Đức, người ta có thể đi nghỉ ở Rừng Đen, ở các vùng chân núi Alps, ở các hồ nội địa như hồ Bodensee hay Chiemsee và ở đảo Sylt gần Đan Mạch.
Cấu hình đặc trưng của dân Châu âu khi đi dã ngoại vùng thôn quê
Đây là một trong các bức ảnh mà tôi cảm thấy đẹp nhất mô tả sự tỷ mỷ và thanh bình của cuộc sống người dân Đức hiện trên một khuôn cửa sổ.
Chúng tôi chọn nhà hàng này để tận hưởng sự thoải mái trong khu du lịch dã ngoại quanh hồ Chiemsee và thưởng thức hương vị Beer Đức mà tối qua bị hụt.
Các cô gái phục vụ tại đây, ăn mặc đúng kiểu nông dân Đức, nhà hàng trang trí đẹp ấm cúng, món ăn và beer rất ngon.
Và cuối cùng là món kem tráng miệng.
Cuộc vui nào cũng có lúc tàn, sau khi tận hưởng vị ngọt ngào của món kém, và ngất ngây của beer, chúng tôi tiếp tục lên đường đến với Salzberg, nước Áo. Theo kế hoạch và cũng thông qua Agoda chúng tôi đã đặt phòng nghỉ đêm thứ 3 bên trời Âu tại đây.