Bây giờ, nhiều người có thói quen vào ngày lễ, rằm, hoặc một dịp nào đó trong năm ra chợ mua chim, cá, ốc… đem đi phóng sinh. Có cầu ắt có cung, nên hình thành hoạt động bẫy chim, bắt ốc, đánh cá… về bán cho những người có nhu cầu “phóng sinh”.
Những người theo Đạo Phật chân chính, hẳn biết rõ ý nghĩa của hai từ “phóng sinh” là như thế nào. Về cơ bản, theo triết lý nhà Phật, hành động phóng sinh là khi ta bắt gặp một loài vật gặp nạn, như chim mắc bẫy, cá mắc cạn, thú vật bị thương thì tìm cách để chăm sóc, rồi thả chúng về với tự nhiên.
Vì thế, phóng sinh mang ý nghĩa tốt đẹp, nhân bản.
Có lần vào chợ Đồng Xuân, ở một góc chợ, tôi thấy người ta bày 4 - 5 cái lồng sắt, bên trong chứa hàng trăm chú chim nhỏ nhảy nhót tán loạn. Bên cạnh là tấm biển Chim phóng sinh… Nhiều năm trở lại đây, cứ vào những ngày lễ, đặc biệt là dịp lễ Vu Lan – rằm tháng Bảy là nhiều người ra chợ mua chim, mua cá, ốc về thả “phóng sinh”.
Một vài người làm, nhiều người bắt chước, lâu dần thành quen, và giờ thì gần như trở thành một “tục lệ” của rất nhiều người. Họ nghĩ rằng, đấy chính là hành động “phóng sinh” với tâm niệm để cho thanh thản đầu óc.
Có người ra chợ mua cả chục, cả trăm chú chim về đem thả, lại có người mua cả chục cân ốc, chả cần biết chúng sống chết ra sao đem xuống hồ đổ, với ý nghĩ, càng nhiều “chúng sinh” được thả càng tốt cho đạo đức, tâm linh của họ.
Có cầu, ắt có cung, vậy là xuất hiện những người đi bẫy chim, đánh cá, bắt ốc về bán. Người ta mua về làm lễ ở nhà, lên chùa làm lễ rồi thả. Những con chim bị bắt nhốt lâu ngày trong chuồng đã mất phản xạ với tự nhiên, được thả ra ngoài có con chẳng bay nổi, chỉ nhảy nhót loanh quanh, rồi lại bị chính những kẻ bán chim “phóng sinh” bắt lại, nhốt lồng, chờ bán cho người khác.
Nếu “may mắn” chúng sẽ chết trước khi phải lâm vào cái vòng lặp khổ sở bị bắt, bị nhốt, được thả rồi lại bị bắt, bị nhốt kia.
Nếu có dịp đi qua Hồ Tây, Hồ Hoàn Kiếm vào sau những ngày lễ, người ta sẽ ngửi thấy mùi tanh hôi nồng nặc bốc lên từ dưới hồ. Có lẽ, đấy là những tấn ốc, cá… vừa được phóng sinh xuống hồ đã chết vì bị lôi khỏi môi trường của chúng nhiều ngày trước, để mang ra chợ bán cho người có nhu cầu “phóng sinh”.
Họ mua về và cứ thế thả lại xuống ao hồ, mà không quan tâm chúng đã chết từ đời nào. Vậy là hành động tâm linh thiếu hiểu biết, trở thành việc gây ô nhiễm môi trường.
Có thể thấy, trong thực tế cuộc sống, những hoạt động tâm linh, tín ngưỡng đang dần dần biến tướng rất khó hiểu. Nhiều người đi lễ, đi hội theo phong trào, thấy chỗ nào đông là phải đi bằng được mà chẳng cần biết ở đó thờ ai, hoạt động lễ hội ấy có ý nghĩa gì?
Đi lễ chùa cũng phải sắp mâm cao cỗ đầy, càng nhiều càng tốt, rồi rải tiền, giắt tiền khắp nơi; Vàng mã chở cả xe tải cúng xong đem đốt – thực chất, là đem tiền ra đốt vậy.
Làm xong thì tự nhủ với nhau, ấy là thành tâm, là khiến cho lòng mình thanh thản!?
Có lẽ, thay bằng những việc ấy, chúng ta nên làm quen với những việc đơn giản hơn, như bớt xả rác bừa bãi, ít dùng túi nilon hơn khi đi chợ, dừng chờ và đi đúng tín hiệu đèn giao thông, đi đúng phần đường quy định, thể hiện tình cảm, sự quan tâm chăm sóc với người thân khi đang còn có cơ hội được sống cùng nhau, thay vì mâm cao cỗ đầy mang cúng khi đã khuất…
Cuộc sống tốt đẹp, không bởi những hành động bắt chước theo đám đông một cách vô nghĩa.